Nhiều trường hợp có tài sản mà không thể thi hành
Những năm gần đây, cùng với sự ra đời của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ sở pháp lý của việc xác minh điều kiện thi hành án ngày càng được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho các chấp hành viên, công chức làm công tác THADS trong quá trình tổ chức xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi đạt được, thực tế công tác xác minh, xử lý thông tin xác minh và phân loại án trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một trong những vướng mắc đó có liên quan đến quy định xác định án chưa có điều kiện thi hành.
Điều 44a Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã quy định cụ thể các trường hợp để xác định việc chưa có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, ngoài 3 trường hợp luật định, trên thực tế còn có rất nhiều trường hợp có tài sản nhưng cũng không thể thi hành được và cần phải được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành.
Tổng hợp của Tổng cục THADS cho biết đó là trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành số tiền rất lớn nhưng tài sản của họ có giá trị rất nhỏ (kể cả trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp) nhưng vẫn phải chờ xử lý xong tài sản mới được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành là bất hợp lý. Hay đối với việc thi hành án khoản án phí trong các vụ việc liên quan đến khoản nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu thì không được ưu tiên thanh toán song cũng không được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành án. Ngoài ra, còn trường hợp trả vật đặc định nhưng vật đặc định không còn. Vật đặc định ở đây chính là đối tượng thi hành án, như vậy khi đối tượng thi hành án không còn thì xếp vào trường hợp chưa có điều kiện thi hành án cũng không giải quyết được vấn đề mà chỉ tăng lượng án tồn đọng.
Từ thực tiễn địa phương, Cục THADS tỉnh Bắc Giang phản ánh có rất nhiều vụ việc người phải thi hành án hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong trường hợp xử lý tài sản chung)… đi xuất khẩu lao động hoặc làm ăn sinh sống ở nước ngoài, không xác định được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài nên không thể thực hiện được việc yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự trong THADS theo quy định tại Điều 181 Luật THADS. Do vậy, cũng không thể xử lý tài sản, giải quyết việc thi hành án mặc dù người phải thi hành án có tài sản, dẫn đến tồn án chưa có biện pháp giải quyết. Dẫn chứng về vật đặc định, Cục THADS Bắc Giang cho biết, chủ yếu là các trường hợp mà tài sản thế chấp là động sản (ô tô, xe máy...). Loại việc “có điều kiện” nhưng không thể thi hành này phát sinh ngày càng nhiều và hiện chưa có biện pháp giải quyết, làm tăng áp lực cho chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc.
Sẽ tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ cho địa phương
Với trường hợp vật đặc định không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được, Cục THADS tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm: Xét về mặt logic nên bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44a về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án và bổ sung nội dung quy định này tại khoản 1 Điều 50 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thành căn cứ đình chỉ thi hành án để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, đồng thời có hướng giải quyết dứt điểm các hồ sơ thi hành án còn tồn đọng, không có biện pháp giải quyết. Trường hợp sau khi đình chỉ thi hành nghĩa vụ trả vật đặc định, đương sự khởi kiện tại Tòa và được thụ lý giải quyết bằng một bản án khác thì cơ quan THADS thực hiện việc tổ chức thi hành vụ việc theo quyết định của Tòa án theo bản án mới tuyên, như vậy quyền lợi của đương sự vẫn được đảm bảo trên thực tế.
Đồng tình, Cục THADS TP Hà Nội cũng kiến nghị nghiên cứu để bỏ trường hợp không còn điều kiện thi hành khi vật đặc định không còn. Không những thế, cần bổ sung thêm quy định chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản là vật không thể tách rời có giá trị chênh lệch quá lớn so với nghĩa vụ thi hành án.
Còn theo Tổng cục THADS, về nguyên tắc khi chưa bán (xử lý) xong tài sản thì không xác định được chính xác số tiền thi hành án mà cơ quan thi hành án thu được nên quy định hiện hành là phù hợp. Đối với trường hợp thứ nhất và thứ hai đã được tổng hợp như trên, Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật. Tuy nhiên, riêng đối với trường hợp vật đặc định không còn mà các bên không thỏa thuận được phương thức thi hành án thay thế thì nội dung bản án, quyết định của Tòa án vẫn chưa được thi hành nên Tổng cục nhấn mạnh là không có căn cứ đình chỉ thi hành án như đề nghị của một số địa phương.