Theo danh mục án phí lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án thì mức án phí áp dụng đối với việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch là 300.000đ. Do đó, đối với các trường hợp thuận tình ly hôn hoặc đình chỉ việc dân sự thì mức án phí được tuyên trả lại đương sự thường chỉ từ 150.000đ đến 300.000đ.
Vấn đề đặt ra là số tiền tạm ứng án phí được trả lại có giá trị quá nhỏ dẫn đến nhiều đương sự không đến nhận lại tiền do “ngại” phải bỏ thời gian, công sức để lấy lại. Một số trường hợp sau khi ly hôn đương sự chuyển địa chỉ đi nơi khác hoặc không thể xác định được địa chỉ của đương sự,… dẫn đến tình trạng cơ quan THADS báo gọi rất nhiều lần nhưng đương sự không đến nhận tiền. Việc này gây ra không ít khó khăn cho Chấp hành viên và dẫn đến tồn đọng hồ sơ thi hành án.
Thủ tục trả lại tiền tạm ứng án phí được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 126 Luật THADS; Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS.
Trong thực tiễn các cơ quan THADS thường xuyên gặp phải trường hợp đương sự không đến nhận tiền được trả lại, tuy nhiên thời gian để xử lý khoản tạm ứng án phí trong trường hợp đương sự không đến nhận vẫn còn quá dài: Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước (khoản 2 Điều 126 Luật THADS năm 2008). Như vậy, để giải quyết dứt điểm hồ sơ thi hành án, các cơ quan THADS phải đợi đủ thời hạn theo quy định là sau 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật… khoản tiền này mới được làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 48 Luật THADS: Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp người được nhận tài sản đã được thông báo hợp lệ 2 lần về việc nhận tài sản nhưng không đến nhận thì cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án.
Theo đó, đối với các việc mà bản án tuyên trả lại những tài sản có giá trị thấp (ví dụ như: Chậu nhôm đã qua sử dụng bị méo mó, con dao hay những vật dụng có giá trị thấp, đã qua sử dụng, thậm chí không còn giá trị sử dụng) hoặc hoàn trả tiền tạm ứng án phí mà số tiền có giá trị nhỏ (chỉ từ 100.000đ đến 200.000đ) sau khi cơ quan THADS đã thông báo nhưng đương sự không đến nhận cũng không có lý do chính đáng… cơ quan THADS không trả được sẽ dẫn đến số việc bị tồn đọng ảnh hưởng đến chỉ tiêu giải quyết việc thi hành án. Do đó, cần thiết phải có quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được thông báo nếu người được thi hành án không đến nhận lại tài sản (đối với những tài sản có giá trị nhỏ) mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS tiến hành tịch thu, tiêu hủy để xử lý dứt điểm vụ việc thi hành án.
Đề nghị xem xét quy định thống nhất một phương án xử lý chung đối với khoản tiền tạm ứng án phí có giá trị nhỏ (dưới 500.000đ) thì Tòa án có thể tuyên thu toàn bộ số tiền tạm ứng án phí để sung công quỹ nhà nước, góp phần giảm tải số lượng việc thi hành án cho các cơ quan THADS. Về thời gian làm thủ tục sung công quỹ nhà nước: Đề nghị xem xét rút ngắn khoảng thời gian làm thủ tục sung công quỹ nhà nước đối với số tiền tạm ứng án phí mà đương sự không đến nhận (từ 5 năm xuống còn 2 hoặc 3 năm) để tạo điều kiện cho cơ quan THADS có thể nhanh chóng kết thúc hồ sơ thi hành án.
Giải quyết dứt điểm các vụ án hoàn trả tiền tạm ứng án phí không chỉ có ý nghĩa đối với việc thực thi trên thực tế bản án, quyết định của tòa án mà còn có ý nghĩa lớn trong việc giảm án tồn đọng trong hoạt động THADS hiện nay.