Ngọc Thụy (Long Biên): Người dân khốn khổ vì “loạn” mốc giới, mương thoát nước bị “xóa sổ”?

(PLO) - Năm 2007, Ban Quản lý dự án quận Long Biên là chủ đầu tư thực hiện GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức đấu giá QSD đất vào mục đích xây dựng nhà ở (gọi tắt là Dự án) trên khu đất 5.333m2 thuộc tổ 17, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, TP.Hà Nội). Kể từ thời điểm đó, người dân tổ 17 liên tục có kiến nghị giải quyết quyền lợi khi chủ đầu tư thực hiện Dự án, tuy nhiên đến nay đã 11 năm chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Bà Chờ cho rằng diện tích đất gia đình bà bị lấn chiếm
Bà Chờ cho rằng diện tích đất gia đình bà bị lấn chiếm

“Đất sạch” nhưng “loạn” mốc giới?

Bác Lê Thị Chờ (SN 1948, tổ 17, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) bức xúc cho biết, từ năm 1950 cho đến nay, gia đình bà ở trên phần đất có diện tích 406m2. Phần diện tích đất này gia đình bà đã nhiều lần làm hồ sơ xin cấp giấy CNQSD đất nhưng chưa được.

Sở dĩ việc cấp giấy CNQSD đất cho bà Chờ gặp vướng mắc là do trước đó một số hộ dân giáp ranh cho rằng bị chồng lấn diện tích nên có đơn ngăn chặn.

Được biết, tại Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 2/3/2007 do Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Quý Đôn ký, về việc thu hồi 8.120m2 đất tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, giao cho Ban Quản lý dự án (QLDA) quận Long Biên để thực hiện Dự án, trong đó thu hồi 5.333m2 đất (vị trí tại tổ 17, phường Ngọc Thụy). Theo đó, diện tích đất để đấu giá QSD đất xây dựng nhà ở là 2.960m2 và 2.373m2 đất để làm đường theo quy hoạch.

Theo tìm hiểu, khu đất này được chia thành 29 lô đất bán đấu giá. Hiện tại, đa số các hộ trúng đấu giá đã tiến hành xây dựng nhà kiên cố. Tuy nhiên, có một vài trường hợp mới chỉ xây dựng tường rào để làm ranh giới với hộ liền kề.

Theo phản ánh, phần diện tích đất 406m2 của bà Chờ nằm giáp ranh với 5 lô đất trúng đấu giá. Năm 2007, gia đình bà có làm hàng rào bằng tre để phân định mốc giới (một đầu là mốc giới giáp Dự án do Sở TNMT cắm mốc, một đầu là bụi tre đã có từ lâu đời). 

Một điều khiến bà chờ bất ngờ đó là vào ngày 11/3/2008, bà bỗng dưng nhận được Quyết định số 72/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Lê Đăng Lập ký, về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng (hàng rào tre chiều dài 25,23m, chiều cao 1,5m).

Đến ngày 14/3/2008, UBND phường ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Không đồng tình với quyết định trên của UBND phường Ngọc Thụy, ngày 16/3/2008, bà Chờ đã có đơn khiếu nại đối với Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 11/3/2008. 

Trong Quyết định số 01/QĐ-UB ngày 17/4/2008 do chính ông Lê Đăng Lập ký, về việc giải quyết đơn thư khiếu nại lần đầu của bà Lê Thị Chờ đã chấp nhận nội dung đơn khiếu nại của bà Chờ, xét căn cứ ra quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 11/3/2008 của Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy là chưa chuẩn xác. Đồng thời thu hồi quyết định số 72/QĐ-UBND. 

Tưởng chừng như rắc rối chỉ dừng lại ở đó, thế nhưng sau khi trúng đấu giá các hộ dân tiến hành xây dựng nhà ở, tường rào thì đã xảy ra tranh chấp mốc giới với nhà bà Chờ. Điều bà Chờ cảm thấy khó hiểu đó là việc các lô đất đấu giá trên là “đất sạch” do Ban QLDA quận Long Biên là chủ đầu tư, nhưng không hiểu vì lý do gì mà một số hộ trúng đấu giá sau đó lại xây dựng lấn chiếm phần đất gia đình bà đang sử dụng? 

Hàng rào bằng tre làm ranh giới với Dự án được bà Chờ dựng từ năm 2007
Hàng rào bằng tre làm ranh giới với Dự án được bà Chờ dựng từ năm 2007

“Nhà tôi suốt mấy chục năm nay sử dụng ổn định và đóng thuế đất ở đầy đủ. Từ khi có Dự án, các hộ dân xây dựng đã lấn sang đất nhà tôi khiến tôi rất khó khăn trong việc làm sổ đỏ. Trong đó, ngày 20/4/2018, hộ trúng đấu giá lô đất thứ 5 (giáp bụi tre) đã xây tường bằng gạch đỏ dài lấn sang đất nhà tôi chiều dài 5,8m, rộng khoảng 1m.

Đây là dự án bán đấu giá đất của quận, tôi không hiểu họ có bàn giao đúng mốc giới cho người trúng đấu giá và cấp giấy CNQSD đất cho họ đúng diện tích đất hay không. Bây giờ tôi tôi đề nghị chính quyền địa phượng cần xác định đúng mốc giới, trả lại phần diện tích đất sử dụng hợp pháp của gia đình tôi”, bà Chờ bức xúc nói. 

Dự án chia lô bán cả đất mương thoát nước?

Ngoài việc phản ánh phần diện tích đang sử dụng bị lấn chiếm, bà Chờ còn cho biết, khi tiến hành thực hiện Dự án, chủ đầu tư đã lấp hết mương thoát nước đã có từ lâu đời nằm giáp ranh với các hộ dân.

Chính điều này đã khiến cho nước thải sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực này suốt 11 năm qua không có chỗ thoát. Ngay như trên phần đất của bà Chờ, nước thải sinh hoạt của hàng xóm hàng ngày vẫn chảy sang gây ứ đọng, ô nhiễm và có mùi xú uế. 

Không chỉ gia đình bà Chờ mà nhiều hộ dân thuộc tổ 17 đều bày tỏ sự bức xúc về việc chủ đầu tư thực hiện Dự án đã âm thầm “xóa sổ” mương thoát nước của nhiều hộ dân. Một hộ dân phản ánh, thời điểm khi Dự án đang triển khai san gạt để chia lô đất bán đấu giá, người dân cũng đã có ý kiến về việc giữ lại mương thoát nước cho người dân.

Tuy nhiên, mặc dù thời điểm đó chính quyền có mời người dân lên UBND phường (giấy mời ghi ngày 8/1/2008) để bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết. Thế nhưng, sau đó người dân không thấy chính quyền nhắc đến vấn đề này nữa và tiến hành lấp toàn bộ mương thoát nước phục vụ chia lô bán đấu giá. 

Có thể thấy rõ phần tường gạch xây sâu vào bên trong khi hàng rào bị phá.
Có thể thấy rõ phần tường gạch xây sâu vào bên trong khi hàng rào bị phá.

Ông Nguyễn Quang Bột (tổ 17, phường Ngọc Thụy) cho biết: “Trước đây có con mương thoát nước rộng 1m5, dài khoảng 500m, dẫn nước thải của các hộ dân. Sau đó Dự án san lấp hết tất cả mương thì dân có làm đơn thì lúc bấy giờ dự án có triệu tập lên và nói để khôi phục mương vì lúc đấy chưa có ai về ở. Thế nhưng họp xong rồi lại để đấy. Bây giờ mương không còn nên xảy ra chuyện úng ngập và người dân kiện cáo”. 

“Hiện tại chúng tôi phải giải quyết vấn đề nước thải bằng cách cho ngấm xuống lòng đất, 1 phần cho chảy ngược ra đường, còn lại là tồn đọng trong cống và hố ga của các nhà vì cống ngoài đường cao hơn rất nhiều so với cống đã có của gia đình. Do đó, tới mùa mưa nước không ngấm và thoát đi đâu được nên gây mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn ổ dịch sốt xuất huyết”, một hộ dân tổ 17 bức xúc nói.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Bùi Thị Thu Lan (nguyên Tổ trưởng tổ 17, phường Ngọc Thụy giai đoạn 2004-2008) xác nhận: “Khi tôi về đây đã có cái mương chảy vào một cái ao (hay gọi là ao Bột), lúc dự án lấp đất thì lấp hết cả ao lẫn mương. Lúc đó, bà con ở đây có đề nghị là làm cho dân cái mương thoát nước.

Sau đấy, dưới quận có một cái văn bản thông báo và mọi người ra ngoài phường thống nhất là sẽ cả 2 bên (quận và người dân) cùng đóng góp để làm cái mương thoát nước. Lúc đấy bà con đều đồng ý nhưng sau này bẵng đi không thấy ai nói gì cả”.

Theo ghi nhận của phóng viên tại tổ 17 phường Ngọc Thụy, rất nhiều hộ dân bày tỏ sự không đồng tình với cách giải quyết kiến nghị của người dân từ phía chính quyền địa phương. Điều đáng nói, những vấn đề trên đều liên quan đến quyền lợi sát sườn của các hộ dân. 

Để làm rõ những phản ánh trên của người dân, phóng viên đã liên hệ UBND phường Ngọc Thụy, tuy nhiên, phía UBND phường đã đề nghị liên hệ làm việc với UBND quận Long Biên vì đây là dự án do quận làm chủ đầu tư.

Mặc dù đã nhiều ngày sau khi phóng viên liên hệ đặt lịch, phía văn phòng UBND quận Long Biên cho biết chưa thể sắp xếp lịch làm việc vì “sếp bận đi học”. Liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hà (phó Chủ tịch UBND quận Long Biên) thì vị lãnh đạo này cho biết “đang bận họp”.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin!

Đọc thêm