Ngôi chùa trên đảo ngọc gắn với “Tứ đại danh sơn” của đất Ninh Bình

(PLVN) - Đó là chùa Kỳ Lân nằm trên đỉnh núi Kỳ Lân - một hòn đảo núi tọa lạc tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Núi Kỳ Lân nằm cạnh quốc lộ 1A và đại lộ Tràng An nối trung tâm thành phố đi các khu du lịch Tràng An - Hoa Lư - chùa Bái Đính. 
Toàn cảnh núi và chùa Kỳ Lân như một hòn đảo ngọc xanh mướt giữa lòng thành phố Ninh Bình.

Núi Kỳ Lân cùng với 3 ngọn núi khác (núi Ngọc Mỹ Nhân, núi Non Nước, núi Lớ) được mệnh danh là Tứ đại danh sơn của vùng đất Ninh Bình. Sở dĩ có tên Kỳ Lân vì ngọn núi cao trên 50m này có hình đầu con lân nhìn về phía Bắc, sườn núi có chỗ hõm tạo hình giống hàm của con lân.

Vách núi nhấp nhô, những cây cổ thụ như si, đa, lộc vừng, thiên tuế... cùng các loại kỳ hoa dị thảo đua nhau rậm rạp tốt tươi tạo thành như bờm của con lân.

Cây cầu đá dẫn vào đảo ngọc.  

Để đi vào núi Kỳ Lân, có hai cây cầu đá bắc qua hồ dẫn lối. Hồ Kỳ Lân là một hồ nước ngọt rộng lớn bao quanh núi Kỳ Lân – ngọn núi bát ngát một màu xanh cây cỏ nên người ta ví như hòn đảo ngọc. Trên hồ Kỳ Lân hiện đã xây dựng một tòa bảo tháp và những tòa sen để ban đêm phát sáng. Có một tòa tháp nữa trên đảo hiện cũng đang hoàn thiện. 

 Mái đền ẩn hiện dưới màu xanh mướt của chồi non lộc biếc. 
Tòa tháp trên hồ Kỳ Lân.  

Đi qua cây cầu đá hình vòm cong duyên dáng dài khoảng ba chục mét, cao 4m, bạn sẽ đặt chân lên “đảo ngọc Kỳ Lân” nơi có đền, chùa Kỳ Lân. Cây cầu có 7 nhịp, mỗi nhịp được gắn kết với nhau bằng những phiến đá lớn vững chãi và chắc chắn, mỗi phiến đá dài khoảng 2m, rộng 1m. Qua cầu dẫn thẳng vào ngôi đền nhỏ ngay dưới chân núi – đó là đền thờ bà Quận chúa, tương truyền bà là người đã hy sinh thân mình làm vợ quái vật Kỳ Lân để cứu giúp dân lành. 

Đền thờ quận chúa dưới chân núi. 
Chính điện đền thờ Quận chúa.  
Bức phù điêu tạc bằng đá trước cửa đền thờ Quận chúa.  

Men theo con đường với hàng trăm bậc đá bên sườn núi sẽ dẫn du khách đến chùa Kỳ Lân – ngôi chùa nhỏ trông giống một am thờ Phật trên đỉnh núi Kỳ Lân. Trên đỉnh núi uy nghi, có cả một quả chuông bằng đồng được treo tượng trưng trên đầu một con lân.

Truyền rằng ai lên được đỉnh núi Kỳ Lân, thành tâm thỉnh một tiếng chuông, thắp nén tâm nhang khấn Phật thì cầu gì sẽ được nấy. Vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, dịp tuần tiết, người dân và du khách lại lên chùa Kỳ Lân cầu quốc thái dân an, xin bình an, tài lộc cho bản thân và gia đình.

Chùa Kỳ Lân trên đỉnh núi Kỳ Lân.  
Chuông chùa Kỳ Lân trên đỉnh núi.  

Sau khi thắp hương bái Phật, du khách có thể dừng chân tại Nghênh Phong Các – một căn lầu dựng bằng gỗ hình bát giác. Từ Nghênh Phong Các, bạn có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố Ninh Bình hiện đại, khang trang. Xa xa là những hàng núi đá vôi trùng trùng điệp điệp vây quanh khu danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính hay cố đô Hoa Lư.   

Nghênh Phong Các – một căn lầu dựng bằng gỗ hình bát giác là điểm du khách dừng chân ngắm cảnh trên đỉnh Kỳ Lân. 

Được biết, núi Kỳ Lân tuy nhỏ nhưng bên trong có đến 5 hang: hang Tối, hang Sáng, hang Ngang, hang Trung và hang Đền. Cây cối ở đây quanh năm xanh tốt khiến cho núi Kỳ Lân như một hòn đảo xanh mướt giữa lòng thành phố. 

Ngoài tòa tháp nổi giữa hồ Kỳ Lân, hiện một tòa tháp đối xứng nằm trên đảo núi cũng đang được hoàn thiện.  

Với vị trí đắc địa và thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp, núi Kỳ Lân trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đối với người dân địa phương và du khách. Đến đảo ngọc Kỳ Lân, du khách vừa được vãn cảnh chùa, đền, đắm mình trong không gian xanh thanh tịnh, vừa có thể check-in những bức ảnh tuyệt đẹp.  

Đọc thêm