Ngôi đình thiêng bên dòng kênh Vĩnh Tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nơi đầu nguồn biên giới Tây Nam của Tổ quốc, thuộc địa phận thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang có một ngôi đình thiêng niên đại 200 năm tuổi. Đó là đình Vĩnh Nguơn thờ Thành hoàng Nguyễn Hữu Lễ - người có công cứu vua Gia Long từ thuở hàn vi. 
Ngôi đình thiêng bên dòng kênh Vĩnh Tế

Đền Vĩnh Ngươn tọa lạc trên ở điểm giao nhau giữa sông Hậu và nơi khởi đầu của dòng kênh Vĩnh Tế thành một ngã ba mênh mông sóng nước, thuộc phường Vĩnh Ngươn, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Thờ Thành hoàng cứu chúa

Theo sử sách, ngôi đình này thờ ông Nguyễn Hữu Lễ - tương truyền là người có công cứu Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) trên đường bị quân Tây Sơn truy đuổi. Khi chúa Nguyễn Ánh gặp hiểm nguy, ông Nguyễn Hữu Lễ là người dân địa phương đã đứng ra huy động dân làng, tập hợp thuyền bè để đưa Nguyễn Ánh và quân lính vượt sông, bôn đào. 

Sau khi đoàn quân Nguyễn Ánh đi khỏi, ông cùng mọi người nhấn chìm xuồng ghe khiến cho quân Tây Sơn đến nơi không tài nào truy đuổi kịp, bèn quay lại tra xét dân làng. 

Cổng vào ngôi đền thiêng.
Cổng vào ngôi đền thiêng. 

Để cứu mọi người, ông đã can đảm đứng ra nhận tội chết để dân làng được yên ổn. Cảm khái nghĩa khí của ông, sau khi ông mất, người dân đã lập nơi thờ phụng để hương khói, tưởng nhớ. Về sau, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua hiệu là Gia Long (1802), đã nhớ công lao của ông nên phong làm “Thành hoàng Nghĩa Dũng Hữu Lễ Nguyễn Công Tôn thần”, tức Thành Hoàng làng Vĩnh Nguơn. 

Cảm kích trước nghĩa khí của bậc tiền nhân, dân làng đã trùng tu ngôi đình để thờ phụng, ngày đêm khói hương thành kính. Đến đời vua Khải Định năm thứ 9, lại sắc phong vị “Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần”. 

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, ngôi đình trở thành cơ sở liên lạc của cán bộ cách mạng. Chính vì vậy, ngôi đình đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

Ban thờ thần Nguyễn Hữu Lễ trong gian chính điện đình Vĩnh Ngươn.
Ban thờ thần Nguyễn Hữu Lễ trong gian chính điện đình Vĩnh Ngươn. 

Ngôi đình có niên đại 200 năm  

Theo nhân dân địa phương, đình Vĩnh Nguơn có lịch sử hình thành khoảng 200 năm, ban đầu bằng tre lá đơn sơ. Năm 1929, Đốc phủ Trương Tấn Vị cùng Ban quý tế họp sức dời ngôi đình về địa điểm hiện nay, vì chỗ cũ hàng năm thường xuyên bị ngập vào mùa nước nổi.

Với lịch sử hình thành 200 năm, sau nhiều lần trùng tu, ngôi đình vẫn giữ nguyên nét đẹp kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu cho di sản văn hóa dân tộc. Ngôi đình được xây dựng theo kiểu ba gian, hai chái, gồm các công trình: Đại điện, võ qui, võ ca, nhà khói… Công trình có sự gắn kết tài tình giữa các cột, xiên, kèo tạo nên một khung sườn  kiên cố có sức chịu lực rất cao cho toàn bộ khối kiến trúc.

Đình Vĩnh Ngươn soi bóng xuống dòng kênh Vĩnh Tế.
Đình Vĩnh Ngươn soi bóng xuống dòng kênh Vĩnh Tế. 

Hiện nay chính điện đình Vĩnh Ngươn được thiết kế kiểu cổ lầu tam cấp. Bàn thờ chính được đặt nơi trang trọng nhất ở đại điện, thờ thần Nguyễn Hữu Lễ. Cách bày trí khung cảnh lộng lẫy với hầu hết vật thể được sơn son thếp vàng, chứa nhiều hiện vật thờ tự mang tính lịch sử cao như bài vị, hòm sắc, lá sắc, khánh thờ …

Ngoài ra, còn có ngôi Long đình và bàn thờ Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền…  với tổng số 21 bàn thờ cổ, chất liệu bằng gỗ, được cẩn ốc xa cừ hoặc chạm khắc rất tinh xảo.v.v…

 

Ngoài ra, còn có các bộ tranh sơn thủy vẽ phong cảnh sống động ở các bàn thờ và trên các mặt dựng ở nóc mái đình…

Những cổ vật quý còn lưu giữ ở đình Vĩnh Nguơn có: 12 đôi liễn gỗ, 6 hoành phi gỗ, 20 bộ lư đồng, 2 cặp chân đèn, trống, chiêng, 1 Long đình, 3 Long vị, cùng 80 bức tranh sơn thủy và phù điêu… Vì những giá trị lịch sử và mỹ thuật đã kể trên, ngày 2 tháng 6 năm 2011, ngôi đình đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

 

Một điều quý giá nữa làm nên giá trị di tích là di sản văn hóa phi vật thể từ sự tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng. Đối với họ, đây là chốn linh thiêng bất khả xâm phạm, là nơi để thờ phụng vị Thành hoàng đã ra sức bảo vệ cuộc sống của nhân dân, mang lại sự ấm no, sung túc cho làng mạc…

Tất cả đã góp phần làm tăng vẻ đẹp hoàn hảo cho ngôi đình, xứng đáng là một di tích văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo để khách thập phương mỗi khi có dịp du lịch An Giang đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Đọc thêm