Cổ mộ hình trâu nằm ngủ
Mộ cổ hình trâu nằm ngủ tọa lạc ngay mặt đường số 10, khu phố 4, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức. Ngôi mộ chỉ rộng vỏn vẹn 110m2 được xây dựng từ năm 1890.
Những ngày cuối năm, trời nhạt nắng, ông Thái Bá Cởi (72 tuổi, thành viên Ban Quản lý) vẫn thường quét dọn, thắp nhang và nhắc nhở người xung quanh không phơi quần áo, không thả động vật làm ô uế nơi chôn cất tiền hiền Tạ Dương Minh. Thấy khách lạ đến viếng, ông lão như cởi tấm lòng, vui vẻ trò chuyện, huyên thuyên về gốc tích, hình dáng ngôi mộ.
“Từ xưa đến nay, người ta vẫn gọi mộ cổ này là “Ngưu miên” tức con trâu đang nằm ngủ giữa vũng nước. Giống trâu, hễ ăn no là thích đằm mình dưới nước hưởng thụ cái mát. Có lẽ người xưa lập mộ, tựu trung là sự no đủ, mát lành. Cách đây mấy năm, khi trùng tu, người ta tranh cãi là mộ hình trâu nằm ngủ hay voi phục vì ở trên lưng, trên cổ có các vòng xoáy”.
“Tôi chắc rằng, mộ có hình trâu nằm ngủ chứ không phải voi phục. Vì đặc trưng của voi là đầu, ngà và vòi. Ngôi mộ không có những yếu tố đó. Nếu thờ voi hay mộ thường, người ta đặt nấm mộ ở gò đất cao nhất trong khuôn ngôi mộ. Đằng này, mộ của tiền nhân Tạ Dương Minh rất lạ. Xung quanh cao, từ tường bao quanh đi xuống 2 bậc tam cấp; ở giữa, nơi có nấm mộ trũng xuống, thấp nhất.
Bố trí kiểu này giống như một vũng nước và trâu nằm ngủ ở giữa tức là nấm mộ. Với các hoa văn trên lưng, cổ, rất đối xứng, theo tôi đó là một tấm vải hoa văn phủ lên nhằm tăng sức hoa mỹ, cao quý của con trâu, xứng với tầm vóc người tiền nhân mở cõi, lập ấp”, ông Cởi kể.
Mộ có tường bao quanh bằng đá ong cao chừng 1m, một cửa phía ngoài, một cửa phía trong. Trước và sau đều có bình phong cao 1m, rộng chừng 2m. Tiếp theo là một tường quanh thứ hai, bao bọc lấy ngôi mộ. Tường này cao chừng 1m, ở phía trước có hai cột đá cao khoảng 1,5m, bên trên có hình búp sen.
Ở giữa là phần nấm mộ, hình trâu đang nằm, rõ phần lưng, cổ, ở phần đầu là bia đá cao 42cm, rộng 32cm và dày 4cm. Bia khắc 37 chữ Hán, chia thành một hàng ngang và 3 hàng dọc. Nền mộ bằng đá ong. Mộ xây bằng vật liệu đá ong kết hợp với gạch.
Trải qua bao nắng mưa, sự tàn phá của thời gian, ngôi mộ vẫn giữ nguyên hình hài. Ông Cởi kể: “Tôi về đây sống từ năm 1980. Lúc đó xung quanh chỉ có vài căn nhà tranh. Ít ai biết lai lịch mộ cổ như thế nào. Mỗi ngày rằm, mồng một, có mấy người đến thắp hương. Họ bảo là tiểu thương chợ Thủ Đức.
Ngày Tết, có năm thấy người đến viếng nhưng không biết là người thân hay khách thập phương. Mình thấy không ai chăm lo thì mình dọn cỏ, quét rác, nhắc người dân không bỏ rác, không phơi quần áo trên mộ mà mang tội”.
Năm 2007, ngôi mộ đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. “Hồi chưa trùng tu, tường rào nhiều đoạn đổ sụp. Nấm mộ rêu phong từng lớp. Không cam lòng, thấy người ta quét vôi nhà còn dư, tôi xin về quét lên. Được một nửa, có người đi ngang qua nói “trâu ở đâu mà trắng như bạch tạng vậy bác”. Tôi bảo, “không trắng thì xám”, thế là mua thêm màu về trộn vào”.
Năm 2016, mộ được trùng tu kỳ công nhất với kinh phí 120 triệu đồng do mạnh thường quân quyên góp. Ban đầu người ta định dùng xi măng, gạch hiện đại trùng tu nhưng khi bàn bạc, thể nguyện giữ lại nét đặc trưng nên đã dùng đúng chất liệu là mật mía và vôi, theo mẫu vật đã được phân tích qua các cuộc khai quật lăng mộ ở Nam Bộ. Ngôi mộ khánh thành vào ngày 22/7.
Các chữ Hán trên bia đá ghi tóm tắt tiểu sử “ông Thủ Đức”. |
Tiền nhân mở đất, lập chợ
Mộ cổ nằm cách chợ Thủ Đức khoảng 500m. Trước đây, mộ không nằm ở đây, mà thất lạc ở đâu đó, đến năm 1890 mới được dời về đây như trên bia đá khắc ghi.
Ngoài ngày giỗ 19/6, mỗi năm hai lần, ông Cởi cùng Ban Quản lý khu mộ và người dân trong vùng đều chọn ngày rằm tháng bảy và rằm tháng giêng làm hai ngày tế lễ, tưởng nhớ bậc tiền hiền.
Tiểu sử tiền hiền Tạ Dương Minh được ghi rõ trong bia công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố năm 2007, ở mặt mộ: "Tiền hiền Tạ Dương Minh (tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức) là một trong những người thuộc nhóm "phản Thanh phục Minh" từ Trung Quốc sang nước ta, được Chúa Nguyễn cho phép định cư tại vùng Linh Chiểu Đông.
Trong những năm 1667-1725, tại vùng Linh Chiểu Đông, tiền hiền Tạ Dương Minh và nhóm người Hoa cùng cư dân Việt sống tập trung, hợp sức khẩn hoang, trồng trọt, chăn nuôi và chống chọi với bệnh tật, thú dữ, đồng thời lập chợ để điều tiết nhu cầu mua bán, giao thương của thị trường, phù hợp với vùng đất mới đang đà phát triển. Ngôi chợ được mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Tên hiệu của ông cũng được dùng chính thức để gọi tên vùng đất Thủ Đức qua các thời kỳ cho đến nay".
Chợ Thủ Đức cũng được tác giả Nguyễn Liên Phong ghi lại trong sách “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” do nhà in Phát Toán phát hành năm 1909: "Thuở xưa ông Tạ Dương Minh/Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu rày/Mả người cải táng mới đây/ Bởi làng xin bạc đổi thay mộ phần/ Quan trên niệm nghĩa thi ân/Cho ba trăm rưỡi trùng tâm giai thành/ Hương chức ở rất hậu tình/Mỗi năm ngày kỵ xanh quanh tới đều".
Đây là minh chứng cho thấy chợ Thủ Đức và tên gọi vùng đất Thủ Đức tồn tại đến ngày nay xuất phát từ tên hiệu của ông Tạ Dương Minh và cách nay chừng 300 năm.
Một dấu tích khác cho thấy tiền hiền Tạ Dương Minh là người lập chợ Thủ Đức – ngôi chợ sầm uất từ xưa đến nay. Trước đây, bên hông chợ Thủ Đức còn có ngôi nhà từ đường thờ ông Tạ Dương Minh. Sau năm 1975, từ đường được dời vào đình Linh Đông.
Vùng đất Thủ Đức 200 năm trước tương ứng với huyện Ngãi An của tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai nay). Sau đó, nơi đây bị cắt ra khỏi Biên Hòa, nhập vào tỉnh Gia Định.
Năm 1868, lần đầu tiên cái tên Thủ Đức xuất hiện khi huyện Ngãi An tách ra, lập khu thanh tra Thủ Đức. Đến năm 1911, tỉnh Gia Định được người Pháp chia thành 4 huyện là Hóc Môn, Thủ Đức (gồm cả quận 2 và quận 9 ngày nay), Gò Vấp và Nhà Bè. Như vậy tên gọi Thủ Đức đã xuất hiện cách nay ít nhất 150 năm.
Huyện Thủ Đức tồn tại đến năm 1997 được tách ra làm 3 quận là Thủ Đức, quận 9 và quận 2. Đến ngày 1/1/2021, ba quận được nhập lại thành thành phố Thủ Đức, một thành phố đặc biệt duy nhất ở Việt Nam, với khát vọng đô thị sáng tạo, thông minh, cư dân văn hóa cao, khoa học - kỹ thuật hiện đại…
Ông Cởi trầm ngâm: “Giá như, trước đây người ta quan tâm hơn, không cho dân ở quá sát khu mộ thì giờ có không gian rộng hơn, tạo nơi lui tới cho người dân. Bậc tiền hiền đi mở cõi, giữ đất, tạo tiền đề thì chúng ta phải “ăn quả nhớ người trồng cây”, thờ cúng cho đường hoàng mới hợp đạo lý, luân thường của người Việt”.
“Nhiều năm nay, các đoàn học sinh, sinh viên về tham quan, tìm hiểu ngôi mộ rất đông. Các cháu tò mò, thích thú. Tôi thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa, giúp các cháu nhớ ơn người xưa, ý thức hơn trong cuộc sống, bảo vệ vùng đất cha ông gầy dựng bằng bao nhiêu xương máu”.