Lý Tường Quan – từ bỏ quan trường, trở thành đệ tam phú hào Sài Gòn

(PLVN) - Giữ vị trí thứ ba trong “Tứ đại phú hào” vang danh một thời ở Sài Gòn xưa – Tam Xường từng được mệnh danh là “ông vua” nhu yếu phẩm thời đó. Tuy nhiên, kinh doanh bất động sản mới là nguồn chính giúp ông thu về những khoản tiền khổng lồ.
Một ngôi nhà của gia tộc Lý Tường Quan trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP HCM).
Một ngôi nhà của gia tộc Lý Tường Quan trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP HCM).

“Ông vua” nhu yếu phẩm bậc nhất Sài Gòn xưa

Tam Xường tên thật là Lý Tường Quan (1842 – 1896), tên tự là Phước Trai, Cha ông vốn là người Hoa sang Việt Nam sinh sống, lấy vợ người Việt và sinh được bốn người con. Ông là con thứ ba sinh ra tại đất Gia Định (Sài Gòn ngày nay). Được biết đến là một người giàu có, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Lý Tường Quan được sách vở ghi chép lại rất ít. 

Theo sử tích ghi lại,Lý Tường Quan là người Minh Hương (Hoa Kiều trung thành với nhà Minh) thuộc nhóm gốc Quảng Đông, nguyên quán Phiên Ngung Quảng Đông, chống lại triều đình phong kiến nhà Thanh nên đến lánh nạn ở miền Nam Việt Nam, vào học trường Tây, rồi làm thông ngôn cho chính quyền Pháp. Sở dĩ ông được đặt tên là Tường Quan vì khi sinh ra còn trong bọc điều. Trong gia đình gọi ông là Xường (phát âm Tường trong tiếng Hoa) nên mới có những biệt danh như bá hộ Xường, tam Xường…

Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Tường Quan đã bộc lộ năng khiếu thiên phú hơn người. Không chỉ thông minh, Tường Quan còn là một cậu bé hiếu học, thông thạo ba ngôn ngữ: tiếng Việt, Hoa (tiếng Quảng Đông), Pháp. Chưa hết, Tường Quan cũng là người có tài cầm kỳ thi họa và được tin tưởng, đề bạt giữ nhiều chức vụ lớn nhờ làm thông ngôn cho chính quyền Pháp thời bấy giờ. 

Ngôi mộ cổ của vợ chồng ông Lý Tường Quan.
Ngôi mộ cổ của vợ chồng ông Lý Tường Quan. 

Nghề thông ngôn thời ấy không đơn giản là chỉ phiên dịch. Người làm thông ngôn có điều kiện biết nhiều thông tin cơ mật và khả năng tiến thân vào bộ máy chính quyền Pháp là điều dễ dàng. Thực tế là Tường Quan liên tiếp được thăng chức và đề bạt từ Huyện, lên Phủ rồi Đốc phủ sứ… quyền cao chức trọng oai quyền lẫy lừng. 

Thế nhưng,trong lòng ông luôn muốn trở thành người có dấu ấn đậm nét hơn việc chỉ làm một viên thông ngôn. Vì vậy, đến năm 30 tuổi, Tường Quan từ chức quan lớn trong hàng phẩm triều đình thời bấy giờ trở về đời sống dân thường khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ông bỏ vị trí nhiều người mơ ước nhằm theo đuổi ước mơ buôn bán của mình. Để rồi sau đó, ra đời hàng loạt biệt danh gắn liền với tên tuổi của vị đại gia nức tiếng một thời.

Khi mới bước chân vào thương trường, Tường Quan chọn con đường kinh doanh thực phẩm làm phép thử. Ông chủ yếu nhắm vào hai nhu yếu phẩm chính là cá và thịt thu mua ở các tỉnh rồi đem lên bán ở Chợ Lớn. Người Hoa tại Chợ Lớn đã bầu ông là bang chủ Tiều Châu. Không chỉ mang các mặt hàng tươi sống, Tường Quan còn chế biến cá khô, mắm… để nhắm đến thị trường xa hơn là ngoài nước như Pháp, Mỹ… Chính khoảng thời gian làm thông dịch cho Pháp giúp Tường Quan rất nhiều trong các mối giao dịch ngoài nước.

Bằng sự khéo léo cùng với huyết quản vốn nhạy cảm với thương trường, chẳng mấy chốc ông phất lên trông thấy. Bên cạnh đó, ông còn biết cách đi cửa sau, lấy lòng quan Tây, quan ta nên việc làm ăn cứ xuôi chèo mát mái. Do Tường Quan còn có tên khác là Xường, lại rất giàu có nên người dân thường gọi ông là Bá hộ Xường hay Hộ Xường.

Đến khi đã vững thị trường, Tường Quan mở rộng thị phần khắp các tỉnh miền Tây và bán ngược lại cho người dân khu vực. Thời bấy giờ, thương hiệu của Tường Quan phổ biến đến mức người ta nói với nhau: “Một nửa dân miền Tây mua nhu yếu phẩm nguồn gốc từ Tường Quan”. Ở thời kỳ đầu Pháp đến chiếm đóng Việt Nam, trong dân gian có câu: nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định. Nếu căn cứ theo lời truyền này, thì ông được xếp ở vị trí thứ ba trong số bốn người giàu có nhất Nam Kỳ. Cũng từ đây, vị trí“tam Xường”xuất hiện.

Trở thành đại gia bất động sản

Tuy nhiên, khối tài sản của Tường Quan trở thành kếch xù khi ông lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Chính nhờ sự thông minh và khôn khéo, Bá hộ Xường đã tận dụng những mối quan hệ trước đây với chính quyền Pháp để dễ dàng mua được những miếng đất giá rẻ. Từ đây, hàng loạt biệt thự, nhà cửa dưới tên Tam Xường ra đời. Với phương thức “mua - xây - thuê” (mua đất giá rẻ, xây nhà/biệt thự rồi cho thuê hoặc bán), chẳng mấy chốc Bá hộ Xường càng ngày càng trở nên giàu có.

Có thể nói, nhà đất của ông chiếm hết phân nửa vùng Chợ Lớn và lan rộng ra trong phạm vi Gia Định. Tiếng tăm của ông vang dội. Nhiều người đánh giá, nếu chú Hỏa với 20.000 căn nhà nhưng chỉ được xếp vào hàng thư tư thì với bá hộ Xường đứng hàng thứ ba, số nhà phải hơn rất nhiều.

Trong khi nhất Sĩ (huyện Sĩ), nhì Phương (Tổng đốc Phương) làm giàu nhờ có các chức vụ trong chính quyền Pháp thì tam Xường (Lý Tường Quan) chỉ nhờ vào năng lực sẵn có của mình để tiến thân, khiến người đời cảm phục. Đang trong giai đoạn cực thịnh của sự nghiệp và gia sản thì Bá hộ Xường bất ngờ qua đời ở tuổi 54. 

Ngày nay, vẫn tồn tại hàng loạt kiến trúc đồ sộ khang trang với nhiều hoa văn tinh tế bắt nguồn từ tam Xường. Đặc biệt, riêng dinh thự rất bề thế của gia đình Bá hộ Xường (ngày nay là từ đường họ Lý, tọa lạc trên đường Hải Thượng Lãn Ông tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) hay khu nhà mồ cổ- một trong những khu mộ choáng ngợp nhất Sài thành đều được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. 

Sách “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển chép: “Hộ Xường, vốn là thông ngôn xuất thân. Sớm sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã. Nhờ khéo tay thêm phùng thời, cự phú không mấy hồi. Còn nhà thấp năm căn nửa xưa nửa nay tọa lạc đường Khổng Tử. Vòng rào sắt trước ngõ chứng rằng mặt tiền ngó ra kinh có lẽ trước kia cao ráo, nay kinh đã lấp, thế vào đây là một con đường cái, thềm lộ bồi đất cao hơn sân nhà, thành thử sân như sâu xuống và vuông nhà đã thấp nay lại càng lụp xụp. Chủ nhà mất đã lâu, gia tài kếch xù, con cái nhiều dòng, phần ăn chia chưa xong”.

Báo Tuổi Trẻ chủ nhật số 5-98 thì có bài “Mộ Bá hộ Xường” của Nguyễn Thế Kỷ, đã cung cấp thêm một số thông tin, tóm lược như sau:Rời bỏ vai công chức “quèn”, Bá hộ Xường dốc tâm sức vào việc kinh doanh thịt cá xuất khẩu, mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán. Ông giàu lên rất nhanh, nổi tiếng khắp vùng. Sau khi ông chết, số tài sản kếch sù đều bị con cháu nhanh chóng bán tiêu xài hết.

Cái mà nay còn lại là khu nhà mồ cổ khá kiên cố do “tôn tử tương tề đồng tâm” xây dựng vào tháng Chạp năm Bính Thân (1896), hiện ở gần di tích Địa đạo Phú Thọ Hòa, thuộc phường 18, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2009, di tích này đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Toàn bộ công trình không đồ sộ nhưng trang khang, khoáng đạt, có nhiều hoa văn, họa tiết tinh tế. Tuy theo lối kiến trúc gôtich nhưng vẫn giữ được dáng dấp Á Đông. Ở giữa nhà mồ, là một cái quách lớn đựng thi thể người chết, bằng đá xanh hình chữ nhật 3,4x2,2m, dày 0,3m, nhô cao 0,8m.Lễ giỗ Bá hộ Xường vào ngày 20 tháng 10 âm lịch.

Từ đường họ Lý tại số 292 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, theo Quyết định số 1769/QĐ-UBND ngày 27/4/2009.

Đọc thêm