Cao Chí Lũy là một quản lý cấp trung tại một công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bất ngờ nhận thông báo bị sa thải. Khi đó, giờ làm việc của anh là “996” (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, sáu ngày một tuần), môi trường làm việc bị thu hẹp do quá đông nhân sự, kỳ thị tuổi tác và tình trạng của các gia đình trước sự sụp đổ của các nền tảng cho vay trực tuyến.
Ban đầu, Cao Chí Lũy được hưởng mức lương cao, cho con theo học trường quốc tế, chăm sóc đầy đủ cho cha mẹ già. Suốt 11 năm, anh làm việc từ sáng đến đêm, bị tiểu đường, không có thời gian tập thể dục mà chỉ tiêm insulin. Anh đã làm việc chăm chỉ và đạt được những thành tựu đáng nể. Nhưng chỉ sau một đêm, Chí Lũy cảm thấy mất phương hướng, liên tục rải đơn xin việc song không được nhận. Các áp lực như khoản vay mua nhà, học phí cho con gái và chi phí điều trị cho cha đè lên vai anh. Bị sa thải ở tuổi trung niên, Chí Lũy không dám kể với gia đình, để khi người thân phát hiện, anh mới nhận ra những năm tháng hào nhoáng trước đây chỉ là phù du. Anh giấu vợ suốt 2 tháng chuyện mất việc. Và không thể tìm được việc làm mới. Khi sự thật phơi bày, anh thậm chí bật khóc trước mặt vợ...
Có thể nói, Cao Chí Lũy là hình ảnh của hàng ngàn người lao động đang chịu áp lực từ những biến động bất ngờ trong xã hội. Dù đã cống hiến hết mình cho công ty, anh vẫn không tránh khỏi làn sóng sa thải. Từ một nhân viên cổ cồn trắng, anh phải đối mặt với thực tại nghiệt ngã: làm shipper để kiếm sống, chăm sóc gia đình ba thế hệ và xoay xở giữa vô vàn khó khăn tài chính.
Dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn, Cao Chí Lũy không bao giờ bỏ cuộc, bởi động lực của anh chính là gia đình - những người mà anh yêu thương và phải bảo vệ. Cùng đó, “Ngược dòng cuộc đời” còn nhắc nhở chúng ta rằng: mỗi người đều có hoàn cảnh riêng và việc phán xét người khác qua vẻ bề ngoài. Bởi bất kỳ công việc nào, dù nhỏ bé hay khó khăn, đều mang giá trị và có thể là cơ hội để chúng ta học hỏi, trưởng thành. Công việc shipper không chỉ giúp Cao Chí Lũy có thu nhập mà còn cho anh sức mạnh thể chất và tinh thần - những điều mà công việc bàn giấy trước đây không mang lại. Từng khung hình trong phim đều chứa đựng sự tỉ mỉ, từ nhịp sống hối hả của thành phố cho đến những khoảnh khắc lặng thầm của nhân vật chính khi đối diện với khó khăn.
Ngoài ra, đó còn là một thông điệp nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: “Nếu đời cho bạn một quả chanh, hãy biến nó thành ly nước chanh thay vì chê nó chua chát quá”… Một lời nhắn nhủ mạnh mẽ rằng, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, chúng ta luôn có thể tìm ra cách để vượt qua và làm cho nó tốt đẹp hơn. Đây là một liều thuốc tinh thần cho bất kỳ ai đang gặp khó khăn, nhắc nhở chúng ta rằng: khi đứng trước nghịch cảnh, đừng buông xuôi mà hãy tìm ra động lực để bước tiếp.
Cuộc sống mỗi ngày, chúng ta đều gặp những người giao hàng trong sự vội vã. “Ngược dòng cuộc đời” đã lột tả phía sau những gương mặt ấy là những đắng cay, nhọc nhằn của nhân viên shipper trên khắp đường lớn, hẻm nhỏ trong thành phố. Đồng thời kể những mẩu chuyện về sự đùm bọc lẫn nhau giữa các nhân viên giao hàng. Trong nhịp sống quá nhanh với vô số gánh nặng, nhân vật chính chọn cách ngược dòng tìm lại niềm tin và dũng khí.
Để đạt mức thu nhập 10.000 nhân dân tệ (gần 35 triệu đồng), họ phải chạy 12 - 16 tiếng mỗi ngày. Ngành nghề này cũng gặp nhiều sức ép khi nhân viên cạnh tranh nhau, khách hàng yêu cầu rút ngắn thời gian giao, gửi hàng trễ sẽ bị trừ lương, không được tính lương chuyên cần.
Theo First Financial Daily, trong buổi quảng bá, đạo diễn Từ Tranh cho biết trong quá trình nghiên cứu, ông nhận ra nhiều người chỉ đơn giản nhận hàng mà không nhìn đến người giao. Do đó, bộ phim tập trung vào góc máy quay cận cảnh gương mặt nhân vật để kể câu chuyện riêng của họ. Ông không kỳ vọng “Upstream” thay đổi ngay lập tức vấn đề xã hội nhưng sẽ khiến nhiều khán giả nhận ra sự vất vả của người lao động. “Những thay đổi đó có thể bắt đầu từ việc để lại đánh giá tốt cho người giao hàng. Chúng ta hãy cư xử tốt với mọi người để truyền tải yêu thương và sự ấm áp”, Từ Tranh nói.
Khi bị sa thải, Cao Chí Lũy buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới - công việc giao hàng. Ban đầu, anh thất bại thảm hại, nhưng chính từ những thất bại đó, anh học được cách thích nghi và thay đổi bản thân. Thất bại, dù đau đớn, có thể là bước đệm quan trọng dẫn đến sự trưởng thành và thành công ở những góc độ khác.
Cao Chí Lũy chấp nhận làm shipper, làm thêm giờ để có đủ tiền trả nợ căn nhà. Nhưng khi không còn đủ khả năng, anh quyết định bán nhà và chuyển đến nơi nhỏ hơn. Dù vậy, anh và gia đình vẫn cảm thấy hạnh phúc hơn, bởi họ nhận ra rằng một căn nhà lớn không mang lại ý nghĩa nếu phải đánh đổi quá nhiều. Nhà, cuối cùng chỉ là nơi trú ngụ, chính những người sống trong đó mới tạo nên giá trị thực sự.
Khi còn là lập trình viên, Cao Chí Lũy có thu nhập cao nhưng luôn căng thẳng. Khi làm shipper, dù thu nhập thấp, anh lại tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ bé và sự đồng hành của gia đình. Điều này phản ánh một nghịch lý lớn: thành công có thể không mang lại hạnh phúc, nhưng việc buông bỏ áp lực và sống đơn giản lại giúp con người bình yên hơn.
Cuộc sống càng đủ dài, chúng ta rồi sẽ gặp những điều bất ngờ, thậm chí nghiệt ngã. Nhưng cùng đó, là những bản ngã, những điều chúng ta chỉ có thể nhận ra từ những người ở lại trong gian khó cùng bạn, hay những giá trị khuất lấp, những yêu thương trong cuộc đời…