Người bị nhét chất thải vào miệng 12 năm uất ức kiện đòi công lý

PLO- Bị hàng xóm tới nhà đánh đập, xé rách quần áo, nhét phân heo vào miệng, bà Nguyễn Thị Thơ (SN 1955, ngụ thôn 6, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, Đắk Lắk), đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng, nhưng chưa được xử lý.
Bà Thơ với bộ áo quần được cho là bị người hàng xóm xé rách.
Bà Thơ với bộ áo quần được cho là bị người hàng xóm xé rách.
Sau 4 năm khẩu chiến
Theo trình bày của bà Thơ, tháng 10/1999, gia đình bà tới làm rẫy, tạm trú ở khối 8, thị trấn Ea Kar. Mới đến được vài bữa, không biết ai “ác mồm độc miệng”, tung tin đồn vợ ông Nguyễn Đình Tuyên (SN 1970, hàng xóm của bà) thường xuyên ăn trộm bắp. 
Nghe tin, vợ ông Tuyên liền hỏi thăm người dân và cho rằng bà Thơ chính là “tác giả” của tin đồn đó.  Ngay lập tức, người hàng xóm liền chạy tới chửi bà một trận. Dù cố gắng giải thích không phải mình vu oan, tung tin đồn nhảm trên; nhưng người hàng xóm vẫn mang lòng thù hằn. Từ đó, dù thường xuyên đụng mặt nhau nhưng hai gia đình chẳng bao giờ mở miệng hỏi han nửa lời. 
Không lâu sau, vợ chồng ông Tuyên múc ao cá, đổ đất lên phần rẫy nhà bà Thơ. Thời điểm đó, bà không cắm cột mốc nên hai bên lại xảy ra tranh chấp, tình làng nghĩa xóm chấm dứt hẳn. 
Đến khi trong nhà mất chó, bà Thơ xót của nhưng không biết thủ phạm nên chửi bâng quơ cho bõ tức. Lúc đó, ông Tuyên sợ ảnh hưởng nên vùng vằng: “Ở đây chỉ có nhà tao, đừng chửi hoài mà tao mang tiếng”. Người mất chó tiếc của vẫn không dừng lại. 
Chập tối ngày 22/5/2003, bà vào chuồng kiểm tra thì phát hiện mất 3 con gà mái đẻ. Cũng như lần trước, bà chẳng biết tung tích kẻ gian nên tiếp tục chửi bới. Nghĩ bà chửi mình, người hàng xóm liền bịa ra một số chuyện để chửi lại. 
Sau vụ việc đó, không khí hai bên gia đình căng như dây đàn. Đến 12h55 ngày 23/5/2003, ông Tuyên cùng 7 người khác tới nhà bà để “giải quyết mâu thuẫn”. Lúc đó, cả nhà bà đang ăn cơm, thấy “khách” tới, vợ chồng bà liền dọn bàn, mời họ ngồi nói chuyện cho rõ đầu đuôi. 
Tuy nhiên, cả nhóm vẫn nói giọng hằn học, không chịu ngồi xuống bàn. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành sắp xảy ra, bà Thơ bảo hai con đi trình báo chính quyền can thiệp. Không hiểu sao, chờ mãi chính quyền địa phương vẫn không có ai xuất hiện. 
Trong khoảng thời gian đó, nhóm người kia liền xông vào, xé áo quần bà Thơ rách tả tơi và dùng vũ lực, nhét phân heo vào miệng bà.  “Họ quá đông, chồng tôi ra sức can ngăn nhưng không được. Sau khi xé rách áo quần, họ nhét phân heo vào miệng tôi. Xong chuyện họ bỏ về, tôi ức quá, xách nguyên bịch phân heo đến tận nhà trưởng thôn trình bày vụ việc. 
Suốt một thời gian dài, tôi làm đơn tố cáo gửi khắp nơi, mong mỏi cơ quan chức năng tham gia điều tra, đòi lại công bằng cho bản thân tôi và trừng phạt những người có tội. Thế nhưng hơn 10 năm rồi, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ”, bà Thơ nói. 
Cả nhà bị hà hiếp
Từ khi bị hành hung, làm nhục, bà Thơ đem vật chứng là bộ áo quần bị xé rách tơi tả, cất vào một góc bếp. Bà chia sẻ: “Tôi giữ lại vật chứng, hy vọng một ngày nào đó, được các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra và đưa những người làm nhục tôi ra trước ánh sáng pháp luật. Nếu không, khi nào tôi chết, sẽ nhờ con cái đốt để mang theo”. 
Ông Trần Văn Bào (SN 1954, chồng bà Thơ) cũng khẳng định chuyện vợ mình bị đánh đập, nhét phân heo vào miệng là có thật. Tuy nhiên, không có nhân chứng khác chứng kiến rõ đầu đuôi vụ việc. 
Trao đổi với XLPL, chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1963, ngụ khối 8, thị trấn Ea Kar) cho biết: “Khoảng 17h chiều 23/3/2003, tôi đi làm về thì thấy chị Thơ trong bộ dạng rách rưới, cầm bọc phân, miệng còn dính phân heo đi ngoài đường. Tôi gặng hỏi thì chị Thơ chỉ khóc chứ không nói gì”. 
Bà Thơ trình bày tiếp, sau vụ việc đó, người hàng xóm càng tỏ vẻ ngông cuồng. Những tai họa không biết từ đâu, liên tục đổ xuống gia đình bà Thơ khiến cả gia đình điêu đứng. Cụ thể, trưa ngày 23/4/2013, chồng  bà lại xảy ra xích mích với gia đình ông Vương Hồng Hiệp (cùng địa phương) về chuyện đất đai. Khi ông Hiệp tới nhà văng tục, chửi bới mình, ông Bào đã đuổi về. Tuy nhiên, được một lúc, ông Hiệp đã gọi con cháu tới, dùng gậy đánh chảy máu đầu, gây thương tích cho ông Bào. Phẫn uất, ông Bào đã làm đơn, tố cáo lên chính quyền địa phương. Ngày 26/3/2013, tổ dân phố 8, thị trấn Ea Kar đã tổ chức hòa giải, ông Hiệp đứng lên nhận lỗi và xin bồi thường thiệt hại cho ông Bào. Ông Bào không đồng ý, tiếp tục viết đơn tố cáo. 
Ngày 24/10/2013, công an huyện Ea Kar ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, vào cuộc điều tra vụ án cố ý gây thương tích. Tưởng rằng vụ việc sẽ được phanh phui rõ ràng, không ngờ, ngày 15/10/2014, công an huyện lại ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án vì đã hết thời hạn. 
Ông Bào phản ứng: “Hôm đó, ông Hiệp cùng con cháu dùng gậy đánh tôi bị thương ở đầu, phải nhập viện khâu 6 mũi. Trước kia, Hiệp cũng từng đánh tôi một lần và phải bồi thường tiền thuốc. Thế nhưng kết quả điều tra lại cho biết không có dấu hiệu của tội phạm. 
Thật sự quá vô lý, nếu không đánh tôi, tại sao người hàng xóm phải xin lỗi trong buổi hòa giải, còn đòi bồi thường? Hơn thế, người đánh tôi là con trai ông Hiệp, vậy mà trong suốt quá trình điều tra, chỉ có ông ấy đứng ra xin lỗi. Mấy năm qua, gia đình tôi phải chịu rất nhiều thiệt thòi, không hiểu sao, những kẻ ngông cuồng trên vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”. 
Đơn tố cáo của bà Thơ.
  Đơn tố cáo của bà Thơ.
Đến khoảng 10h ngày 4/7/2014, anh Trần Văn Tuấn (SN 1987, con trai bà Thơ) đi sang nhà người quen chơi. Một lát sau, anh quay về nhà thì phát hiện mất hai con bò. Sau khi đi tìm, anh nghe tiếng bò rống lên từ phía rẫy mình nên vội chạy xe tới. 
Đến nơi, anh phát hiện cả hai con bò đều bị ai đó chém, một con bị thương ở đầu, một con bị thương ở đuôi. Sau đó, anh Tuấn cũng làm đơn, trình báo cơ quan chức năng, yêu cầu xác minh vụ việc, thu thập chứng cứ để truy tìm thủ phạm nhưng cũng không có kết quả. 
Giọng bà Thơ nghẹn đắng: “Vợ chồng tôi bị đánh, bị làm nhục, có người, có vật chứng đàng hoàng mà công an không làm rõ; thì vụ việc hai con bò bị chém chắc chắn không tìm được thủ phạm. Nhà tôi nghèo, vợ chồng con cái đều ít học, thấp cổ bé họng nên không ai giúp đỡ, kẻ gian mới lộng hành, hà hiếp đủ điều như bây giờ. Chỉ mong các cơ quan chức năng làm việc minh bạch, đòi lại công bằng cho gia đình tôi”./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm