Cầm hồ sơ đến phóng viên, anh P.A (Hà Nội) khá bức xúc. Anh P.A cho rằng xe ô tô anh di chuyển về Hà Tĩnh nhiều lần do có dự án ở đây. Mới đây, khi tiến hành đăng kiểm cho xe ô tô, cơ quan đăng kiểm ở Hà Nội từ chối đăng kiểm xe, yêu cầu phải nộp phạt trước vì Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh gửi ra bốn lần được cho rằng anh vi phạm luật giao thông đường bộ.
Tương tự anh P.A, anh T.V.D cũng có nỗi bức xúc không kém. Anh D cho biết, trên website của Cục CSGT tra cứu, anh phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 30F.083xx của anh bị ghi nhận lỗi vi phạm tốc độ, do Phòng CSGT Hà Tĩnh lập hồ sơ nhưng chưa xử lý.
Điều khiến anh D quan tâm là ngày giờ vi phạm mà Cục CSGT công bố trên website, anh D không lái xe đó mà anh cho một người khác mượn.
Anh D cho biết, bản thân anh đã liên hệ qua điện thoại với CSGT Hà Tĩnh và một cán bộ Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh cho biết CSGT Hà Tĩnh đã ghi nhận lỗi của xe 30F.083xx qua camera, lập hồ sơ để phạt nguội. Theo đó, Phòng đã kiểm tra trường hợp của anh D và thấy rằng xe của anh D vi phạm 4 lần, trong đó có 1 lần năm 2017. Ngoài ra, đại diện của Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh cũng cho biết, hiện không có quy định của pháp luật nào quy định việc phạt nguội.
Tình trạng hồ sơ phạt nguội phương tiện vi phạm của CSGT Hà Tĩnh |
Cũng theo anh D, cán bộ Phòng CSGT Hà Tĩnh cũng biết sẽ tìm hiểu và trả lời khiếu nại của anh D, tuy nhiên, cho đến hiện nay, nhiều lần liên lạc với vị CSGT này đều không có hồi âm.
Theo một số chuyên gia pháp lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của cơ quan có thẩm quyền được quy định trong Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ. Theo nghị định này không trao quyền cho CSGT xử phạt đối với chủ phương tiện nếu hành vi vi phạm luật GTĐB do người điều khiển phương tiện khác chủ phương tiện thực hiện.
Theo anh D, người trong bài viết này không nhận được bất kỳ văn bản nào cũng như điện thoại từ Phòng CSGT Hà Tĩnh về vi phạm giao thông đường bộ. “Tôi cam kết là Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh không hề thông báo cho chủ xe là tôi lỗi vi phạm gì, ở đâu, thời điểm nào”, anh D xác nhận với Báo Pháp luật Việt Nam.
Theo thông tin qua báo chí thì sau gần 2 năm thực hiện, phòng CSGT công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện trên 60 ngàn trường hợp vi phạm qua giám sát của hệ thống camera và đã gửi thông báo đến tận các chủ sở hữu phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, có vẻ như trường hợp của anh T.V.D là một ngoại lệ khiến cho người “vi phạm” hoàn toàn bất ngờ khi bị phạt nguội và có ý định lập hồ sơ khởi kiện hành chính đối với CSGT Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, vụ việc trở nên phức tạp nếu người bị phạt chứng minh được họ không điều khiển phương tiện vào thời điểm ghi nhận vi phạm qua camera, bởi lẽ pháp luật quy định xử phạt người điều khiển phương tiện chứ không quy định xử phạt người đứng tên đăng ký phương tiện. Để sự việc quá lâu không xử phạt thì thời hiệu xử phạt cũng hết, có thể khiến cho lực lượng chức năng thua kiện người dân nếu xử phạt tùy tiện.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.