Người biểu tình bao vây nhiều cơ quan Chính phủ Thái Lan

(PLO) - Những người biểu tình ở Thái Lan ngày 26/11 đã buộc một số Bộ, ngành phải đóng cửa và tuyên bố sẽ giành quyền kiểm soát các văn phòng thuộc bộ máy nhà nước trên khắp cả nước trong một nỗ lực nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Người biểu tình bao vây nhiều cơ quan Chính phủ Thái Lan
Một ngày sau khi chiếm đóng trụ sở Bộ Tài chính, hàng ngàn người biểu tình đã đổ đến những mục tiêu mới ở Bangkok, buộc các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Du lịch phải đóng cửa. Bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ, hàng ngàn người biểu tình đã bao vây tòa nhà và tuyên bố sẽ qua đêm tại đây. Các nhân viên an ninh đã bị kẹt phía sau các cánh cửa của Bộ, trong khi các nhân viên vẫn ở bên trong tòa nhà. 
Những người biểu tình nói rằng họ muốn bà Yingluck phải từ chức trong bối cảnh có những luồng thông tin cho rằng Chính phủ của bà thực chất nằm dưới tầm kiểm soát của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ngày 24/11, hơn 100.000 người biểu tình đã đổ xô xuống các đường phố ở Bangkok để chống lại cái mà họ gọi là “chế độ Thaksin”. Tuy nhiên, phong trào biểu tình do phe đối lập thực hiện đang ngày càng mơ hồ về mục tiêu và những đòi hỏi của họ. 
Việc những người biểu tình chiếm đóng trụ sở các Bộ đã dấy lên những lo ngại về tình trạng bạo lực và nỗi lo sợ rằng Thái Lan đang tới gần một chương mới trong sự bất ổn chính trị. Các cuộc biểu tình này cũng gợi nhớ lại các cuộc biểu tình chống lại ông Thaksin và các đồng minh hồi năm 2008, khi những người biểu tình chiếm đóng và đóng cửa Văn phòng Thủ tướng trong suốt 3 tháng. 
Trong ngày 26/11, nhóm biểu tình chính tuyên bố một “ngày nghỉ” khi những người biểu tình dựng lều ở bãi đỗ xe. “Ngày mai sẽ có một phong trào trên toàn quốc” - Akanat Promphan, một người phát ngôn của nhóm biểu tình cho hay. Ông này cho biết, mục đích của các cuộc biểu tình là làm tê liệt các hoạt động của Chính phủ bằng cách chiếm đóng trụ sở và các cơ quan nhà nước. Đến chiều 26/11, Đại tá Sunthorn Kongklam – thuộc đồn cảnh sát Bang Sue ở Bangkok - cho biết, Tòa án Hình sự đã phê chuẩn lệnh bắt thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban vì tội kích động biểu tình.
Cũng trong ngày 26/11, đảng Dân chủ đối lập, vốn đang lãnh đạo các cuộc biểu tình, đã phát động một cuộc tranh luận bất tín nhiệm chống lại bà Yingluck. Bà Yingluck trong khi đó đã kêu gọi bình tĩnh và đề nghị đàm phán với lãnh đạo cuộc biểu tình. “Nếu chúng ta có thể thảo luận, tôi tin rằng đất nước sẽ trở lại bình thường” – bà nói. 

Đọc thêm