Án mạng vì mâu thuẫn cũ
Khoảng 18h45 ngày 30/5, sau khi tan cuộc nhậu ở Uất Lâm (phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), anh Lê Văn Nhân (SN 1988) rủ anh Đinh Văn Tí (cùng phường Phú Thạnh) về nhà mình tiếp tục nhậu. Tại đây, anh Nhân nói với anh Tí rằng Phong nói xấu mình.
Nghe anh Nhân nói vậy nên khoảng 20h30 cùng ngày, anh Tí gọi điện thoại, rồi đi chở Phong đến nhà Nhân để nói chuyện hòa giải. Đến nơi, cả 3 cùng ngồi nhậu. Khi uống hết nửa ly bi, anh Tí nói với anh Nhân: “Nó đó, có nói gì nói đi”. Sau đó, anh Nhân nói với Phong: “Tao với mày hồi làm ở TP HCM có xô xát nhau mà mày đi nói với người khác, mày đánh tao lên bờ xuống ruộng”.
Lúc này, Phong nói rằng mình không nói chuyện này với người khác. Dù vậy, anh Tí vẫn bảo Phong xin lỗi Nhân. Phong gằn lại rằng mình không làm gì nên không xin lỗi. Sau đó, giữa Nhân và Phong lời qua tiếng lại. Trong cơn cãi vã, Nhân cúi người xuống gầm bàn nhậu lấy một con dao dài 50cm đưa lên. Thấy vậy, Phong liền đứng dậy, sau đó Nhân cũng đứng dậy cầm dao chém một nhát từ trên xuống vào người Phong.
Theo phản xạ, Phong liền né, sau đó tước con dao trên tay của Nhân. Bực tức trước sự việc, Phong cầm con dao vừa tước được đâm liên tiếp 3 nhát vào người anh Nhân, rồi rời khỏi hiện trường. Nạn nhân sau đó tử vong trên đường đi cấp cứu.
Sau khi gây án, Phong chạy về nhà tắm rửa thay đồ và nói với người thân chở đến cơ quan công an đầu thú.
Tại phiên tòa xét xử ngày 3/9, bị cáo Phong cho rằng: “Bị cáo đâm người chết là lỗi của mình nhưng vì Nhân cầm dao đâm bị cáo trước và tinh thần bị cáo lúc đó bị kích động”.
Tuy nhiên, một vị thẩm phán cho rằng, hành vi của bị cáo quá côn đồ và nuôi ý định giết chết bị hại nên mới đâm liên tiếp 3 nhát. “Sau khi gây án, bị cáo bình tĩnh về nhà tắm rửa thay đồ, chứ tinh thần bị cáo không hoảng loạn như bị cáo nói”, vị thẩm phán này nhấn mạnh.
Nỗi đau người ở lại
Nghe bị cáo Phong khai tại phiên tòa, ông T. và bà R. (cha mẹ bị hại) đã không cầm được nước mắt trước cái chết quá đột ngột của con trai. Đôi mắt đỏ hoe, bà R. kể, từ ngày anh Nhân chết, căn bệnh tim của bà lại tái phát nặng hơn. Dù vậy, hàng đêm bà vẫn mưu sinh với gánh hàng rong để lo miếng ăn cho cả nhà. Trong chiếc áo màu đất đã cũ, khuôn mặt người mẹ ấy lộ vẻ mệt mỏi và đau khổ. Chốc chốc ông T. phải nắm lấy đôi tay vợ để trấn an bà bớt thương đau.
Trong khi đó, cha mẹ bị cáo Phong ngồi khép một góc khán phòng, họ biết tội lỗi con trai mình quá lớn nên không dám nhìn ai. Từ ngày con trai gây án, ông bà phải vay mượn 60 triệu đồng để bồi thường cho gia đình bị hại.
Phong là anh cả trong gia đình, sau Phong còn 2 em gái nhỏ. Công việc chính của Phong là nghề thợ sơn nhưng bị cáo không tu chí làm ăn mà suốt ngày ăn chơi lêu lỏng. Trong suốt phiên tòa, bị cáo không dám ngẩng đầu lại nhìn người thân của mình, chỉ đến lúc bị tuyên 7 năm tù giam về tội “Giết người”, bị cáo mới đưa đôi tay gạt nước mắt.
Trước đó, bị cáo Phong từng bị xử phạt cải tạo không giam giữ 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Tuy nhiên, bị cáo không lấy đó làm bài học đắt giá mà vẫn vi phạm pháp luật.
Đến giải quyết mâu thuẫn, nhưng rồi người chết, kẻ vào tù, để lại bi kịch cho 2 gia đình. Nhìn cha mẹ của bị hại tóc điểm bạc dắt nhau rời sân tòa trông họ cô đơn đến lạ…