Từ cái chết ám ảnh của nữ công nhân
Mồng 8 tết năm 2005, vợ chồng ông Bùi Tiến Đông đang ở trong nhà cùng con cháu thì nghe tiếng tàu sắt phanh gấp. Sau đó là tiếng bước chân dồn dập của đoàn người, xen lẫn trong tiếng khóc ai oán. Tò mò, ông đi ra đoạn gác chắn đường tàu phía sau nhà mình thì chứng kiến cảnh tượng đau lòng. Một cô gái trẻ đã tử vong dưới gầm tàu sắt với thi thể không còn nguyên vẹn. Cảnh tượng các đồng nghiệp, người thân của nạn nhân vật vã bên thi thể cô gái xấu số đã ám ảnh tâm trí ông.
Qua câu chuyện của mọi người, ông biết được nạn nhân là cô gái trẻ người huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Cô mới vào làm công ty được một thời gian ngắn. Sáng sớm hôm đó, cô chào bố mẹ xuống công ty làm việc. Nào ngờ, do một chút bất cẩn khi qua đoạn đường dân sinh không có rào chắn cô gái trẻ đã mãi mãi ra đi.
|
Hình ảnh ông Bùi Tiến Đông cần mẫn đội mưa đội nắng gác tàu đã trở nên quen thuộc suốt 13 năm qua... |
Cái chết của cô gái trẻ xa lạ trở thành nỗi ám ảnh khiến ông Đông luôn trăn trở. “Nhà tôi ở ngay sát đường tàu nên ngày, đêm đều xe tiếng tàu xình xịch chạy qua, tiếng kêu rú. Đã mấy lần chúng tôi thấy tai nạn đường sắt, nhưng cái chết của cô gái trẻ ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Do vậy, sau mấy đêm mất ngủ, tôi quyết định sẽ ra đứng gác tàu tại đoạn đường đó”, ông chia sẻ.
Sáng sớm hôm sau, ông mang theo chiếc còi nhựa và cây cờ nhỏ ra đứng ở đoạn đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt Thống Nhất Bắc - Nam tại km 314 + 550. Hễ thấy đoàn tàu chuẩn bị chạy qua là ông lại ra hiệu cho người đi đường dừng lại. Mới đầu, sự xuất hiện bất ngờ của ông Đông khiến nhiều người ngỡ ngàng, tò mò. Nhưng sau đó một thời gian, họ dần quen với hình ảnh “ông Đông gác tàu”.
Hàng ngày, cứ sáng sớm ông lại mang “đồ nghề” ra làm việc. Với 14 chuyến tàu khách và 21 chuyến tàu hàng chạy qua đoạn đường sắt này mỗi ngày, khiến tần suất làm việc của ông khá căng. Nhưng, hàng ngày ông chỉ về nhà khi đoàn tàu cuối cùng của buổi chiều tối đi qua.
Hạnh phúc khi thấy mọi người được an toàn
Ông Bùi Tiến Đông lặng lẽ làm công việc này một thời gian ngắn thì một công ty trong khu vực sau khi biết được việc làm của ông đã hỗ trợ một phần chi phí. Món quà tuy nhỏ, nhưng đã tiếp thêm động lực để ông thực hiện công việc "bao đồng" này.
Điều đáng khâm phục là dù đây chỉ là công việc tình nguyện, nhưng ông Đông luôn làm với tinh thần đầy trách nhiệm. Hôm nào đau ốm, hay bận công việc giỗ chạp, ông lại bảo vợ là bà Tăng Thị Liễu (69 tuổi) ra trông gác tàu thay mình. Cứ như thế, đôi vợ chồng cựu binh ấy luôn thay phiên nhau làm người gác tàu cho bà con đi lại từ năm này qua năm khác.
Ông Đông tâm sự, quá trình làm việc, nhiều người thắc mắc vì sao lại “ôm rơm rặm bụng” suốt hơn chục năm qua. Nhưng, ông chỉ nghĩ đơn giản rằng còn sức - còn giúp ích cho đời được, thì ông còn làm. “Có lẽ bản tính người bộ đội Cụ Hồ là thế”, ông nói giản dị.
|
Từ đầu năm 2019, lối đường dân sinh này đã có trạm barie điện tử nhưng nhiều người vẫn luôn nhớ và nhắc tới trạm gác của ông Bùi Tiến Đông |
Ông Đông sinh ra ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa). Năm 1970, ông tham gia bộ đội tại chiến trường B5, bị mảnh đạn cắm vào đầu. 5 năm sau, ông được chuyển về công tác tại Trung đoàn 105, Quân khu 4 đóng tại Nghệ An.
Những năm tháng ở đây, ông quen bà Liễu cũng là một cựu lính công binh tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào về. Từ tình đồng chí, họ đem lòng yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng vào năm 1976. Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông chọn Nghệ An làm nơi lập nghiệp, sinh sống.
Năm 1981, sau 9 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ông phục viên trở về sinh sống với gia đình ở xã Nghi Kim. Hàng ngày ông đi làm thợ xây, bà buôn bán vặt ở chợ. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng vợ chồng cựu binh ấy luôn lạc quan. Điều đó thể hiện việc ông Đông sẵn sàng sắp xếp việc gia đình để ra gác chắn đường tàu và nhận được sự đồng ý, ủng hộ từ người vợ.
13 năm đội mưa gió, nắng cháy ngoài đường sắt khiến ông bà chứng kiến nhiều câu chuyện vui buồn. Bà Liễu vẫn nhớ như in câu chuyện về nam thanh niên lái xe tải đã thoát chết trong gang tấc. Lần đó, dù tàu đã gần đến nhưng do không quan sát nên lái xe này vẫn lái vô lăng cho xe chạy qua đường tàu.
“Thấy thế, tôi đứng phía bên này liên tục ra hiệu cho tài xế dừng xe lại. La hét không hiệu quả, tôi cầm cờ phất phất và giơ hai tay lên cao ra dấu hình chéo. Chỉ đến lúc này tài xế mới nhận ra sự việc, cho xe dừng lại. Trong tích tắc, đoàn tàu chạy vụt qua trước mặt. Thoát chết trước lưỡi hái tử thần nên anh này ríu rít cảm ơn tôi, mua mấy hộp sữa hậu tạ. Tôi mừng vì mình đã kịp thời cứu được mạng người và đảm bảo an toàn cho chuyến tàu sắt đó”, bà kể.
Nhưng cũng có trường hợp người đi đường dù thấy ông bà ra hiệu dừng lại, nhưng vẫn cố tình băng qua đường ray. Những lúc như vậy, ông bà chỉ biết lấy sức của mình, kéo chiếc xe máy lùi lại phía sau. “Có người vừa ngã xuống đường thì đoàn tàu lao vụt đến. Chỉ đến lúc đó, họ mới nhận ra việc làm sai trái của mình và ríu rít xin lỗi”, ông Đông hồi nhớ.
Đầu năm 2019 đoạn đường ngang dân sinh qua đường sắt tại đây đã có trạm barie điện tử. Dù vậy, ông Đông cùng vợ của mình vẫn thỉnh thoảng ra để nhắc nhở người qua đường không liều lĩnh vượt khi barie điện tử đã đóng. Ông nói: “Cột gác điện tử, tiện nhưng không “nhạy” bằng người gác. Do vậy, tôi vẫn cứ phải ra hỗ trợ thêm để nhắc nhở những người đi vội bất cần vượt qua cả trạm gác”.
Tấm lòng của ông, bà được nhân dân quanh vùng cảm phục. Nhiều công nhân đi làm mang theo biếu ông, khi thì ấm trà ngon, khi thì tấm bánh, gói xôi. Những ngày lễ, Tết lại có người tặng ông bà cân đường, hộp sữa. Tình cảm quý mến của mọi người giúp ông thêm ấm lòng, nhưng niềm vui lớn nhất mà ông bà có được là góp phần đảo bảo an toàn cho người đi đường và những chuyến tàu Bắc - Nam.