Người dân bức xúc đòi "tẩy chay" cơ sở gây ô nhiễm

Nhiều ngày nay, người dân thôn Câu Đông, xã Quang Trung, huyện An Lão liên tiếp “bao vây” hai cơ sở tái chế phế thải trên địa bàn. Nhiều người dân quá khích còn định "san phẳng" hai cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều ngày nay, người dân thôn Câu Đông, xã Quang Trung, huyện An Lão liên tiếp “bao vây” hai cơ sở tái chế phế thải trên địa bàn. Nhiều người dân quá khích còn định san phẳng hai cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường.

“Núi” phế thải được tập kết tại cơ sở của ông Trần Văn Tuấn

Cơ sở tái chế phế thải chui

Theo lãnh đạo xã Quang Trung, hai cơ sở tái chế phế thải trên địa bàn thôn Câu Đông do ông Trần Văn Hưng và Nguyễn Văn Tuấn, đều là những người dân thôn Tân Trung làm chủ. Cơ sở tái chế nhựa của ông Hưng được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp thôn Câu Đông, chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cơ sở tái chế phế thải của ông Tuấn được xây dựng trên diện tích đất của Cty đóng tàu Hiền Hào, ngay sát thôn Câu Đông.

Theo lãnh đạo xã Quang Trung, cả hai cơ sở tái chế phế thải này khi xây dựng đều không xin phép xây dựng. Mặc dù là cơ sở tái chế phế thải từ bì ni lon thành hạt nhựa, sản xuất các đồ nhựa gia dụng nhưng chủ cơ sở vẫn không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đánh giá tác động môi trường; chủ cơ sở cũng không xây dựng cam kết bảo vệ môi trường, không có hệ thống xử lý chất thải môi trường… . Do cơ sở tái chế được xây dựng ngay tại hướng gió Đông Nam, mỗi khi có gió nổi lên, cả thôn Câu Đông lại “lãnh đủ” mùi khí thải từ hai cơ sở tái chế phế thải này.  

Liên tiếp trong các ngày đầu tháng 9, búc xúc vì hàng ngày phải hít khí độc từ hai cơ sở tái chế phế thải này, hàng trăm người dân thôn Câu Đông, xã Quang Trung đã kéo đến các cơ sở tái chế hạt nhựa này để yêu cầu chủ cơ sở dừng hoạt động

Ông Nguyễn Tiến Phức - Bí thư chi bộ thôn Câu Đông búc xúc, kể từ khi hai cơ sở này đi vào hoạt động (từ đầu năm 2012), các hộ dân trong thôn đã phải chịu cảnh ngày ngày sống chung với khí độc từ cơ sở sản xuất hạt nhựa được tái chế từ bao tải dứa, túi ny long, nhựa phế thải. Dù cách cơ sở sản xuất gần 1km, tuy nhiên loại khí độc (có mùi khét, hắc) lan tới đã khiến hàng loạt người già, trẻ em trong thôn Câu Đông khó chịu, buồn nôn và mắc chứng bệnh ho kéo dài, thậm chí là đau mắt. Ngay cả vào ban đêm, dù các gia đình đóng chặt cửa nhưng vẫn không sao ngủ được vì hít phải loại khí độc. Ông Phức cũng cho biết thêm, vì lo sợ đến sức khỏe, không ít gia đình phải tạm thời sơ tán đi nơi khác lánh nạn.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Thạch - Phó hiệu trưởng trường THCS Quang Trung cho biết, trong những giờ học gần đây một số học sinh có hiện tượng khó thở, tức ngực và sốt. Trong giờ học, có cháu bị buồn nôn, tức ngực, gia đình đã phải đến trường đón con em học sinh về để đưa đến cơ sở y tế thăm khám.

Chính quyền có buông lỏng quản lý

Trao đổi với PLVN, ông Đỗ Quang Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung xác nhận, do búc xúc người dân thôn Câu Đông đã có đơn gửi tới các cơ quan ban ngành đề nghị xem xét đình chỉ hoạt động cửa cơ sở sản xuất hạt nhựa do vợ chồng ông Trần Văn Hưng làm chủ.

Theo ông Trọng, phát hiện chủ cơ sở tái chế phế thải chưa có giấy cam kết bảo vệ môi trường, chính quyền xã đã lập biên bản, tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở này để chờ cơ quan chức năng huyện An Lão vào cuộc. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thôn Câu Đông, khi chính quyền xã vừa về, cơ sở này lại ngang nhiên hoạt động.

Đỉnh điểm của sự việc, những ngày cuối tháng 9, do phải thường xuyên hứng khói bụi từ cơ sở tái chế phế thải của ông Trần Văn Hưng, hàng trăm người dân thôn Câu Đông đã kéo đến cơ sở tái chế phế thải của ông Hưng đòi “san phẳng” xưởng sản xuất này. Trước sự búc xúc của người dân, mới đây (trung tuần tháng 10), UBND huyện An Lão mới lập đoàn kiểm tra, đánh giá tác động môi trường do hai cơ sở tái chế phế thải này gây ra.

Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra huyện An Lão, các cơ sở tái chế phế thải đều sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu có xuất xứ từ Trung Quốc. Các lao động trong cơ sở tái chế này cũng không được trang bị bảo hộ. Tuy nhiên, hướng xử lý dứt điểm các cơ sở tái chế phế thải gây ô nhiễm môi trường giữa khu dân cư vẫn chưa được UBND huyện An Lão đưa ra kết luận chính thức.

Cả hai cơ sở tái chế phế thải tồn tại hàng năm trời giữa khu dân cư, cấp có thẩm quyền chỉ thực sự vào cuộc khi người dân liên tục khiếu nại đã khiến cho người dân nghi ngại vào việc quản lý, cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn trong thời gian qua.

Linh Nhâm

Đọc thêm