Người dân có được thỏa thuận về giá bồi thường đất?

(PLVN) - Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, theo quy định, trong một số trường hợp cụ thể thì người dân có đất thuộc dự án bị thu hồi có thể được thỏa thuận với chủ đầu tư để thống nhất về giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), cho thuê QSDĐ hoặc góp vốn bằng QSDĐ. 
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn.

Phản ánh đến Báo PLVN, anh Nguyễn Văn Mạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết, gia đình anh có một thửa đất diện tích 300m2 ở Hiệp Hòa đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và gia đình anh hiện tại đang sinh sống ổn định trên thửa đất đó. 

Mới đây, có một công ty muốn về tại địa phương này xây dựng nhà máy sản xuất bánh kẹo và thửa đất của gia đình anh Mạnh nằm trong khu vực dự kiến xây dựng nhà máy nêu trên. Khu đất thực hiện dự án cũng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo anh Mạnh, đây không phải là trường hợp Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh hay vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Do đó, gia đình anh Mạnh thắc mắc: “Trong trường hợp này, tôi có được thỏa thuận về giá bồi thường và giá đất với chủ đầu tư hay không? Trong trường hợp gia đình tôi không đồng ý với thỏa thuận bồi thường thì gia đình tôi có bị cưỡng chế để thu hồi thửa đất hay không?”.

Giải đáp về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Cty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho biết: Việc thu hồi đất, bồi thường thiệt hại cho người dân luôn là vấn đề dễ dàng xảy ra tranh chấp hiện nay. Ngoài việc thu hồi đất theo văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 thì tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước tạo điều kiện cho chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê QSDĐ, nhận góp vốn bằng QSDĐ theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho những dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Theo thông tin anh Mạnh cung cấp, gia đình anh có đất nằm trong khu vực mà phía công ty dự kiến xây dựng nhà máy và không thuộc trường hợp thu hồi theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Trong trường hợp này khi phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê QSDĐ, nhận góp vốn bằng QSDĐ theo quy định của pháp luật. Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả khoản bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo thỏa thuận với người sử dụng đất.

Điều 73 Luật Đất đai quy định: “Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng QSDĐ theo quy định của pháp luật.

Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê QSDĐ, nhận góp vốn bằng QSDĐ của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh.

“Như vậy, gia đình anh Mạnh có thể thỏa thuận với phía chủ đầu tư để thống nhất về giá trị chuyển nhượng, cho thuê QSDĐ hoặc góp vốn bằng QSDĐ” – Luật sư Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định trên, gia đình anh Mạnh sẽ thực hiện với chủ đầu tư những thủ tục chuyển nhượng QSDĐ, cho thuê QSDĐ hoặc góp vốn bằng QSDĐ và bản chất của những thủ tục này trước hết các bên phải đạt được thỏa thuận với nhau, phải diễn ra một cách tự nguyện và không bị ép buộc. 

Luật sư Tuấn khẳng định: “Quyền chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, góp vốn bằng QSDĐ là quyền của người sử dụng đất được quy định Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 và trong trường hợp người sử dụng đất không đồng ý chuyển nhượng thì sẽ không thể cưỡng chế thu hồi thửa đất trên của gia đình anh Mạnh”.

Đọc thêm