Người dân 'kêu trời' khi lấy dịch mũi xét nghiệm, chuyên gia y tế nói gì?

(PLVN) - So với việc lấy dịch mũi thì lấy dịch họng nhẹ nhàng và dễ chịu hơn rất nhiều. Thế nhưng, nhân viên y tế lại luôn lấy dịch mũi để xét nghiệm COVID-19. 
Ảnh minh họa

Lấy dịch mũi là một trong các bước lấy mẫu để đưa ra kết luận người được xét nghiệm có nhiễm COVID-19 hay không. Tuy nhiên, nhiều người chia sẻ rất sợ hãi mỗi lần bị "chọc mũi", thậm chí là ám ảnh.

Thời điểm dịch bệnh "nóng" tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng như những người trong khu phố, chị P.L.D.Q (21 tuổi) cho biết: "Khi được gọi đi xét nghiệm, tôi cũng chia sẻ với các bạn của mình và đọc các bài viết trên mạng xã hội. Mọi người đều nói rằng lấy dịch mũi rất đau, vậy nên tôi cảm thấy sợ. Lúc đầu nhân viên y tế chọc bông ngoáy vào, tôi đã chảy nước mắt giàn dụa. Có lẽ một phần do tâm lý sợ hãi nữa, về nhà khoảng 3 sau tiếng tôi mới đỡ đau một chút. Lần thứ 5 đi xét nghiệm, tôi vẫn "ám ảnh" với bông ngoáy".

Chị H chia sẻ trên trang cá nhân sau lần thứ 5 đi xét nghiệm. Ảnh chụp màn hình

Đồng quan điểm, bạn bè của chị H bày tỏ cảm giác đau đớn mỗi lần bị "chọc mũi".

"Em còn được ngoáy nhiều đến nỗi 10 đầu ngón tay đếm vẫn thiếu phải dùng đến đốt tay đây này"; "Trời ơi. Hôm qua em cũng đi test. Sợ phát khiếp lên. Đau lắm, bây giờ vẫn đau"; "Mai em cũng đi xét nghiệm, phải chuẩn bị một tâm hồn đẹp trước đây"...

Trải qua nhiều đau đớn sau mỗi lần chọc mũi, anh Đ.D.T đã "đút túi" kinh nghiệm cho mình và chia sẻ trên trang cá nhân:" Mọi người chỉ nên hơi ngửa cổ về phía sau. Nếu ngửa quá nhiều thì khi nhân viên y tế chọc sẽ khó, bản thân mình cũng cảm giác đau hơn".

So với lấy dịch mũi, lấy dịch họng nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Giải thích lý do nhiều người mong muốn được lấy dịch họng thay dịch mũi nhưng không được sự đồng ý của nhân viên lấy mẫu, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Với việc thực hiện xét nghiệm, lấy dịch mũi sẽ đảm bảo an toàn và kết quả chính xác hơn dịch họng. Hơn nữa, đào tạo nhân viên y tế lấy dịch mũi cũng dễ dàng hơn, do lấy dịch họng khó và cần nhiều kĩ năng".

Bác bỏ một số nguồn thông tin trên mạng cho rằng việc chọc ngoáy mũi bằng que xét nghiệm sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi, chảy máu do rách niêm mạc hoặc chọc trúng mạch máu, nhiễm trùng mũi xoang..., Bác sĩ Thái thông tin, việc lấy dịch ở mũi sẽ không ảnh hưởng hay gây hại đến con người, khi nhân viên y tế có kỹ thuật chuẩn.

Xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (hay xét nghiệm COVID) là một phần hỗ trợ cho việc ngăn chặn sự lây lan, bùng phát dịch ra cộng đồng. Nhờ vào kết quả xét nghiệm, chúng ta có thể biết được chính xác những đối tượng đã nhiễm phải virus SARS-CoV-2. Từ đó có những biện pháp cách ly và phân luồng ngay được những đối tượng có nguy cơ nhiễm cũng như có biện pháp điều trị kịp thời.

Đối tượng cần xét nghiệm COVID:

Hiện nay, hệ thống khám chữa bệnh đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm Covid-19 chủ yếu sử dụng 2 phương pháp xét nghiệm Realtime RT - PCR và test nhanh. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, diễn biến lâm sàng, nhu cầu của người bệnh và nguồn lực kinh tế mà chúng ta sử dụng loại xét nghiệm nào. Mỗi xét nghiệm điều có những ưu, nhược điểm riêng.

Xét nghiệm PCR: thường được chỉ định cho nhóm người bị phơi nhiễm trong 21 ngày hoặc theo dõi quá trình điều trị các bệnh nhân đã được chẩn đoán nhiễm Covid-19 hoặc người có nhu cầu xét nghiệm để lấy giấy xác nhận âm tính với Covid-19 sử dụng phục vụ di chuyển nội địa, xuất cảnh hoặc phục vụ công việc. Theo CDC khuyến cáo, xét nghiệm realtime RT-PCR là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán COVID-19.

Phương pháp test nhanh: thường chỉ định cho các trường hợp có triệu chứng của COVID-19: sốt, ho, khó thở, đau họng, viêm phổi và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như:

- Từng tiếp xúc gần (trong phạm vi 2 mét) với người nhiễm COVID-19 hoặc người nghi ngờ nhiễm Covid-19.

- Người trở về từ các “vùng dịch” được Bộ Y Tế công bố hoặc WHO ghi nhận có ca mắc COVID-19 trong vòng 21 ngày kể từ khi nhập cảnh.

Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi test nhanh vẫn cần thực hiện thêm xét nghiệm RT-PCR để có khẳng định chính xác.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm