Người đàn ông đòi được xin lỗi, bồi thường sau 39 năm bị bắt oan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Trần Mạnh Hải (SN 1950, ngụ xã Bản Sen, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) có đơn cho rằng về việc gần 40 năm nay, sau khi bị bắt giam oan nhiều năm, vẫn không cơ quan nào nhận trách nhiệm, xin lỗi bồi thường cho ông.
Ông Trần Mạnh Hải.
Ông Trần Mạnh Hải.

Theo ông Hải, năm 1972, ông lên đường vào Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; ngày 29/4/1975, trong quá trình chiến đấu, ông Hải bị thương tật 21% và được chuyển về hậu cứ. Tháng 5/1976, ông được xuất ngũ về quê Kiến Xương, Thái Bình.

Tháng 10/1976, vợ chồng đi xây dựng kinh tế mới tại đội 5, xã Bản Sen, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (trước kia là tỉnh Hoàng Liên Sơn), làm Đội trưởng Đội 5 cho đến 1982…

Ngày 13/8/1982, tại khu vực xảy ra một vụ án mạng, anh Đặng Quang Hào (hàng xóm nhà ông Hải) và 3 người khác trong gia đình bị giết, cướp tài sản. Sau đó ông Hải và 4 người khác đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Đến ngày 28/12/1988, tức là hơn 6 năm sau, VKS Quân sự Trung ương (VKSQSTW) ra Quyết định 88/KS5 đình chỉ điều tra với ông Hải. Ông Hải được tự do ngay sau quyết định này.

Sau khi trở về địa phương sinh sống, từ đó đến nay ông Hải cho rằng vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào của cơ quan thẩm quyền tuyên bố ông vô tội.

“Vì vậy, đến nay, với chính quyền địa phương, bà con làng xóm, tôi vẫn mang thân phận kẻ giết người cướp của, phải sống trong xấu hổ… Các con cháu tôi lớn lên trong sự dè bỉu, coi thường vì cha ông chúng là “kẻ giết người”. Tôi bị đình chỉ rồi khai trừ khỏi Đảng, chế độ thương binh bị cắt, kinh tế gia đình kiệt quệ, sức khỏe sa sút, con cái không được ăn học đàng hoàng…”, ông Hải nói.

Ngày 13/4/2020, VKSQSTW có Thông báo 16/TB-VKS thông báo kết quả giải quyết đơn của ông Hải, có nội dung: “…Trong năm 2017, VKSQSTW nhận được nhiều đơn của Hải yêu cầu bồi thường, tổ chức công khai xin lỗi và khôi phục danh dự, nhân phẩm cho ông. VKSQSTW đã rất thận trọng xem xét, xác định năm 1988 ông Hải được đình chỉ điều tra do các cơ quan tố tụng thời điểm đó không đủ chứng cứ để kết tội ông Hải phạm tội giết người, cướp của”. 

“Tuy nhiên, căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2010) và Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra) thì trường hợp của ông đã quá thời hiệu yêu cầu bồi thường”. 

Do ông Hải vẫn tiếp tục gửi đơn đến nhiều nơi nên VKSQSTW đã báo cáo và được VKSND Tối cao cho ý kiến chỉ đạo: “Với trường hợp của ông Hải, sau khi có quyết định đình chỉ điều tra (năm 1988) nhưng đến năm 2017 (tức là sau hơn 28 năm) ông mới có đơn yêu cầu bồi thường oan sai. Căn cứ Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì thời hiệu yêu cầu bồi thường của ông đã hết” (Công văn số 402/VKSTC-V7 ngày 26/1/2018 của VKSND Tối cao).

Nhận định về trường hợp này, LS Văn Minh Nam (VP LS Minh Nam - Đoàn LS tỉnh Lào Cai), cho rằng: Theo khoản 1 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ bồi thường. “Như vậy VKS phải chứng minh được biên bản giao nhận có chữ ký của ông Hải là thời điểm nào. Chưa thấy có tài liệu nào chứng minh cụ thể việc ông Hải nhận được, biết được quyết định đình chỉ điều tra…”.

Tại biên bản làm việc ngày 22/7/2020, gồm đại diện UBND, Công an xã Bản Sen và đại diện Văn phòng LS Minh Nam cũng thể hiện “không ai biết, cũng như tra cứu hồ sơ lưu trữ của địa phương không có bất cứ văn bản nào thể hiện việc UBND xã đã nhận được văn bản nào thông báo ông Hải đã được trả tự do”.

Đọc thêm