Người xưa coi những người “bỏ làng” lại những người mang tiếng xấu, một là do cuộc sống khốn cùng phải tìm được phiêu dạt, “tha phương cầu thực”, hai là làng không dung nạp được mình, do mình không theo “lệ làng” hay phạm điều cấm kỵ của làng bị xua đuổi.
Bữa trước, tôi đi đám tang bên nhà vợ, thấy chuyện chả biết buồn hay vui nữa. Người con trai làm ăn và định cư ở Hải Phòng quyết định chôn cất cha mình ở Hải Phòng luôn chứ không phải Thái Bình, nơi quê cha đất tổ của gia đình. Họ hàng cũng nhiều người khuyên can rằng người ta chết hay chọn quê cha đất tổ yên nghỉ là tốt, nhưng người con quyết không nghe và họ hàng phải theo vậy!
Chuyện như vậy cũng có chút ngậm ngùi khi người già bây giờ lại theo con trẻ “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”. Hay nói như người xưa “già cậy trẻ”.
Con cái yêu thương cha mẹ, muốn cha mẹ ở gần mình để chăm sóc, lúc qua đời phần mộ cũng muốn gần nơi mình định cư để hương khói. Đó cũng là cái tình riêng quí báu, quấn quýt trong gia đình. Nhưng người sâu sắc hơn thì nghĩ “nơi quê cha đất tổ”, chết được chôn cất cạnh người ruột thịt, nơi tổ tiên an nghỉ cũng là điều hạnh ngộ.
Như bên quê nội tôi, giờ chỉ còn ba mẹ tôi ở. Xung quanh là những căn nhà rộng lớn, con cháu làm ăn thành đạt về xây cất đàng hoàng nhưng chỉ để làm nơi thờ tự, rằm tháng Bảy, tháng Giêng, giỗ, Tết…thì ghé về, chứ không sinh sống ở đó nữa. Thành thị còn có công việc, tương lai con cái, quan hệ xã hội…người ta không còn muốn quanh quẩn luỹ tre làng như xưa, nên những căn nhà lớn đó tràn ngập không gian vắng lặng. Nói như lời thơ Nguyễn Bính: “Giếng thơi mưa ngập nước tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều” (Qua nhà).
Ngày xưa, người ta không dám bỏ làng ra đi vì con cái. Tất cả nhiều thế hệ sinh hoạt trong cái làng đó, lấy nhau, kết hôn, sinh con, rồi thế hệ tiếp nối cứ vậy quây quần, dan díu như vậy. Thành ra dân gian hay nói là cái chuyện ao làng, sân đình, cây đa… Ai mà đi xa nhớ lắm “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.
Bây giờ thì khác, những khu đô thị của người trẻ nhập cư đầy người già ở quê lên trông cháu, giúp đỡ con cái. Khu tôi ở toàn vợ chồng mới lập nghiệp, nhà nào cũng có cha mẹ bên nội hay ngoại lên ở cùng. Họ rời làng lên lo xây cất nhà cửa cho con rồi ở lại trông cháu, đưa đón cháu đi học… để đỡ đờn vợ chồng trẻ. Thỉnh thoảng tôi hay trò chuyện với các bà hỏi bà giờ còn muốn về quê không? Các bà đều nói: “Giờ về nhà không còn ai, ruộng đất cũng cho người ta thuê hay bán hết rồi. Sống ở quê giờ buồn lắm, lên đây có con cháu cũng vui”.
Khu tôi ở còn nhiều bãi đất công hay đất người ta chưa xây nhà, các bà trồng rau, chăm bón suốt ngày. Nên tuổi già ở thành phố cũng không mấy nhàn tản. Được cái tính cách “quê mùa” vẫn còn, thỉnh thoảng gọi tôi cho bó rau, quả bầu.. nói rau dạo này tốt quá dùng không hết…
Tất nhiên, không phải ai cũng dung nạp mình cho thành phố. Ở vùng tôi ở xuất phát từ làng xã, nên dù sao người ở quê lên thấy còn chút gì vương vấn như vẫn còn sân đình, chùa chiến, hội làng… Nhưng với người già ở vùng quê như châu thổ sông Hồng theo con lên sinh sống ở các khu chung cư họ không thích lắm. Đơn giản họ không có không gian trò chuyện, thăm hỏi, đi lại tự do, sinh hoạt làng xã, họ hàng, tín ngưỡng bị hạn chế. Một người già ở làng họ sẽ biết gần hết người trong làng, nhưng ở khu chung cư coi như là một thế giới khác. Cách không thể tiếp cận thông tin với những người có truyền thống gắn bó làng xã khiến họ mắc kẹt ở đô thị.
Cái tình gia đình, thương con cháu phải lên đô thị, nhưng lại không tìm được không gian sống mở như ở làng. Nhà văn Võ Phiến từng viết: “Từ thôn quê ra thành thị, con người càng dồn sát gần nhau lại càng lạnh lùng dửng dưng với nhau” ( Cái rét đô thị)
Nên nhiều người già khi rời làng lên đô thị cùng con cháu không chịu nổi không gian chật hẹp, ít chuyện trò rông dài đó lại bỏ phố về làng, vui với ruộng nương, có con gà, bó rau cũng gửi lên cho con cho cháu.
Khi tỷ lệ dân số di dân tự do đến đô thị tăng cao, cũng có nghĩa là ở vùng quê đã nhiều ngôi nhà hoang vắng. Ngôi nhà cũ đơn sơ nuôi nấng đàn con ăn học, giờ chúng đã dan díu với thành thị, với những khát vọng mà người trẻ cho là văn minh hơn, sáng tạo hơn… Cha mẹ vì cái tình thương biển rộng muốn con cái thành danh, nên lại tạm biệt quê nhà lên đô thị dù lòng không muốn. Rồi ở miết cũng quen với không khí ngột ngạt, đông người, kẹt xe, nhà nào biết nhà đó… rồi bệnh tật khi tuổi già đến, rồi qua đời, cũng muốn có con cháu bên cạnh. Từ đó mà người già không còn bóng hình quê cũ nữa.
Từ cái không thích, rồi thích, nó khiến cho đô thị thêm chật chội, chứng kiến sự di dân âm thầm từ nông thôn lên vùng phố xá. Thành phố cứ thế phình to lên, còn làng quê heo hút, hoang vắng nhiều “nhớ thương bạc trắng mái đầu”.
Ở thành phố không có ruộng nương, nên không có khói hoàng hôn để nhớ nhà. Với người già gắn bó hơn nữa đời người nơi quê nhà, khi phải rời xa khi tuổi xế chiều chắc cũng nhung nhớ lắm. Nhưng biết sao giờ khi tình gia đình nặng nợ, quấn quýt suốt đời.