Một con đường khác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thường thì những ngày nghỉ tôi hay cùng bạn bè đến một nơi chốn nào đó, gọi là thư giãn sau một tuần làm việc. Nhưng bây giờ tôi đi theo đoàn bác sĩ tình nguyện đi Vũng Tàu khám bệnh cho các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, ai cũng ngạc nhiên. Cuộc sống bây giờ khác xưa lắm rồi, tuổi trẻ luôn năng động và huyên náo, còn tôi thì dường như đã dừng lại phía sau những ồn ã đó, những rộn ràng đó mà đi về một con đường khác, một con đường vắng tanh, chẳng có bàn tay nào để nắm.

Tôi đã yêu và được yêu, nhưng trên thế gian này đâu phải mối tình nào cũng kết thúc bằng một hôn lễ. Mọi người bảo rằng tại sao tôi lại cứ ôm mãi một mối tình xa biệt, để trùng trùng con sóng đã vỗ bờ, để bao nhiêu mùa lá chao rụng xuống những thênh thang. Làm sao tôi hiểu được? Bởi quanh tôi có rất nhiều cô gái thay tình như thay áo, mới yêu người này, mai đã thay đổi người khác giống như thay chiếc áo đẹp trong những buổi tiệc vui. Còn tôi thì mãi chung thủy với một bóng hình.

Tôi chọn học nghề điều dưỡng cũng bởi vì người đó. Trong thẳm sâu của trái tim mình, tôi tin rằng tôi sẽ không lạc mất anh, nhưng đã 15 năm năm rồi. Thời gian ấy đủ cho một cây trồng ven đường cao lên và tỏa bóng mát, đủ cho một cánh rừng mọc nhiều dây leo ngăn chặn lối đi và đủ cho bao nhiêu lãng quên. Chính bản thân tôi cũng không hiểu tại sao, bởi Tùng đã biến mất trong đám đông của tôi từ 15 năm trước.

Chuyến đi của chúng tôi ngoài thuốc men, còn mang theo nhiều mì gói, quần áo cũ do nhiều nhà tài trợ quyên góp. Các bác sĩ ở bệnh viện thành phố cho biết khi tới Vũng Tàu sẽ được một đoàn bác sĩ từ Mỹ về, hiện ở sẵn đó, cùng nhập đoàn để khám bệnh phát thuốc. Bác sĩ Du, Trưởng đoàn nói: “Lần này mình đi Xuyên Mộc. Đây là huyện nghèo, mình sẽ đến Láng Sim, Phước An, Phước Bửu và sẽ ngủ lại ở chùa”.

Cả một ngày làm việc dẫu mệt nhọc nhưng thật vui. Khi đem sự yêu thương chia cho mọi người thì không ai còn nhớ đến bản thân mình, cả tôi cũng vậy. Bác sĩ Du dẫu 45 tuổi nhưng hiện còn đang độc thân theo nghĩa thật sự. Bởi nghe nói anh cũng đã trải qua một cuộc tình, đã kết hôn, nhưng đó là một mối tình ngắn ngủi vì chỉ sau một năm thì vợ anh qua đời. Bác sĩ Du làm ở Bệnh viện Nhi, là một bác sĩ khá nổi tiếng trong ngành y. Khi về chùa, sau một ngày công tác khá mệt, bác sĩ Du rủ tôi xuống phố uống một ly cà phê.

Xuyên Mộc buổi tối đường vắng bóng người, nơi ngôi chùa chúng tôi ở càng vắng hơn, phải đi một đoạn khá xa mới gặp phố. Chúng tôi gặp một quán cà phê trên đường, quán cà phê không rõ tên gì, giăng đèn nhấp nháy như một dấu hiệu báo cho mọi người biết sự hiện diện của mình, dường như nơi này dành cho các cặp tình nhân chọn để cùng bên nhau hơn là uống cà phê. Nhưng chúng tôi không có chọn lựa, Du tìm một chiếc bàn cạnh quầy lễ tân. Tôi kêu cho mình ly cà phê đen.

Trong buổi tối ở Xuyên Mộc ấy tôi đã vỡ òa cảm xúc sau 15 năm cũ ấy, tưởng chừng chỉ mãi mãi là quá khứ. Người đàn ông ấy cũng đến quán cà phê cùng với một người bạn. Anh ta đến bàn của chúng tôi: “Chào bác sĩ Du. Tôi là bác sĩ...”. Tôi nhận ra anh ngay, thật nhanh, tôi gọi khẽ: “Anh Tùng phải không?” Trong mờ mờ vậy đó anh đã thấy tôi, thấy rõ ràng: “Trời ơi, Huyền”.

Trời ơi, Huyền - vậy mà đã trùng trùng ngàn con sóng vỗ. Đã bao buổi chiều vàng vọt trên những con đường, đã những cơn đau nằm vùi trong căn phòng một mình, nghe tiếng quạt máy quay đều và ngó con thạch sùng cứ rình mò những con muỗi.

Tùng nói trong đêm vỡ òa của Xuyên Mộc: “Anh đi tìm em đến mỏi cả đôi chân”. Còn tôi thì luýnh quýnh như cô gái 18 tuổi lần đầu hẹn hò với tình nhân. Tùng kéo ghế ngồi sát bên tôi và tôi biết đó là đêm dài nhất trong cuộc đời mình. Tùng hỏi: “Em giờ sống ra sao?”. Tôi trả lời: “Dạ vẫn một mình”. Anh nói nhỏ rất nhỏ nhưng đất trời nghe thấy: “Anh vẫn một mình, anh đã nhiều lần về nước để tìm em”…

Hai đứa tôi lạc mất nhau vào mùa hoa phượng đỏ 15 năm trước. Một tuần lễ quen nhau cũng trong một hội trại, khi ấy anh mới vừa đậu vào y khoa, còn tôi thì mới tốt nghiệp. Đó cũng là những ngày cuối cùng anh ở Việt Nam, vì anh vừa nhận được một học bổng du học tại Pháp. Hai đứa đã đi hết chiều dài của con phố, ăn hết ổ bánh mì và uống cạn ly nước mía. Rồi anh ngỏ lời tỏ tình khi đưa tôi trả lại căn phòng trọ: “Anh rất yêu em”. Để đêm thành phố như có cơn gió nhẹ đang trôi về mang đầy hương thơm tình yêu. Sáng hôm sau, tôi chỉ kịp ra sân bay, vẫy bàn tay nhỏ của mình để anh đi vào trong đám đông, anh lên chiếc máy bay xa biệt. Đến khi Tùng lìa xa, hai đứa mới giật mình là không hề cho nhau địa chỉ, chẳng hề cho nhau số điện thoại.

Tôi không yêu ai được nữa sau chuyến bay mù xa đưa anh rời xa tôi hôm đó. Tôi đợi một viển vông, để tuổi thanh xuân của mình cuộn trôi xa. Tôi đã cố tình đi tìm danh sách các bác sĩ ở các bệnh viện, tôi tin sau khi ra trường anh sẽ về nước. Tôi tin trong mênh mông của cuộc đời này, sẽ có một lần tôi và anh sẽ lại chạm vào nhau. Nhưng biết đâu anh đã có gia đình, có một cô vợ mà anh trút lòng yêu thương, anh quên mất bàn tay vẫy nhỏ xíu xiu ở sân bay? Nhưng thôi kệ, trái tim yêu thì phải đành lòng chấp nhận.

Một tuần sau đó tôi và Tùng kết hôn. Mọi người bảo như thế là quá nhanh. Tôi bảo đã 15 năm cho cuộc hành trình yêu thương này. Trong tiệc cưới có một quả địa cầu để ngay nơi khách bước vào, khách dự tiệc sẽ ký tên trên quả địa cầu đó. Quả địa cầu ấy sẽ để trong phòng ngủ của hai vợ chồng tôi. Quả địa cầu nhắc nhở rằng đất trời có rộng bao la, thì khi đã có tình yêu thì đất trời ấy cũng chỉ nghiêng về một phía. Bạn bè hỏi: “Vậy tuần trăng mật hai người đi đâu”? Tôi trả lời: “Sẽ là một tuần trăng mật khác thường, hai vợ chồng tôi sẽ có một chuyến đi khám bệnh miễn phí cho người nghèo”…