Người họa sỹ truy đòi những khát vọng tuổi trẻ

 Ngày 3/12/2010 tại Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội đã khai mạc triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ Nguyễn Linh, một cá tính rất riêng trong làng hội họa. Triển lãm giới thiệu một lát cắt chọn lọc những biến hóa hai chiều gần phái “dã thú” (Fauvism hay Les Fauves) và “lập thể” (cubism) trong hàng trăm bức tranh khổ lớn của họa sĩ.

Ngày 3/12/2010 tại Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội đã khai mạc triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ Nguyễn Linh, một cá tính rất riêng trong làng hội họa. Triển lãm giới thiệu một lát cắt chọn lọc những biến hóa hai chiều gần phái “dã thú” (Fauvism hay Les Fauves) và “lập thể” (cubism) trong hàng trăm bức tranh khổ lớn của họa sĩ.

Cứ nhắc tới Nguyễn Linh, người ta nhắc ngay tới bộ râu ấn tượng của anh cùng với kiểu trang phục “bùi bụi”. Nhiều người biết Linh từng là sinh viên giỏi của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, một tài năng hội họa “tiềm tàng”, có nhiều tranh trưng bày trong các Bảo tàng tư nhân trong và ngoài nước. Người ta cũng biết anh là ông chủ Cơm Phố hấp dẫn, có một sưu tập gốm Lý Trần quý giá, có thú chơi tranh Nguyễn Tư Nghiêm. Và anh còn là “một người rất quả quyết, định làm gì là theo đuổi nhiệt tình, tốn kém và bằng sức lao động thực sự của mình để trả giá cho công việc” như nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã thốt lên.

Sau hai chục năm lưu lạc, từ 2005 (triển lãm Nguyễn Linh I), Nguyễn Linh trở về với “ngôi nhà, gia đình và vũ trụ” hội họa - cái mà anh có năng khiếu từ hồi đi học, rồi để lãng quên đi theo cơm áo gạo tiền. Ở tuổi ngũ thập, anh tin trời bảo mình làm gì, việc gì đúng là việc của mình.

Nguyễn Linh phụ bạc hội họa, đến khi quay lại với nó thì vất vả vô cùng để chung sống. Anh hối hả dồn những năm tháng vừa qua cho hàng nghìn ký họa chì và hàng trăm tranh sơn dầu to nhỏ, say sưa vẽ đến quên ăn quên ngủ, miệt mài thực hành nhiều lối vẽ, phong cách, con đường... Anh bước ào ạt, nhưng tiến chầm chậm trong cái khao khát hội họa của mình.

Dưới con mắt của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Linh là “một người rất quả quyết, định làm gì là theo đuổi nhiệt tình, tốn kém và bằng sức lao động thực sự của mình để trả giá cho công việc”

Nguyễn Linh bảo, những khát khao nghệ thuật hiện đại - modernis cổ điển anh từng ôm ấp thủa thiếu thời nay tan hòa chuyển chất trong kinh nghiệm từng trải bể dâu, đường đời. Tranh của anh không phải là những điều đã được nhìn thấy một cách giản đơn bằng con mắt ơ hờ, lãnh đạm mà anh muốn đi xa hơn, muốn bắt cả một gian đoạn của sự việc, những kết quả của tư duy, thậm chí cả những dòng tâm sự với đời cũng phải dừng lại trong tranh.

Trong các tác phẩm của Nguyễn Linh, đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. Các bề mặt, các mặt phẳng giao với nhau không theo các quy tắc phối cảnh làm cho người xem khó nhận ra chiều sâu của bức tranh. Chối bỏ những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật cổ điển hàn lâm kinh viện, chối bỏ cả cái nhìn thấu thị, anh đã nhào nặn các hình thể, mảng màu thành những khối và mặt phẳng hình học méo mó, góc cạnh, đầy biểu cảm. Các chuyển động được đan cài vào nhau, ở đó ta thấy sự tổng hòa giữa không gian và hình thể, nhiều điểm nhìn đồng thời trong một bức họa.

Nguyễn Linh hỉ hả với sự độc diễn của một hình thể, đằng trước, đằng sau, từ trên xuống, từ dưới lên, bên phải, bên trái, sự kết hợp giữa các hướng và sự đảo chiều trong hướng. “Tôi tìm thấy vẻ phong phú bất tận của một con người ở cả phần thể xác và phần hồn, đặt vào đó vài câu hỏi cho chính mình” - anh nói.

Thân phận con người đã ẩn hiện trên những vệt bút, người đàn ông cô độc và người đàn bà hết vị, đôi khi là một mình, đàn ông hoặc đàn bà đang tơ tưởng người kia; đôi khi là cả hai người, hai thân thể sung mãn - đàn ông và đàn bà làm một cặp. Sự ẩn ức trong hoan lạc, sự khát khao trầm đục trong cái vật vã để được vận động tự do níu kéo người ta đứng lại trước bức tranh, và có lẽ đó là thành công của phòng tranh.

Mỗi bức tranh của anh là một bố cục nhiều màu, không phải là sự sao chép thiên nhiên; là sự liên tục tạo hình sống động, không là cảnh sắc vặt vụn, là một sự bố cục màu sắc mạnh bạo, không phải là sự tình cờ đẹp mắt. Tranh không diễn tả khối, không vờn sáng tối mà chỉ có những mảng màu gay gắt, nhưng không vì vậy mà mất đi vẻ đẹp dứt khoát. Những chấm màu chi tiết và đẹp, đầy mỹ cảm trên những bức toan cực lớn biểu hiện nét vừa mạnh bạo vừa tinh tế...

Về quan niệm hội họa, anh cho rằng: “Làm hội họa như một cốc nước đầy, tự nó tràn ra, muốn thành hình thể gì không biết. Cái quyết định cuối cùng của người họa sĩ là xác nhận những hình thể đó. Hội họa có sự tình cờ và có những cái ngố của đường nét, màu sắc. Nếu ở một bức tranh tất cả màu sắc, đường nét đều vừa vặn, hợp lý, bức tranh sẽ biến thành công trình của một người thợ khéo tay”.

Ngắm những tranh màu xám đen, tôi hỏi: “Lòng anh không yên?”. “Đúng là có những lúc buồn bã” - anh tâm sự. Khi ấy, anh sáng tác như cào cấu, như giành giật lấy cái “thời gian đã mất” trong tâm tưởng cô độc của kẻ hoang mang. “Nghệ thuật là sự cô đơn cùng tận”, như Samuel Beckett đã nói. Trong tranh có những lúc tìm không ra những ý tưởng và gam màu đúng với tâm trạng. Anh đã tinh tế thấy như vậy.

Trong hội họa, anh là con người nuôi nguồn sáng tạo mãnh liệt, khó tính. Anh đã từng như Rouault, đốt hết cả chục bức tranh trong một thời khắc không vừa ý, mà khi nói thì anh cứ cho “vẽ là bôi ấy mà!” một thứ nhị-nguyên-dualisme mà không phải ai cũng nhìn ra cái căn nguyên ấy.

Nghệ thuật luôn kêu đòi mới lạ. Do đó mà người nghệ sĩ cũng phải thay đổi lề thói tư duy, tự kiếm tìm phương thức biểu đạt không lặp lại những người đi trước, có như vậy nghệ thuật mới tồn tại, phát triển và cần thiết cho đời. Hoạ sĩ Nguyễn Linh có cách nhìn trong nghệ thuật hội họa là nhìn và nhìn thấy, chứ không là sao chép như thật. Những tác phẩm hội họa của anh có một dấu ấn riêng, không nhầm lẫn được. Và anh đã tạo được cho mình một “tiếng nói” không bị lu mờ đi giữa nhiều “tiếng nói” khác.

Thu Hồng