Một đời vì cây lúa
Mấy chục năm qua, Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng cộng sự nghiên cứu, thực nghiệm lai tạo ra nhiều giống gạo mới, tính năng vượt trội, tạo nên thương hiệu gạo Sóc Trăng (ST) thơm ngon, chất lượng. Khát vọng lớn hơn của “anh hùng lúa” là tiếp tục cải tiến, đổi mới nâng tầm hạt gạo Việt. Gạo Việt phải giành lấy vị trí xứng đáng của mình trên bảng xếp hạng của thế giới.
Sự cố gắng của các nhà khoa học đã được đền đáp khi giống lúa ST25 đoạt giải nhất Cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Giống lúa này lại tiếp tục được tái công nhận khi đạt giải nhì Cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2020”.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đem “hoa hậu” đi thi để thành “á hậu” làm giảm giá trị của giống lúa. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có thể nhìn thấy việc gạo ST25 đạt giải nhất của năm trước, lại tiếp tục đạt giải nhì của năm sau là một cách tái công nhận. Gạo ST25 vẫn nằm trong top “Gạo ngon nhất thế giới”.
Vốn xuất thân từ ruộng đồng, từ khi lập nghiệp, ông Cua đã chọn nghề nông để bám trụ. Nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, giữ đến chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, kỹ sư Hồ Quang Cua đã có nhiều đóng góp cho việc lai tạo và nhân giống gạo ở tỉnh nhà. Biết bao cánh đồng đã in dấu chân của vị kỹ sư này.
Nơi nào có ruộng, có nông dân là có ông, cùng ăn, cùng làm với nông dân để tìm ra cách trồng lúa, lai tạo giống tốt nhất, nâng cao giá trị, cải thiện đời sống người dân. Từ khi giống lúa ST25 được công nhận “Gạo ngon nhất thế giới”, giá trị lúa ST25 tăng vượt bậc, điều này làm bà con nông dân trồng lúa phấn khởi vì một mùa bội thu, được giá.
Với tính cách thuần nông Nam Bộ, hầu như đi đến đâu, nông dân cũng trân quý và kính trọng vị Anh hùng Lao động bình dị này. Những cái tên thân thương mà mọi người đặt như: “anh hùng lúa”, “kỹ sư chân đất”, “anh hùng của nhà nông”… đều nói lên được cách sống và tình cảm của mọi người dành cho “cha đẻ” của “Gạo ngon nhất thế giới”.
Việc gạo ST25 được công nhận vẫn chưa thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu của ông, một con người của lao động, của “cây lúa, hạt gạo”, luôn miệt mài, tận tụy với ngành nông học nước nhà. Kỹ sư Hồ Quang Cua khẳng định, sẽ tiếp tục tạo sự khác biệt vượt trội với giống gạo ST, để nâng tầm hạt gạo Việt, gạo Việt phải có đẳng cấp xếp vào phân khúc thị trường gạo ngon nhất thế giới. Vì theo ông, gạo Việt Nam nói chung và gạo Sóc Trăng nói riêng đã có thương hiệu và lịch sử lâu đời.
Vùng đất Sóc Trăng vốn dĩ có nhiều giống lúa bản địa phù hợp với thổ nhưỡng nhưng ít được người dân quan tâm. Trong nhiều tư liệu cũ cũng ghi chép, cách đây khoảng 100 năm, Bãi Xàu (hay còn gọi là Ba Thắc – một địa danh ở Sóc Trăng) vang danh khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh không chỉ vì đây là thương cảng lớn nhất miền Nam mà còn vì giống gạo Bãi Xàu ngon nức tiếng. Các thương lái quốc tế săn lùng rồi xuất bán sang Hương Cảng (Trung Quốc) và các nước châu Âu.
Khát vọng nâng tầm gạo Việt
Với niềm hy vọng ST ngày nay sẽ là “hậu duệ” của gạo Bãi Xàu ngày trước, kỹ sư Hồ Quang Cua vẫn tiếp tục, tìm tòi, thử nghiệm. Hơn 40 năm làm công chức ngành nông nghiệp, đến khi về hưu ông vẫn dành trọn thời gian cho nông nghiệp, cho nghiên cứu. Hạt gạo, cây lúa như “tình nhân”, “tri kỷ” bền bỉ gắn bó với ông dù là lúc tưởng chừng như nhàn rỗi, thảnh thơi. Thời gian hưu trí của ông dành trọn cho thực nghiệm, thăm ruộng, dự hội thảo, gặp gỡ nông dân… bàn về một vấn đề duy nhất: “cây lúa – hạt gạo”.
Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ, từ ngày ST25 được vinh danh, ông bận “không có thời gian thở”. Có khi mỗi ngày nhận 50-60 cuộc điện thoại mà không dám bắt máy vì sợ “không có thời gian làm việc khác”. Có ngày tận 23 giờ mới về tới nhà, sáng 4 giờ lại tất bật lên đường. Chẳng ai nghĩ đó là lịch làm việc của một cán bộ đã về hưu nhưng với niềm đam mê bất tận đã tạo động lực thôi thúc bước chân ông.
Ông cũng chia sẻ, trong giai đoạn dịch Covid-19, ông giảm dự họp, hội thảo và có thời gian chuyên tâm nghiên cứu về việc nhân giống lúa mới ST24, ST25 để có thể bắt kịp yêu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng và thị trường thế giới. Theo ông Cua, phải cố gắng giữ vững danh tiếng gạo ngon thế giới, xây dựng thương hiệu gạo và hướng tới phát triển vùng lúa thơm đặc sản, nâng cao giá trị để giúp nông dân trồng lúa có thu nhập cao hơn, điều đó mới thật sự có ý nghĩa.
“Giống lúa được công nhận rồi mình cũng phải tiếp tục nghiên cứu, cải tiến trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường và biến đổi khí hậu, ngành lúa gạo phải thay đổi, thích nghi. Phải chọn tạo nhiều giống lúa thơm có giá trị chuyển giao cho nông dân canh tác. Bên cạnh đó còn phải hướng dẫn nông dân các kỹ thuật, phương pháp trồng theo hướng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy rất tự hào và phấn khởi khi gạo ST25 của Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới nhưng kỹ sư Hồ Quang Cua cũng chia sẻ trăn trở khi Việt Nam hiện vẫn chưa thể là “đối thủ” của Thái Lan trong ngành sản xuất, chế biến gạo thơm cao cấp. Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, yếu tố quan trọng nhất mà Việt Nam đang thua gạo thơm Thái Lan là ngành gạo thơm của Thái Lan vẫn nổi tiếng là gạo an toàn, còn gạo Việt Nam lại thâm canh là chủ yếu.
“Gạo thâm canh nếu dùng lượng phân bón không đúng dẫn tới dư thừa lượng hóa chất, gây mất an toàn thực phẩm thì không thể so sánh với Thái Lan”. Ông Cua tự giao cho mình trách nhiệm là tiếp tục cải tiến và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt Nam.
Với những đóng góp cho ngành Nông nghiệp, kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu đã nhận được 7 Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đạt hạng Nhất trong tất cả các cuộc thi trong nước, được Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu.
Về giải thưởng cá nhân, kỹ sư Hồ Quang Cua 2 lần vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề cử là đại biểu dự Vinh quang Việt Nam (năm 2014 và 2017). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.