Người liên quan vụ chủ quán bắt cô gái quỳ xin lỗi có thể bị xử lý thế nào?

(PLVN) - Hành động bắt cô gái trẻ quỳ gối xin lỗi của chủ quán nhắng nướng ở Bắc Ninh có dấu hiệu của tội Làm nhục người khác.
Hình ảnh cô gái quỳ gối xin lỗi chủ quán.
Hình ảnh cô gái quỳ gối xin lỗi chủ quán.

Liên quan đến vụ chủ quán bắt cô gái quỳ gối vì chê món ăn, luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng công lý (Hà Nội), cho rằng, chủ quán có dấu hiệu của tội Làm nhục người khác quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự.

Theo phân tích của luật sư Kiên, hành vi làm nhục xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự của người khác. Theo đó, người phạm tội có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự người khác dưới mọi hình thức, tức là có hành vi (hành động) được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thoả mãn thú vui xác thịt...

Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế đe doạ buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình, nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Ví dụ đưa lên trang mạng internet hình ảnh riêng tư mang tính bêu riếu làm nhục người khác... 

Về phía người bị hại, có những căn cứ để xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng như: trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình... 

Luật sư Lê Văn Kiên.
 Luật sư Lê Văn Kiên.

"Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục”, Luật sư Kiên cho hay.

Trong khi đó, nếu cô gái được xác định đưa thông tin lên mạng không đúng sẽ bị xử lý theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì:

"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;"

Và theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì cá nhân cung cấp nội dung thông tin sai sự thật lên mạng xã hội (ví dụ như facebook,...) sẽ bị xử phạt tới 10 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng tải.

Trước đó, cư dân mạng mới chia sẻ trên Facebook đoạn video quay lại cảnh một cô gái trẻ quỳ giữa sàn nhà. Trong clip, một người đàn ông ngồi trên ghế liên tục chửi bới, đe dọa cô gái này.

Theo nội dung đoạn clip, cô gái ăn tại nhà hàng và thấy giun sán trong đĩa lòng nên đăng lên facebook cá nhân. Chủ nhà hàng đã yêu cầu cô gái này đến quán, quỳ và xin lỗi.

Cô gái chỉ biết quỳ khóc, xin lỗi và nói “cháu biết lỗi rồi ạ, cháu sai rồi”. Người đàn ông sau đó vẫn đe dọa, to tiếng và bắt cô gái đang quỳ phải ký vào một tờ cam kết do nhóm người này thảo sẵn, đồng thời yêu cầu cô gái phải xóa hết các nội dung, hình ảnh đã đăng tải trên facebook của mình. Vụ việc được cho là xảy ra tại quán Nhắng nướng Hiền Thiện trên đường Nguyễn Đăng Đạo, TP Bắc Ninh.

Điều 155. Tội làm nhục người khác (theo Bộ luật hình sự năm 2015)

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đọc thêm