Người mua được và mất gì khi “ở chui” trong dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Câu chuyện đang xaỷ ra ở dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy block B chính là bài học cho người mua nhà hình thành trong tương laiLuật sư Lê Cao đã chia sẻ những rủi ro dưới góc nhìn pháp lý đối với người mua trong trường hợp này.
Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy
Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy

Bên bỏ tiền luôn bị thiệt!

Theo luật sư Lê Cao (thuộc đoàn luật sư Đà Nẵng), hiện nay trên thị trường bất động sản hình thành trong tương lai, người dân mua nhà ở thường rơi vào trường hợp ký hợp đồng mua khi điều kiện mở bán, điều kiện nghiệm thu chưa hoàn thành, nhưng đã bỏ ra số tiền rất lớn. Có nhiều trường hợp chưa ký hợp đồng chính thức, chưa được thực hiện thủ tục chuyển nhượng để có quyền sở hữu hợp pháp nhưng người dân đã thanh toán lên đến 95% giá trị tài sản mua, do đó có thể gặp rủi ro rất lớn. 

Có nhiều trường hợp vì những vấn đề pháp lý của chủ đầu tư mà công trình nhà ở, căn hộ hình thành trong tương lai, gặp những trở ngại như: bị xử phạt, vướng nợ do thế chấp ở ngân hàng, gặp những tranh chấp với bên thứ ba… từ đó cản trở việc người mua có thể tiến hành các thủ tục để được sở hữu tài sản, nên rủi ro cuối cùng người mua phải gánh chịu. 

Luật sư Lê Cao chia sẻ về những rủi ro giao dịch mua bán, cho thuê lại dự án chưa được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai
 Luật sư Lê Cao chia sẻ về những rủi ro giao dịch mua bán, cho thuê lại dự án chưa được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai

Thông thường nhiều người dân vì không am hiểu điều kiện pháp lý, không nắm rõ pháp lý khi giao kết hợp đồng nên đã ký vào các hợp đồng mang hình thức đặt cọc, đặt chỗ, góp vốn hoặc ký với hình thức chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai nhưng lại không nắm rõ điều kiện để nhận bàn giao nhà. Có thể có những cái lợi là khi ký trong trường hợp này, người mua sẽ mua được giá rẻ hơn, được bàn giao nhà sử dụng sớm hơn, nhưng rủi ro lại khá lớn nếu công trình vướng vào những vấn đề pháp lý. 

Với trường hợp cụ thể tại dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy block B, khi chủ đầu tư được kết luận là vi phạm hành chính, chưa đủ điều kiện bàn giao cho người mua nhà để sử dụng, ngoài bị xử phạt hành chính bằng tiền, chủ đầu tư còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác để đảm bảo công trình nhà ở đủ điều kiện mới được đưa vào sử dụng, chẳng hạn như buộc phải khắc phụ những sai phạm, buộc phải di dời người mua nhà ra khỏi công trình chưa đủ điều kiện…

Hiện nay, cơ bản những người mua chỉ ràng buộc trách nhiệm với chủ đầu tư thông qua hợp đồng đã ký, do đó quyền lợi của người mua được bảo vệ đến đâu còn phải căn cứ vào các quy định của hợp đồng ký kết với chủ đầu tư. 

Khi 313 người (trong đó có 203 người nước ngoài) đã mua và đang sinh sống buộc phải tự di dời ra khỏi chung cư trong vòng 30 ngày (kể từ ngày 11/5), nếu gặp phải các tranh chấp, sự cố phát sinh, người mua nhà vướng vào những trục trặc, thiệt hại, người mua có thể căn cứ các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết, căn cứ vào các quy định pháp luật có liên quan để yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện những công việc, bồi thường những thiệt hại xảy ra. 

Trường hợp do lỗi của chủ đầu tư dẫn đến việc buộc phải di dời khỏi nhà đã mua nhưng chủ đầu tư không thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua nhà, họ có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong một số trường hợp, nếu có dấu hiệu chủ đầu tư có những hành vi lừa dối khách hàng hoặc các hành vi gian dối khác để lừa người mua lấy tiền và bán sản phẩm không đủ điều kiện được bán, người mua cũng có thể tố giác tới các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý xem có dấu hiệu vi phạm pháp luật hành sự hay không để các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua. 

Tòa nhà dự án khu phức hợp nghỉ dướng Monarchy
Tòa nhà dự án  khu phức hợp nghỉ dướng Monarchy

Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu xử lý nghiêm!

Liên quan tới người dân sinh sống tại dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy block B, ông Dương Cao Cường, Phó Trưởng Công an phường An Hải Tây, quận Sơn Trà cho biết, 203 người nước ngoài đã thuê lại nhà từ chủ căn hộ và phần nhiều là người Hàn Quốc. Những người này đều có giấy tờ đầy đủ, nhập cảnh hợp pháp.

Trước ngày 2/2/2021, Công an phường An Hải Tây làm đăng ký tạm trú theo quy định của Luật Cư trú cho những người ở trong block B vì họ có biên bản bàn giao nhà, hợp đồng mua bán nhà và là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà. Tuy nhiên sau ngày 2/2, khi có thông báo của UBND quận Sơn Trà, công an phường không cho đăng ký tạm trú đối với các cư dân mới. Các chủ căn hộ cũng đã cam kết với phường về việc ngừng kinh doanh, không cho thuê nhà nữa, nhưng thực tế công an phường không có chế tài xử lý đối với việc cho thuê này.

Ngoài ra, từ ngày 27/9/2020 đến 14/5/2021, Công an phường An Hải Tây đã dán phạt nguội 151 trường hợp ô tô đậu đỗ không đúng quy định tại đây, trong đó 19 trường hợp đã nộp phạt.

Lý do việc đậu đỗ xe dẫn tới vi phạm này, theo Sở Xây dựng thông tin, block A của chung cư Monarchy (18 tầng) không bố trí đậu đỗ xe. Toàn bộ diện tích đậu đỗ xe 13.715 m2 xây dựng tại block B (34 tầng) để sử dụng cho toàn bộ hai block A và B. Khi tầng hầm để xe tại đây chưa thể đưa vào sử dụng do chưa được nghiệm thu, ô tô của cư dân phải để hết ở bên ngoài. 

Ở nội dung liên quan, ngày 25/5, Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND thành phố, Quận ủy Sơn Trà, Sở Xây dựng thành phố về xử lý thông tin liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy (Chung cư Monarchy, đường Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà).

Theo đó, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra thông tin về sai phạm tại chung cư này mà báo chí phản ánh. “Trường hợp nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm đúng theo quy định, báo cáo kết quả về Thường trực Thành ủy”, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng nêu.

Đọc thêm