Người nuôi cá tầm điêu đứng vì 1 văn bản của Viện Nghiên cứu hải sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng loạt hộ nuôi cá tầm cùng Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản, đơn thư yêu cầu cơ quan chức năng xem xét khẩn cấp hủy bỏ Công văn xác định mẫu cá tầm của Viện Nghiên cứu hải sản (Viện NCHS - Bộ NN&PTNT) ban hành.

Đơn thư có nội dung nghi ngờ Viện NCHS “tạo điều kiện cho nhiều lô giống cá tầm xuất xứ từ Trung Quốc dễ dàng vượt qua quy định nghiêm ngặt của CITES để nhập ồ ạt trong nước”.

Lực lượng chức năng kiểm tra một xe cá tầm Trung Quốc thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Lực lượng chức năng kiểm tra một xe cá tầm Trung Quốc thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Người nuôi cá tầm điêu đứng

Đơn phản ánh của 16 hộ nuôi cá tầm Lâm Đồng cho biết, thời gian gần đây họ phát hiện cá tầm có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập ồ ạt vào trong nước dù không đúng chủng loại do cơ quan CITES Việt Nam cấp.

Việc cho thông quan nhiều lô cá tầm này khiến giá bán cá tầm nuôi trong nước rớt thê thảm từ 190 ngàn đồng/kg vào thời điểm đầu năm, xuống chỉ còn trên dưới 100 ngàn đồng/kg thời điểm hiện tại. Nguyên nhân nhiều lô cá tầm từ cửa khẩu phía Bắc dễ dàng lọt vào trong nước là dựa trên một công văn giám định được cho là sơ sài với nhiều nghi ngờ về mặt chuyên môn của Viện NCHS ban hành.

Việc cho một lượng lớn cá tầm sai chủng loại nhập vào trong nước dẫn đến có dấu hiệu gian lận thương mại và vi phạm Công ước CITES. “Những người nuôi cá tầm đang phải gánh chịu thiệt hại lớn vì sự cạnh tranh không lành mạnh, giá thấp và chất lượng kém. Tình trạng này không chỉ đánh lừa người tiêu dùng với thương hiệu “cá tầm Việt Nam” mà còn tạo ra nguy cơ làm phá sản ngành nuôi cá nước lạnh non trẻ của Việt Nam”, đơn có nội dung.

Cùng quan điểm với người nuôi cá, theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng (Hiệp hội), việc nhập khẩu cá tầm có xuất xứ từ Trung Quốc trước đây diễn biến phức tạp nhưng đã lắng xuống trong một thời gian các lô hàng cá tầm nhập về trong nước được xác định loài cá tầm lai tạp, không phải là cá tầm Xibêri thuần chủng, không đúng quy định giấy phép của CITES Việt Nam cấp và không thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Hiệp hội này xác nhận, từ đầu tháng 12/2021, việc thông quan cá tầm có xuất xứ từ Trung Quốc tái diễn dựa trên Công văn xác định tên khoa học số 1497/VHS-NL ngày 3/2/2021 của Viện NCHS, trong đó cho rằng các loại cá đang được nhập từ Trung Quốc là cá tầm Xibêri thuần chủng.

Hiệp hội này cho rằng văn bản của Viện NCHS có nhiều sai sót, đang hợp pháp hóa cho hành vi gian lận thương mại, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm trái Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng và vi phạm Công ước CITES đã ký kết.

“Vì quyền lợi của người nuôi cá, chúng đề nghị làm rõ tính chính xác của kết quả giám định của Viện NCHS so với kết quả của một số cơ quan có chức năng giám định khác trước đó như Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Kiến nghị Bộ NN&PTNT khẩn cấp xem xét hủy bỏ Công văn của Viện NCHS, đồng thời đề nghị CITES Việt Nam thu hồi giấy phép đã cấp và tạm dừng việc cấp giấy phép nhập khẩu cho các công ty nhập khẩu cá tầm không đúng cho đến khi các hành vi vi phạm được xử lý”, Hiệp hội kiến nghị.

Kết quả xác định thiếu thuyết phục?

Theo tìm hiểu của PV, trước đó, trên cơ sở công văn yêu cầu trưng cầu giám định đối với mặt hàng cá tầm của Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, ngày 3/12/2021, Viện NCHS ban hành Công văn 1497/VHS-NL về việc xác định tên khoa học. Căn cứ kết quả giám định 3 mẫu cá thể cá tầm tươi, Viện NCHS cho ra kết quả 3 cá thể đều thuộc loài cá tầm có tên tiếng Việt là cá tầm Xibêri; tên khoa học Acipenser baerii Brandt, 1869; tên tiếng Anh là Siberian sturgeon.

Đáng chú ý, tại công văn này, Viện NCHS có nêu phương pháp giám định của Viện này sử dụng là phương pháp định loại dựa hình thái và đề cập tới hạn chế của phương pháp này khi chỉ cho phép xác định tên loài của mẫu vật mà không thể xác định được dòng lai và xuất xứ. Tuy nhiên, do phần trên của công văn xác định tên khoa học với nội dung như vậy nên có thể hiểu Viện NCHS đang xác nhận đây là loài cá tầm thuần chủng nằm trong danh mục CITES và nằm trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh của Việt Nam.

Theo hồ sơ thu thập của PV cho thấy, trước một ngày Viện NCHS ra công văn nói trên, Tổng cục Hải quan đã có Văn bản số 3161/HQLS-GSQL gửi cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Theo đó, cơ quan Hải quan cung cấp một thông tin đáng chú ý về lô cá tầm của một DN mà cơ quan này đã lấy 3 mẫu cá tầm của doanh nghiệp này gửi đi cùng lúc đến 2 cơ quan có chức năng giám định.

Kết quả cho thấy, nếu như Viện NCHS cho ra kết quả toàn bộ cá thể cá tầm đều thuộc loại cá tầm Xibêri thuần chủng (bằng phương pháp dựa hình thái), nhưng ngược lại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lại cho ra kết quả không phải loài cá tầm Xibêri thuần chủng (bằng phương pháp giải trình tự ADN).

Theo một số chuyên gia am tường về giám định lĩnh vực này, phương pháp xác định dựa hình thái của Viện NCHS thường không có độ chính xác cao và dễ phạm sai sót về mặt chuyên môn trong đánh giá. Hiện nay, việc xác định phân loại cá tầm chính xác, ngoài dựa vào hình thái còn phải sử dụng giải trình ADN và phương pháp đối chứng hình thái. Theo các chuyên gia, sự khác biệt về hình thái của cá tầm Xibêri thuần chủng và cá tầm từ Trung Quốc là rất lớn nên cần phải kiểm chứng tổng hợp bằng các phương pháp trên.

Được biết, trước khó khăn của các hộ nuôi cá tầm trong nước, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo một số cơ quan của bộ này vào cuộc để ghi nhận ý kiến của người dân từ đó có giải pháp xử lý kịp thời để bảo vệ ngành nuôi cá nước lạnh trong nước theo đúng quy định pháp luật.

PV cũng đã liên hệ với lãnh đạo Viện NCHS, cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam để làm rõ các kiến nghị của người nuôi cá, Hiệp hội và sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm