Rời Trung tâm TP Nha Trang khoảng 8 km, chúng tôi về làng mai Võ Dõng có tuổi đời trên 30 năm. Những ngày giữa tháng Chạp nhưng không khí có vẻ “trầm lắng, đìu hiu”, không còn cảnh nhà nhà tất bật chăm bón, tỉa lá, tỉa cành để mai kịp nở hoa xuất bán trong dịp Tết Nguyên Đán. Những người chơi mai, buôn mai cũng “vắng bóng” hẳn.
Ông Phạm Văn Tạo - người dân trồng mai lâu năm ở làng mai Võ Dõng buồn rầu, “trước đây mỗi dịp Tết đến tôi chuẩn bị khoảng 500 cây mai để cho ra thị trường đúng dịp phục vụ bà con chơi mai trên địa bàn tỉnh, thu nhập bình quân gia đình tôi thường trên 200 triệu đồng/năm, nhưng đến nay chỉ còn khoảng chừng 20 cây, may ra được 40 triệu đồng/năm. Thiết muốn bỏ nghề!
Các mảnh đất của tôi ở đây đều nằm trong quy hoạch của dự án, thành ra tôi đâu có dám làm nhiều, làm nhiều rồi đến khi họ lấy đất thì biết lấy đất đâu mà để, chăm bón mấy năm trời mà bán đổ bán tháo thì cũng đâu có được. Nhiều lúc ngồi suy nghĩ mà buồn cho làng mai, với tình hình này làng mai sẽ có nguy cơ mất đi”.
Những nỗi lo cố hữu của người nông dân khi không có đất sản xuất là họ sẽ sống bằng nghề gì, sống như thế nào trong những năm tháng tiếp theo. “Người nông dân chúng tôi sống nhờ vào đất, mà thu hồi hết đất rồi thì chúng tôi lấy gì mà làm ăn?. Như tôi, sống với nghề mai hơn 40 năm nay, giờ tuổi đã lớn, nếu không có đất để trồng mai thì biết lấy gì mà sống?”, ông Tạo trăn trở.
Vườn mai của gia đình ông Trần Anh Hải bị hư hại do mưa bão vừa qua |
Người dân ở đây cho biết, khoảng 5 năm trở về trước, chừng đầu tháng Chạp, vùng này nhộn nhịp lắm, vì khi đó còn rất nhiều nhà trồng mai, người trồng kẻ buôn cứ tấp nập, rộn rã khiến cho không khí Tết đến khá sớm. Nghề trồng mai khi ấy hưng thịnh lắm, nhưng bây giờ chỉ còn rất ít hộ bám trụ cây mai để sống, người hỏi mua cũng giảm hẳn. Ông Trần Anh Hải, người có thâm niên trong nghề trồng mai trên 30 năm và hộ trồng mai lớn ở làng mai Võ Dõng chia sẻ, ông theo nghề này từ khi còn trẻ. Mỗi vụ ông thường cho ra trên 5.000 cây mai để phục vụ cho dịp Tết đến xuân về, nhưng đến nay chỉ chừng 2.000 cây cho một vụ. Trước ông đi thuê đất để làm, nhưng hiện nay đất thuê cũng nằm trong diện quy hoạch dự án, sắp tới sẽ bị thu hồi nên ông không dám đầu tư trồng thêm mà đang cố gắng bán hết để trả lại đất cho dự án. “Bán hết mai tôi sẽ không theo nghề trồng mai nữa” – ông Dũng thở dài nuối tiếc.
Thị trường tiêu thụ mai trên địa bàn Khánh Hòa ngày càng trở nên khốc liệt bởi sự cạnh tranh của nhiều loại mai khắp các tỉnh đổ về như mai Bình Định, mai Miền Tây… giá thấp hơn mai địa phương. Thời tiết thất thường, mưa gió kéo dài dẫn đến chất lượng cây mai rất kém, nghề trồng mai trở nên khó khăn hơn, kèm theo đó diện tích đất thu hẹp dẫn đến nhiều người trồng bỏ nghề. Trước đây, khu vực này còn yên bình, chưa chịu sự tác động của các dự án, các thửa ruộng còn nguyên vẹn không bị xâm lấn thì khi mưa nước chảy xuống các ruộng trồng lúa, không chảy về các vườn mai như hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung cho biết, trước đây, cả làng mai Võ Dõng có khoảng 100 hộ sống bằng nghề trồng mai thì hiện nay chỉ còn 10 hộ. Một nguyên nhân lớn là từ năm 2016, khi các dự án Phúc Khánh 1, Phúc Khánh 2 thu hồi diện tích đất khá lớn, khiến quỹ đất bị thu hẹp, người trồng mai bắt đầu chuyển hướng đi làm các công việc khác. Mặt khác, năm 2017 – 2018, thời tiết diễn biến thất thường, mưa bão liên tục ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mai. Cùng với phải cạnh tranh với mai ngoại tỉnh, người trồng mai phải đầu tư giống mai chất lượng cao hơn, đòi hỏi kinh phí bỏ ra nhiều hơn nên nhiều người dân đã không mặn mà gì với nghề trồng mai nữa.
Trước thực trạng làng mai Võ Dõng đang có nguy cơ mai một, thực hiện theo chương trình khuyến khích của Hội nông dân, xã đã liên kết với ngân hàng tạo điều kiện cho bà con vay vốn để duy trì và phát triển nghề trồng mai. Qua đó, giữa năm 2015, xã thành lập tổ liên kết để trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ trồng mai. Qua 3 năm thực hiện bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, vì tính chất thuần nông nên quan niệm của người dân còn mang tính chủ nghĩa cá nhân, chưa hòa nhập để chia sẻ kinh nghiệm trồng giữa người này với người khác.