Người phụ nữ bị oan sai, qua hai thập niên vẫn… kêu cứu

(PLVN) - Một vụ kỳ án xảy ra cách đây 20 năm, dư âm vẫn còn âm ỷ kéo dài, còn nhiều uẩn khúc mà các cơ quan chức năng cần phải làm rõ.
Bà Phùng Thị Thu trình bày sự việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam
Bà Phùng Thị Thu trình bày sự việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam

Từ một doanh nhân “bỗng dưng” biến thành tội nhân

Đó là trường hợp của bà Phùng Thị Thu, ngụ tại xóm 4, thôn An Đông, xã An Bối, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bị kết án oan trong vụ án hình sự xảy ra tại TP Thái Bình cách đây 20 năm.

Theo đó, năm 1992 bà Phùng Thị Thu đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thành Công chuyên kinh doanh gia công, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, sau đó đổi thành Xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công. Ngày 28/12/1992, UBND tỉnh Thái Bình giao cho Xí nghiệp Thành Công 1.995m2 theo Quyết định số 516/QĐ–UB.

Ngày 30/11/1993 UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục giao 1.460m2 đất cho Xí nghiệp Thành Công tại km2, đường 10 (Phường Quang Trung, TP Thái Bình). Tổng diện tích đất mà UBND tỉnh đã giao cho Xí nghiệp Thành Công là 3.455m2 và các quyết định trên đều được gia hạn thêm 3 năm.

Theo thông tin và chứng từ kế toán bà Thu cung cấp, từ năm 1996 - 1998 các hoạt động sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp Thành Công luôn có lãi từ 02% - 15% trên tổng doanh thu, hợp đồng ký kết trực tiếp với đối tác nước ngoài được thực hiện thuận lợi, từ đó Xí nghiệp đã tạo được công ăn việc làm cho gần 1000 lao động và đào tạo miễn phí cho những lao động là con em thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Với những thành tích đạt được trong hoạt động kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, bà Phùng Thị Thu trở thành doanh nhân điển hình của tỉnh trong thời điểm đó.

Trước đây, để có vốn kinh doanh cũng như xây dựng xưởng sản xuất và mua các thiết bị máy móc, Xí nghiệp Thành Công do bà Phùng Thị Thu làm giám đốc đã làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Công thương tỉnh Thái Bình (tiền thân của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Thái Bình hiện nay) với số tiền là 3.571.000.000 đồng có thế chấp tài sản theo 19 khế ước.

Công việc trả nợ cho Ngân hàng của Xí nghiệp Thành Công vẫn được thanh toán đầy đủ hàng năm theo thỏa thuận, tính đến ngày 30/9/1998, Xí nghiệp Thành Công đã trả nợ gốc là 1.799.884.000 đồng cho Ngân hàng Công thương.

Bên cạnh đó, theo Biên bản định giá tài sản được lập vào ngày 15/6/1995 thì tài sản thế chấp của Xí nghiệp Thành Công là 3.450.777.000 đồng (bao gồm đất, nhà xưởng, thiết bị máy móc…) và các tài sản không thế chấp Ngân hàng có giá trị gần 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên ngày 02/10/1998, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và ra lệnh bắt tạm giam bà Phùng Thị Thu để điều tra với 05 tội danh: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Sau đó VKS nhân dân tỉnh Thái Bình ra cáo trạng truy tố bà Phùng Thị Thu 2 tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Từ đó, bà Phùng Thị Thu đang là doanh nhân thành đạt và có uy tín tại Thái Bình bỗng trở thành “tội nhân” để sau này còn nhiều điều oan ức còn “âm ỉ” mãi tới bây giờ.

VKSND tỉnh Thái Bình
VKSND tỉnh Thái Bình

Ngày 25/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và Bản án số 171/HSST tuyên phạt bà Phùng Thị Thu 15 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” và 01 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Sau đó bà Phùng Thị Thu có đơn kháng cáo bản án và kêu oan tới các cấp, ngày 22/08/2000, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa vụ việc của bà Phùng Thị Thu ra xét xử và Bản án số 1605 đã tuyên bà Thu không phạm tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật” (qua giám định: quả lựu đạn là giả, sử dụng cho dân quân luyện tập), đồng thời hủy bản án sơ thẩm mà TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên bà Thu về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”.

Tuy nhiên, thời gian này bà Thu vẫn bị tạm giam để các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình tiếp tục điều tra nhưng không thể chứng minh được hành vi phạm tội của bà Thu. Mãi đến ngày 08/3/2002 bà Thu mới được trả tự do sau 3 năm 6 tháng bị giam cầm trong oan ức.

Mặc dù được trả tự do, nhưng đến 02/3/2004 Viện KSND tỉnh Thái Bình ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 09/KSĐT đối với bà Phùng Thị Thu do Phó Viện trưởng – Hoàng Văn Vĩnh ký và Quyết định đình chỉ vụ án hình sự số 01/KSĐT ngày 13/3/2008 do Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình ký, khi đó bà Phùng Thị Thu mới thực sự được trả lại sự trong sạch.

Ngang nhiên phát mại tài sản khi chưa có phán quyết của tòa

Trong quá trình bà Phùng Thị Thu bị bắt tạm giam 06 tháng để điều tra các tội danh mà Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Thái Bình truy tố thì ở ngoài đã xảy ra một việc “động trời” được thực hiện bởi UBND tỉnh Thái Bình và Viện KSND tỉnh Thái Bình đối với những tài sản mà Xí nghiệp Thành Công đang sở hữu.

Cụ thể, ngày 10/6/1999 tức là trước khi TAND tỉnh Thái Bình đưa vụ việc ra xét xử, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã ra Văn bản số 521/KSĐT – KT và Văn bản số 522/KSĐT - KT do ông Trần Xuân Vị - Phó Viện trưởng ký cho phép Ngân hàng Công thương định giá tài sản và tiến hành phát mại.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã ra Công văn số 559/CV – UB do ông Hoàng Đình Thạch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký có ghi rõ: “Cho phép các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua tài sản: Nhà xưởng, vật kiến trúc trên diện tích đất Xí nghiệp may Thành Công được thuê đất để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh theo quy hoạch của UBND tỉnh”.

UBND tỉnh Thái Bình
UBND tỉnh Thái Bình

Như vậy, việc điều tra đối với bà Phùng Thị Thu vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa có phán quyết của TAND mà UBND, VKSND tỉnh Thái Bình đã ngang nhiên đưa tài sản hợp pháp của bà Thu để tiến hành phát mại.

Trong khi thời hạn vay nợ, thế chấp tài sản chưa hết hạn bởi lẽ ngày 05/9/1995, Ngân hàng đã chuyển các khoản vay của Xí nghiệp Thành Công từ ngắn và trung hạn sang dài hạn có thời gian lên tới 25 năm (1995 - 2020).

Quay lại vụ án của bà Phùng Thị Thu, sau khi TAND cấp cao hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình, đồng thời bà Phùng Thị Thu được trả tự do sau 3 năm 6 tháng bị giam cầm oan ức.

Việc bị tù oan, khiến cho bà Thu và gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn, vợ chồng ly tán, con cái bệnh tật, ốm đau. Vụ án oan của bà Phùng Thi Thu như “kêu thấu trời xanh”, Viện trưởng Viện Kiển sát tối cao đã có công văn gửi Viện KSND tỉnh Thái Bình yêu cầu giải quyết đền bù oan sai và công khai xin lỗi đối với bà Phùng Thị Thu.

Ngày 30/11/2010 bà Phùng Thị Thu được tiến hành bồi thường thiệt hại theo số 762/QĐ –VKS với số tiền là hơn 300 triệu đồng, tiếp tục đến năm 2012 bà Thu được bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất theo Quyết định số 09/QĐ – VKS với số tiền là hơn 900 triệu đồng.

Mọi việc không có gì đáng nói nếu trước khi bị kết án, các tài sản của Xí nghiệp Thành Công mà bà Phùng Thị Thu làm chủ sở hữu đã bị phát mại, việc này đã gây thiệt hại lớn cho bà Thu, điều này cũng không được Viện KSND tỉnh Thái Bình đề cập đến, thậm chí cho đến nay việc này vẫn không biến chuyển.

Bà Thu bức xúc: “Tôi được minh oan thì Viện KSND tỉnh Thái Bình phải có trách nhiệm thương lượng và giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho tôi. Tuy nhiên họ luôn né tránh, không giải thích, hướng dẫn để tiến hành bồi thường các thiệt hại của Xí nghiệp Thành Công”.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Báo PLVN, ông Nguyễn Anh Đức – Chánh văn phòng Viện KSND tỉnh Thái Bình cho biết: “Vụ việc đã được Viện KSND tỉnh Thái Bình báo cáo Viện KSNDTC theo Công văn chỉ đạo số 8947 ngày 05/3/2019 của Văn phòng TƯ Đảng yêu cầu báo cáo toàn bộ quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, vụ án này TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên nên trách nhiệm giải quyết lúc đó thuộc về tòa án. Viện KSND tối cao vẫn yêu cầu VKSND tỉnh Thái Bình phối hợp với tòa án để tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường”.

Vụ việc trên khiến dư luận hết sức băn khoăn và khó hiểu rằng vì sao, UBND tỉnh Thái Bình, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã căn cứ vào đâu mà vội vàng tiến hành phát mại tài sản và tài sản thế chấp Ngân hàng của Xí nghiệp may Thành Công do bà Phùng Thị Thu làm chủ sở hữu?

Theo luật sư Nguyễn Huy An – Trưởng VP Luật sư Huy An cho rằng: “Việc UBND tỉnh Thái Bình, VKSND tỉnh Thái Bình tiến hành phát mại tài sản, trong trường hợp tài sản đó có là tang vật vụ án thì bên nào tiến hành phát mại thì bên đó phải chịu trách nhiệm”.

Có thể nói vụ án oan sai của bà Phùng Thị Thu là một kỳ án đã kéo dài hai thập niên, còn rất nhiều câu hỏi cần phải được các cơ quan có liên quan đến vụ việc giải thích tường tận để làm rõ bản chất của vụ việc.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần sớm vào cuộc làm rõ kỳ án này để tiến hành xác mình làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân gây nên vụ án cho bà Thu. Đồng thời có biện pháp sớm khắc phục những thiệt hại mà bà Phùng Thị Thu và Xí nghiệp may Thành Công phải hứng chịu.

Đọc thêm