Người Sài Gòn nhớ mùa thu Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sài Gòn mùa này, sau những cơn mưa dai dẳng, trời bắt đầu mát dịu vào thu. Giữa mùa thu Sài Gòn, người Sài Gòn nao nao nhớ mùa thu Hà Nội...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tình ca Hà Nội nơi góc phố Sài Gòn

Dẫu nức tiếng khí hậu ôn hòa, bốn mùa không quá khác nhau, mùa hè không quá nóng và đông đến thì không rét căm, nhưng Sài Gòn lại không thể có được mùa thu đầy chất thơ như ở Hà Nội.

Những ngày thu Sài Gòn, có khi trời âm u, cũng có lúc oi bức, khi mưa rào mưa giông. Khó lòng mà có được cái mát dịu se lòng, hương hoa sữa thoang thoảng và nhất là những góc phố cổ kính thơ thơ làm nên mùa thu Hà Nội. Thế cho nên, giữa thu Sài Gòn, người Sài Gòn vẫn nao nao nhớ mùa thu Hà Nội với những cảm xúc đẹp đã lưu giữ trong lòng khi một lần đến và trót thương.

Đâu đó, những ngày này, trong những quán cà phê góc phố Sài Gòn, chợt vang lên những khúc hát mùa thu Hà Nội. “Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu/ Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió/ Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua” (Nhớ mùa thu Hà Nội - Trịnh Công Sơn).

Ngồi nhâm nhi ly cà phê trong quán vắng Guta ở góc Mạc Đĩnh Chi - Nguyễn Văn Thủ, anh Hoàng Anh Tú, nhân viên đồ họa một công ty truyền thông chia sẻ, anh yêu cầu mở bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội để tìm cho mình chút lắng đọng giữa công việc ồn ã, phố thị ồn ào.

“Tôi ra Hà Nội vào mùa thu lần đầu là năm 2018, ngẩn ngơ luôn. Thuộc thế hệ 9x nên thực sự tôi không biết nhiều những bài hát viết về thu Hà Nội trước đây, cũng không đọc quá nhiều những áng văn viết ca ngợi vẻ đẹp mùa thu Hà Nội. Chỉ mang máng nghe là mùa thu Hà Nội đẹp lắm. Nhưng khi lần đầu chạm đến, tôi thấy còn đẹp hơn trong hình dung của mình nhiều.

Tôi đã dành rất nhiều buổi sáng để ngồi uống cà phê dưới một gốc cây già ven đường, nhìn người qua lại. Những người đàn bà chở hoa dọc phố. Những mẹt cốm xanh vỉa hè. Cả bầu trời trong vắt và mát dịu. Cái không khí chậm rãi và cổ kính của phố phường làm tôi như lạc vào một khoảng không gian, thời gian khác.

Từng nhủ lòng nhất định sang năm sẽ quay lại, vậy mà vướng phải nhiều năm dịch bệnh. Năm nay công việc chưa ra Hà Nội thưởng thu được, nên tìm góc phố vắng, nghe bài hát về mùa thu Hà Nội, coi như đỡ nhớ mong, cũng là động lực cho mình hoàn thành công việc sớm để bay đến với “người thương” ngoài ấy”.

Vẻ đẹp mùa thu Hà Nội gây tương tư cho người Sài Gòn. (Ảnh Nguyễn Đăng Nghĩa)

Vẻ đẹp mùa thu Hà Nội gây tương tư cho người Sài Gòn. (Ảnh Nguyễn Đăng Nghĩa)

Còn anh Nguyễn Hải Vân, chủ quán cà phê Mộng ở Gò Vấp, TP.HCM thì là một “fan” của mùa thu Hà Nội lẫn âm nhạc của Phú Quang. Anh Vân có 3 năm từng công tác ở Hà Nội, sau đó chuyển lại vào Sài Gòn, nghỉ việc, ra mở quán cà phê.

Quán của anh mang cái chất rất Hà Nội, nằm trong một con hẻm nhỏ, vắng, nhiều cây xanh. Quán theo phong cách cổ kính với tường nâu vàng, những bộ bàn ghế gỗ cũ, không gian trầm với khung cửa sổ nhiều nắng thường được bày biện hòa theo mùa. Mùa này, trên bệ cửa sổ thường có hoa sen hay cúc họa mi. Trên những bức tường của quán treo những bức tranh rất thơ, đó là những tấm ảnh anh chụp những góc thu Hà Nội trong những năm tháng còn công tác ngoài ấy. Có gánh hàng hoa, có hồ Gươm xanh ngắt, có hồ Tây lảng bảng, có một góc phố âm trầm...

Ghé quán cà phê của anh, khách hay được nghe nhạc của Phú Quang. Với anh Vân, âm nhạc Phú Quang luôn làm anh gợi nhớ đến mùa thu Hà Nội, đến những kỉ niệm về Hà Nội mà anh trót gắn bó, trót yêu. “Em ơi Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm...”. Khách đến, không ồn ào, chỉ ly cà phê đen đá, góc quán lặng lẽ, và khói thuốc thả lên trời. Ở nơi đây có một khung trời rất thu Hà Nội.

Đâu đó, giữa lòng phố thị Sài Gòn ồn ã, những bài tình ca thu Hà Nội lặng lẽ vang lên. Như một nốt trầm giữa phố thị. Như lòng nhớ nhung của những người Sài Gòn mơ mộng hướng về Hà Nội, về Hà Nội mùa thu.

Sài Gòn đem thu Hà Nội vào tranh

Ngày 1/10 vừa qua, tại TP HCM đã khai mạc buổi triển lãm tranh của họa sĩ Đặng Quý Khoa, người thầy gắn bó với bao thế hệ học trò trong Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng... và cũng là họa sĩ thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương cùng lứa với các họa sĩ nổi tiếng như: Vũ Giáng Hương, Lê Thiệp, Phạm Công Thành, Nguyễn Ngọc Thọ... Triển lãm kéo dài tới hết ngày 15/10 tại The World ArtSpace (21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP HCM).

Những người yêu tranh đã trầm trồ trước bộ sưu tập tranh đồ sộ được trưng bày tại buổi triển lãm với 85 trong số gần 200 tác phẩm của họa sĩ đa tài Đặng Quý Khoa, được phân chia theo các mảng đề tài phong phú. Trong số những bức tranh lụa tuyệt đẹp ấy, chiếm không nhỏ là những sáng tác về phong cảnh, về sinh hoạt đồng bằng Bắc Bộ.

Mùa thu Hà Nội hiện lên trong tranh họa sĩ Đặng Quý Khoa cũng đẹp đến nao lòng. Đó là cảnh sinh hoạt gia đình, đi chợ tết, hát xẩm trên phố cổ Hà Nội, đi lễ chùa, rước đèn Trung thu... qua các bức tranh “Hát xẩm”, “Trung thu”, “Bên Hồ Gươm” (lụa), “Chợ quê”, “Cổng chùa Kim Liên”...

Những tác phẩm hội họa của người họa sĩ Hà Nội xa quê không chỉ chinh phục cảm xúc người xem bằng tài năng trác tuyệt, mà còn bởi tình yêu Hà Nội thấm đẫm trong từng nét cọ. Khiến người xem ngẩn ngơ, say đắm như đang lạc vào giữa mùa thu Hà Nội.

Một bức tranh trong bộ “Chút tình gửi phố” của họa sĩ Hoàng Phong.

Một bức tranh trong bộ “Chút tình gửi phố” của họa sĩ Hoàng Phong.

Nhắc đến tranh vẽ thu Hà Nội, người Sài Gòn cũng sẽ nhớ ngay đến Hoàng Phong, một họa sĩ còn rất trẻ, sinh năm 1987, là họa sĩ tự do tại TP HCM. Năm 2021, đúng vào thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, Hoàng Phong công bố bộ tranh “Chút tình gửi phố” với hàng loạt sáng tác bằng màu nước về mùa thu Hà Nội. Tác phẩm gồm 28 bức tranh về những góc phố ở Hà Nội đã được thực hiện từ cuối năm 2017 đến thời điểm ấy.

Với nét vẽ phóng khoáng mà tỉ mỉ, cùng cảm xúc sâu lắng với Hà Nội, bộ tranh đã chạm được trái tim nhiều người. Xem tranh, người ta như thấy một Hà Nội sống động, như chạm được từng ánh nắng, hòa vào âm thanh, thưởng thức được hương vị của Hà Nội mùa thu. Những hàng quán ven đường, một góc phố với ngôi nhà cổ kính, Phố Phùng Hưng giao Hàng Mã, Chợ hàng Bè, ngõ Cầu Gỗ... hiện lên trong tranh với vẻ đẹp lung linh của niềm nhớ.

Họa sĩ Hoàng Phong đã tâm sự: “Tôi vẽ tranh bằng cảm xúc và góc nhìn của một người con miền Nam để phác hoạ lại, lưu giữ cái tình trong từng góc phố và xin gói ghém toàn bộ tình cảm gửi cho Thủ đô... Mãi đến tầm năm 2017 tôi mới có dịp ra Hà Nội lần đầu, cũng từ đó, Hà Nội đã hớp hồn tôi.

Tình yêu tôi dành cho Hà Nội không đến từ cái nhìn của người khác hay qua thơ văn mà nó xuất phát từ cảm xúc đậm chất chủ quan. Tôi yêu những buổi sáng tinh mơ hoặc thời điểm sau mười giờ đêm, phố phường Hà Nội khi đó thật tĩnh lặng và thanh bình. Kể từ giây phút “phải lòng” Hà Nội, năm nào tôi cũng ra Hà Nội, muốn cảm nhận cho hết, cho đã cái thay đổi của tiết trời từng mùa. Ngắm từng loài hoa đặc trưng của 12 mùa hoa”.

Cho đến nay, bộ tranh của Hoàng Phong vẫn rất được yêu thích bởi những người Sài Gòn yêu Hà Nội. Thậm chí, còn được gọi đùa là “đặc sản Hà Nội” của người Sài Gòn.

Hà Nội hay Sài Gòn, cách xa nhau hàng ngàn cây số, nhưng luôn kết nối với nhau bởi dòng máu, bởi những yêu thương, bởi những sợi dây cảm xúc. Mùa thu Hà Nội gây xuyến xao, nhớ nhung cho người Sài Gòn. Và ở hai đầu nỗi nhớ, người ta kết nối với nhau bằng âm nhạc, bằng hội họa, bằng thơ, bằng những món quà và cả những lời hẹn gặp. Nói cho cùng, có thể thỏa nỗi nhớ bằng hai tiếng đường bay...