Đa dạng hóa các loại hình phổ biến, giáo dục pháp luật
Tham gia công tác tư pháp trong điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên chị Loan xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Chị luôn trăn trở “các văn bản pháp luật muốn đến được với người dân, cán bộ và nhân dân có nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thì đầu tiên phải làm tốt công tác PBGDPL…”.
Chị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tốt các văn bản pháp luật mới đến toàn thể cán bộ, công chức, thanh, thiếu niên và nhân dân trên địa bàn, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, các cơ sở thôn tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật.
Trong thời gian công tác, chị đã tham mưu cho lãnh đạo UBND xã tổ chức triển khai trên 76 hội nghị tuyên truyền miệng các văn bản pháp luật với trên 15.000 lượt người nghe, nổi bật lên là công tác lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tham mưu tổ chức 9 hội nghị, lấy 2.166 ý kiến tham gia vào Dự thảo, trực tiếp làm báo cáo viên 8 hội nghị triển khai Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đến đảng bộ, chính quyền và từng thôn, khu dân cư xã Nam Bình.
Qua đó, người dân hiểu được nghĩa vụ của mình đối với việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt đối với chế định “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Xã Nam Bình có 6 ngôi chùa tọa lạc trên 6 thôn, hàng năm chị Loan đều tham mưu cho chính quyền xã lồng ghép các buổi PBGDPL qua các hình thức: sân khấu, lễ hội, sân chơi “Làng văn hóa”… qua đó đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật, lựa chọn các đối tượng tuyên truyền giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Xứng đáng là “gương sáng”
Hàng năm, chị đều tham mưu xây dựng, thực hiện Kế hoạch công tác quản lý nhà nước về công tác quản lý hộ tịch, rà soát thẩm định ban hành văn bản, kiểm soát thủ tục hành chính, hòa giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Là địa phương có dân số gần 7.000 người, trong đó có gần 1/4 ở lứa tuổi thanh, thiếu niên nên chị rất chú trọng, tích cực tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy, hôn nhân và gia đình, hộ tịch… cho bộ phận thanh, thiếu niên, qua đó cũng hạn chế tình trạng tảo hôn, nâng cao hiệu quả của công tác đăng ký hộ tịch tại cơ sở, hạn chế tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn...
Tủ sách pháp luật do chị quản lý hiện nay có trên 300 đầu sách, trong đó có gần 150 văn bản pháp luật mới, hàng ngày những nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân trong xã đều được chị phục vụ tận tình và chu đáo. Chỉ tính riêng năm 2013 và năm 2014, Tủ sách pháp luật xã Nam Bình đã phục vụ trên 1.000 lượt tra cứu.
Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm chị phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã tiến hành rà soát, kiện toàn số lượng, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tổ viên tổ hòa giải và khả năng đáp ứng nhu cầu công tác. Trong năm 2014, chị tiến hành hòa giải thành 100% vụ việc, không có việc nào phải chuyển lên cấp có thẩm quyền.
Một điều còn trăn trở đối với chị là năm 2014, xã Nam Bình chưa đủ điều kiện để công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo chị, đây là một nhiệm vụ mới, nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, ngoài công tác đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì cần phải đi đôi với nhiệm vụ duy trì địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Trong năm 2015, chị tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND xã duy trì thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt chuẩn, tham mưu đề xuất các giải pháp để thực hiện những chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn.
Với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình trong công tác cùng sự nỗ lực của bản thân cán bộ tư pháp – hộ tịch Ngô Thị Hồng Loan, công tác tư pháp xã Nam Bình đã đạt hiệu quả cao trên các lĩnh vực. Hàng năm, chị đều được Sở Tư pháp, UBND, Chi cục Thi hành án dân sự huyện tặng Giấy khen.
Không chỉ “giỏi việc nước”, với gia đình chị còn là người phụ nữ “đảm việc nhà”. Cho dù công việc luôn bận rộn, con còn nhỏ nhưng chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nuôi dạy con ngoan, học giỏi, hiếu thảo. Chị xứng đáng là một “Gương sáng” của ngành Tư pháp.