Từ một gia đình hạnh phúc, thu nhập ổn định, con cái đề huề. Bỗng một ngày, người chồng thay đổi tâm tính lần lượt dọn đồ đạc trong nhà để đem ra đốt. Điều kì lạ, người vợ cũng không phản đối mà lại tích cực cùng chồng đốt sạch đồ đạc “cho vui”. Những câu chuyện kỳ dị đã khiến người dân hết sức khó hiểu. Khi được người thân và chính quyền địa phương động viên đi khám bệnh, hai vợ chồng gặt phăng đi và khẳng định mình… bình thường.
Trở chứng sau biến cố cha mẹ con cái tranh chấp đất
Vài năm trở lại đây, người dân ở ấp 3, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nhiều phen hốt hoảng khi chứng kiến tình trạng trên của cặp vợ chồng lạ đời. Đó là gia đình của ông Nguyễn Văn Trưng (41 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Tím (42 tuổi).
Vợ chồng ông Trưng là dân cố cựu lâu đời ở xã nghèo này. Khoảng 5 năm về trước, gia đình của họ còn đầm ấm, hạnh phúc với hai đứa con trai. Ông Trưng làm nghề sửa xe gắn máy, còn vợ thì buôn bán ngoài chợ. Tính tình cần cù, cẩn thận, tiệm sửa xe của ông Trưng luôn đắt khách. Cuộc sống gia đình cũng từ đó khấm khá hơn.
Còn người vợ ngày đó cũng được người dân trong vùng khen ngợi hết mực. Bà Nguyễn Thị Ngọc Vàng, một hàng xóm lâu năm của hai vợ chồng trên cho biết: “Trước đây họ vẫn thể hiện là những con người bình thường, nhưng rồi không hiểu vì lý do gì mà lại bất bình thường như thế”.
Cuộc sống hạnh phúc, êm đềm không được bao lâu thì vợ chồng ông Trưng gặp phải biến cố lớn. Trước khi chuyển đến nơi ở hiện tại, hai vợ chồng ông Trưng sống sống trong một ngôi nhà nhỏ được cha mẹ vợ cho ở gần ủy ban xã Ba Sao.
Sau đó, vì mâu thuẫn với gia đình nên hai vợ chồng bị cha mẹ lấy lại mảnh đất. Cả gia đình dắt díu nhau dọn đến dựng nhà sống tạm trên một mảnh đất ruộng, cách nhà cũ chưa đầy 1 cây số. Hai vợ chồng tiếp tục nghề cũ.
Nhưng từ khi chuyển nhà đến nơi khác, tiệm sửa xe của ông ngày càng vắng khách dần. Cuộc sống lâm vào khó khăn, túng thiếu.
Rồi một ngày, người dân ở đây kinh ngạc thấy vợ chồng ông Trưng ngày ngày tháo dỡ từng bộ phận ngôi nhà gỗ mình đang sống để... đốt bỏ. Bà Nguyễn Thị Ánh (43 tuổi), chị ruột của bà Thím lắc đầu ngao ngán nhớ lại:
“Có ai biết chuyện gì xảy ra với vợ chồng nó đâu. Tự nhiên thằng em rể tôi trở chứng gom hết đồ đạc, vô tuyến, nồi cơm điện, xoong chảo, quạt máy… ra ngoài sân chất thành đống để đốt. Lúc đầu không ai để ý lắm, cho đến khi thấy sân nhà nó ngày nào cũng đỏ lửa thì người dân mới hoảng hồn biết chuyện.
Lạ đời là vợ nó không ngăn cản chồng mà lại đồng tâm hiệp sức với chồng để đốt nhà. Hai đứa đốt triền miên từ ngày nay qua ngày nọ. Đến lúc không còn gì trong nhà để đốt, chúng lại cưa cột nhà, gỡ từng bộ phận của ngôi nhà xuống để đốt”.
Đến 3 chiếc xe máy, là tài sản quý giá mà trong thời làm ăn khấm khá kiếm được, hai vợ chồng cũng tháo dần rồi đem đốt.
Thấy cuộc sống của hai vợ chồng càng lúc càng lâm vào cảnh nghèo khổ, nhiều người dân thương tình đem đồ đạc tới cho. Một số người khác lại cho thức ăn để họ sống qua ngày. Thế nhưng đáp lại tấm lòng đó, hai vợ chồng lại “báo đáp” bằng cách đem ra… đốt tiếp.
Người chị ngao ngán: “Những lúc có chồng nó ở nhà thì đồ ăn người ta cho là nó liệng hết xuống sông. Khi không có nó, vợ nó mới dám nhận, cũng vì đói quá và thương con nữa. Gia đình hai bên cũng giúp nó nhiều lắm, có vậy thì cả nhà nó mới trụ được đến bây giờ”.
Sau khi đốt sạch sành sanh hết mọi thứ, hai vợ chồng lạ đời tự tay xây một căn nhà nhỏ rộng 8m2. Cả gia đình 4 người chen chúc trong căn nhà nhỏ như cái hộp.
Người địa phương nhận xét: “Phải ở nhà như vậy để hai vợ chồng nó không đốt nữa, chứ có bao nhiêu đồ đạc bị nó đốt rụi hết rồi còn đâu. Cái hộp bé xíu kia chỉ đủ cho cả nhà 4 người nó ngủ, ngoài ra mọi hoạt động khác đều diễn ra ở trước sân. Nhìn cả gia đình mà trông đến tội nghiệp”.
Quậy tưng bừng bệnh viện để đưa vợ sinh non về
Dù có những biểu hiện lạ đời như thế, nhưng ông Trưng luôn nói thần kinh mình… bình thường. Người vợ cũng “một lòng” theo chồng, cả hai người mặc dù được người thân khuyên nhủ đi khám bệnh nhưng luôn lắc đầu từ chối.
|
Người chị của bà Tím lo lắng không biết vợ chồng em mình sẽ tiếp tục có những “hành động lạ” gì trong thời gian tới?. |
Chị bà Tím cho biết: “Từ lúc hai vợ chồng nó có biểu hiện lạ như vậy, tụi nó cũng thôi tiếp xúc với người bên ngoài. Đôi khi chúng chỉ nói vài ba câu với người thân, còn hễ người ngoài bắt chuyện là chúng bỏ đi, không một lời đáp lại.
Cuộc sống của vợ chồng nó như tách biệt với thế giới bên ngoài. Gia đình hai bên nội ngoại cũng không hiểu nguyên nhân vì sao lại như thế nữa. Chính quyền địa phương cũng nhiều phen vất vả, vận động đi khám bệnh nhưng nó đều lắc đầu, chửi đổng rồi bỏ đi”.
Đốt hết đồ đạc trong nhà, vợ chồng ông Trưng lại cặm cụi đi đào đất từ bên này ruộng mang sang đường đổ. Ròng rã hàng tháng trời, người địa phương ngày nào cũng thấy họ lọ mọ đào đất.
“Nó làm từ sáng sớm, đến tận chiều. Có lúc ban đêm cũng thấy nó đào đất. Nhiều lúc nhìn chúng cũng thấy tội nghiệp, nhất là hai đứa con nhỏ, thiếu ăn thiếu mặc. Mỗi ngày, chúng đều thất thểu đi đến những nhà dân xung quanh để xin ăn. Cha mẹ thì chẳng mấy khi nấu cho con được một bữa”, người chị lắc đầu ngao ngán cho biết.
Ngày 25/11 vừa qua, bà Tím đang mang thai thứ 7 thì bị đau bụng. Ông Trưng chở vợ đến bệnh viện huyện để khám bệnh. Do sức khỏe của người vợ suy yếu trầm trọng nên bệnh viện quyết định chuyển lên bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM).
Vì tình hình nguy cấp, nên các bác sĩ ở đây đã quyết định mổ lấy đứa bé gái trong bụng mẹ chưa đầy 7 tháng tuổi để cứu cả hai mẹ con. Nhập viện chưa tròn được một ngày, ông Trưng tức tốc bắt xe lên Sài Gòn, tìm đến phòng vợ nằm rồi quậy tưng bừng.
“Nó vào phòng vợ nằm rồi quát um lên rằng vợ nó không bị gì hết. Tự nó biết cách chăm sóc cho vợ. Bác sĩ tới khám nó cũng đuổi đi không cho đụng đến. Vợ nó sinh mổ chưa được tròn ngày, vậy mà nó cũng lôi dậy đưa đi cho được.
Vừa về tới nhà nó lại mượn xe gắn máy chở vợ quay ngược lại đi Long An tìm “thầy” để chữa bệnh. Cả nhà tôi đến quay cuồng với nó”.
Hiện đứa con sinh non nặng 1,4 kg của họ đang được nuôi trong lồng kính. Tính mạng đươc giao hẳn cho các bác sĩ, còn ông Trưng thì vẫn mãi miết với hành trình đưa vợ đi tìm thầy trị bệnh.
Suốt những năm qua, với biểu hiện lạ đời, những tin đồn thất thiệt từ đó cũng được lan truyền khắp nơi. “Người ta đồn là nó bị ma nhập nên mới bị như vậy. Có người lại nói lúc trước nó có vợ bé bên ngoài rồi bỏ người ta nên bị người ta bỏ bùa.
Vợ chồng nó thì còn đỡ, chứ hai đứa con, đứa mới lên 10, đứa lên 5 thì còn cả tương lai trước mắt, cứ như vậy hoài thì ai chăm sóc dạy dỗ cho chúng đây”, người chị buồn rầu tâm sự.
Nhiều người dân địa phương đặt vấn đề, trường hợp vợ chồng này càng ngày càng có dấu hiệu của bệnh tâm thần, nhưng vẫn không tự nguyện đi khám chữa bệnh, chẳng lẽ chính quyền lại bất lực, để họ có thể gây ra những nguy hiểm cho cộng đồng dân cư?
Trả lời vấn đề này, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, luật không bắt buộc đưa người tâm thần đi chữa bệnh (trừ các trường hợp bị can, bị cáo, người đang thi hành án). Tuy nhiên nếu xét thấy các đối tượng có thể gây ra hiểm họa cho xã hội, kể cả người thân các đối tượng không yêu cầu, chính quyền địa phương vẫn có thể làm hồ sơ đưa các đối tượng đi điều trị.
Thông thường, hồ sơ xin đi chữa bệnh tâm thần gồm Đơn, Sơ yếu lí lịch (có xác nhận của UBND cấp xã nơi đối tượng đăng ký hộ khẩu thường trú, có dán ảnh), 4 ảnh 4x6, Giấy khai sinh bản sao, Sổ hộ khẩu bản sao công chứng, Giấy xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về tình trạng tâm thần hoặc bệnh án của bệnh viện, Bản cam kết đóng góp đầy đủ kinh phí của gia đình, người giám hộ.