Cách đây tám năm, năm 2010, tại cuộc thi Gương sáng Tư pháp do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, người viết bài này đã có dịp viết về ông như một gương sáng của ngành Tư pháp. Và ngay từ thời điểm đó cho đến tận bây giờ, tôi luôn biết rằng mình không chọn nhầm nhân vật để viết, bởi chưa bao giờ tôi thấy niềm say mê dập tắt trên gương mặt của ông, mỗi khi ông lên lớp với môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh suốt 20 năm nay.
Cơ duyên đến với môn học thú vị
Ông trò chuyện với tôi trong một buổi chiều cuối năm 2018, khi dư âm của giải thưởng cho cuốn sách chuyên khảo“Tư tưởng Hồ Chí Minh – Nhận thức và vận dụng” vẫn còn náo nức; và đi kèm theo đó là những ấp ủ, dự định cho một cuốn sách mới mang tên “Hồ Chí Minh – Những sáng tạo lý luận”.
“Như vậy là trong gần 20 năm theo đuổi môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi đã viết được một số cuốn sách như: sách tham khảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh – một số nhận thức cơ bản” xuất bản năm 2009, sách chuyên khảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh – Nhận thức và vận dụng” xuất bản năm 2013 và liên tục tái bản; dự định cuối năm 2019 sẽ hoàn thành cuốn “Hồ Chí Minh – Những sáng tạo lý luận”, ông cho biết.
Có một thực tế rằng, Tư tưởng Hồ Chí Minh là một môn học khó và ít thu hút được sinh viên say mê học tập, nghiên cứu. Vậy tại sao lại có một người thầy say mê đến vậy và sách của ông liên quan đến môn học cũng luôn được sinh viên tìm đọc? Câu hỏi này chỉ có thể trả lời bằng chính câu chuyện của PGS. TS Nguyễn Mạnh Tường về cơ duyên ông đến với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vốn là giảng viên môn Triết học, đã từng tốt nghiệp Khoa Triết – ĐH Tổng hợp Rostop (Liên Xô cũ), việc ông đến với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng thật bất ngờ và duyên phận. Năm 1993, khi thi nghiên cứu sinh, biết được nguyện vọng của học trò là muốn nghiên cứu sâu về triết học phương Đông, thầy giáo của ông đã gợi ý với ông đề tài “Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh”.
Nghe lời thầy và cũng muốn thử sức mình, ông lựa chọn, nhưng sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, ông đã yêu thích thực sự và say mê khám phá.
Trong suốt quá trình nghiên cứu và giảng dạy, “lấy dân làm gốc” là luận điểm của Hồ Chí Minh mà ông tâm đắc nhất. Theo ông phân tích, luận điểm đó đã trở thành nền tảng quyết định sự thành bại cho bất kỳ hoạt động của cá nhân nào trong xã hội.
Thậm chí, ở một môi trường không hề to tát, đó là cuộc sống mỗi gia đình, thì tư tưởng “lấy dân làm gốc” cũng vẫn tỏa sáng giá trị, bởi con tàu hạnh phúc chỉ tiến lên phía trước khi mỗi thành viên gia đình ý thức được về giá trị, trách nhiệm “tay chèo” của mình.
“Tôi trước đây vốn là người nóng tính trong quan hệ gia đình, công việc, lại thêm một chút tư duy gia trưởng. Nhưng từ khi nghiên cứu sâu về tư tưởng của Bác, tôi thấy giật mình vì những nét gần gũi với cuộc đời từ tư tưởng của Người. Và, không biết từ lúc nào tâm tính của tôi cũng đã thay đổi, kéo theo sự thay đổi các mối quan hệ trong gia đình, với xã hội, với công việc cũng đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp lên. Có thể coi đó là những phần thưởng lớn nhất tôi nhận được từ Người”, ông tâm sự.
Bí quyết nào “truyền lửa”?
Quay trở lại với cuốn sách chuyên khảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh – Nhận thức và vận dụng” vừa được Ban Chỉ đạo Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trao Giải C, PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường cho biết, ông viết cuốn sách này dưới dạng sách chuyên khảo để bổ trợ cho giáo trình của Bộ GD-ĐT và Hội đồng chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia.
Cuốn sách với chín chương lần lượt giới thiệu tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề dân tộc, cách mạng giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa xã hội; về Đảng Cộng sản; về đoàn kết dân tộc; về nhà nước; về đạo đức; về nhân văn và văn hóa...
|
Tác phẩm “Tư tưởng Hồ Chí Minh – Nhận thức và vận dụng” của PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường vinh dự được nhận giải thưởng. |
“Vẫn biết rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang trở thành yếu tố cơ bản định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức cho mỗi con người Việt Nam. Nhưng tại sao tại một số trường đại học, cao đẳng, việc giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang gặp không ít khó khăn. Là giảng viên có nhiều năm gắn bó với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi đã không ít lần tự vấn mình và đặt ra câu hỏi: Tại sao thế hệ trẻ lại thờ ơ?”.
“Từ trăn trở, tìm hiểu, tôi nhận thấy rằng, sở dĩ sinh viên, học sinh ít mặn mà với môn học vì trong suốt quá trình học phổ thông, các em đã được học, được biết khá nhiều về tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ kính yêu qua những chuyện kể,
bài viết và những lời dạy, những lời căn dặn thế hệ trẻ của Người. Nay khi lên đến bậc đại học, cao đẳng một lần nữa gặp lại, nhưng không thấy gì mới, không khai thác sâu hơn giá trị khoa học của tư tưởng sẽ khiến các em sinh chủ quan và cảm thấy thờ ơ.
Điều này chứng tỏ việc cung cấp cho các em một góc nhìn mới và sự “truyền lửa” của giáo viên trong mỗi tiết dạy là rất quan trọng”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường cho biết.
Trong cuốn sách chuyên khảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh – Nhận thức và vận dụng”, có rất nhiều trang viết về tư tưởng Hồ Chí Minh thật gần gũi và dễ hiểu mà khi đọc, người học, người nghiên cứu sẽ thấy cuộc sống xung quanh và cả chính mình hiện hữu trong đó.
Ví như đoạn phân tích phẩm chất “yêu thương con người” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường phân tích: “Yêu thương con người là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của người Việt Nam ở thời đại mới. Vì yêu thương con người, nhân dân mà sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để tranh đấu mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho con người và nhân dân. Tình yêu thương con người trước hết dành cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức bóc lột không phân biệt màu da, chủng tộc...
Tiếp đến là dành cho bạn bè, đồng chí và mọi người trong quan hệ hàng ngày... Tình yêu thương con người còn dành cho những người có sai lầm, khuyết điểm mà biết sửa chữa, lạc lối mà biết ăn năn... Chính tình yêu thương đó đã đánh thức những gì tốt đẹp mà Hồ Chí Minh tin rằng trong mỗi con người đều có, tuy nhiều ít có khác nhau...”.
Đọc cuốn sách của ông, tôi chợt nhớ, cách đây tám năm, trả lời câu hỏi “Môn học chỉ có hai tín chỉ tương đương với 30 tiết, nội dung chương trình còn nhiều điều chưa thỏa mãn, không có học trò tâm huyết để truyền nghề, có bao giờ ông thấy nản?”, ông đã giản dị nói rằng: “Đừng đơn giản nghĩ rằng giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên là nhắc lại các bước đường chính trị của Bác, vì những điều đó họ đã được nghe quá nhiều từ các cấp phổ thông.
Thay vào đó, người giáo viên cần dẫn dắt người nghe khai thác nội dung tư tưởng của Người, đặt nó trong mối tương quan giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Kiến thức có thể cũ nhưng những giá trị tinh thần thì không bao giờ.
Nhưng, để làm được điều này không dễ, bởi người giáo viên ngay từ khi tiếp nhận tư tưởng Hồ Chí Minh để biến thành “vốn” của mình đã phải nhận thức được việc học tập tư tưởng của Người có nghĩa là chọn lựa những gì phù hợp với công việc của mình để làm theo, để vận dụng nhuần nhuyễn chứ không phải rập khuôn. Đây cũng chính là điểm then chốt để phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” không bị sa vào hình thức”.
Tin rằng những lời tâm huyết này đã, đang và vẫn sẽ theo ông trên chặng đường truyền dạy tư tưởng Hồ Chí Minh đến các thế hệ học trò...
“Việc PGS. TS Nguyễn Mạnh Tường là giảng viên của Trường vừa tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và viết cuốn sách chuyên khảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh – Nhận thức và vận dụng” và được Ban Chỉ đạo Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trao Giải C có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Giải thưởng chính là sự ghi nhận nỗ lực của cá nhân PGS Nguyễn Mạnh Tường trong nghiên cứu khoa học; đồng thời thể hiện sự phong phú trong kết quả nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội phục vụ cho hoạt động đào tạo và cộng đồng xã hội trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội