Nguy cơ khó lường khi phế thải xây dựng lấn đường Hà Nội

(PLO) - Tại Hà Nội, những cung đường vắng hay những tuyến đường mới hướng ra ngoại thành thường là “điểm nóng” về nạn đổ phế thải xây dựng. Tình trạng phế thải xây dựng đổ bừa bãi ngoài việc gây mất mỹ quan, còn khiến môi trường bị ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Phế thải lấn đường, gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường trên tuyến đường liên huyện ở Hoài Đức.
Phế thải lấn đường, gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường trên tuyến đường liên huyện ở Hoài Đức.

Các tuyến đường ngập rác

Theo thống kê, mỗi ngày Hà Nội có khoảng 3.000 tấn phế thải là vật liệu xây dựng được đưa ra môi trường. Lượng phế thải vật liệu xây dựng nhiều, trong khi đó biện pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp chưa phát huy hiệu quả. Hệ lụy nhãn tiền là, không ít các tuyến đường đã trở thành “điểm đen” với hàng trăm khối phế thải chình ình. 

Theo khảo sát riêng của người viết, ở khu vực nội thành, các điểm được coi là “nóng” về vấn đề này có thể kể đến như: Khu vực ven tuyến đường từ cổng của Khu Công viên Thể thao cây xanh của quận giáp với khu đô thị Văn Phú. Đoạn đường mới, chạy dọc khu đô thị Xa La và khu đô thị Thanh Hà… 

Tương tự, khu vực phường Trung Văn, trên trục đường Lương Thế Vinh, đoạn ngay sát một trường học dù có biển cấm của công an phường nhưng vẫn trở thành một “điểm đen” chứa rác. Đáng chú ý, cũng ngay cuối trục đường trên nhưng thuộc phường Mễ Trì, đoạn cắt giao từ khu dân cư ra tuyến đường vành đai 3 cũng tồn ứ, la liệt nhiều đống phế thải xây dựng.

Hoạt động đổ trộm rác, phế thải không chỉ xảy ra tại các địa bàn có tốc độ đô thị hóa lớn như các quận nội thành, mà nhiều huyện, thị ngoại thành cũng không ngoại lệ. Tuyến đường liên huyện nối phường Yên Nghĩa (Q Hà Đông) với xã Đông La (Hoài Đức) là một ví dụ. Theo đó, nhiều điểm trên tuyến đường như đoạn km6, km16, ngã ba giao cắt quốc lộ 6 với Quốc Oai… trở thành nơi xả phế thải. Đáng nói, phế thải xây dựng trên trục đường này hiện chất thành từng đống lớn với số lượng hàng chục khối chình ình trên mặt đường gây cản trở giao thông. 

Cần sớm xử lý, ngăn chặn

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay thành phố có bốn bãi chứa, xử lý phế thải xây dựng quy mô lớn. Cụ thể, bãi chứa phế thải xây dựng tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh rộng khoảng 4,25ha (công suất 300 tấn/ngày) tiếp nhận phế thải xây dựng cho khu vực huyện Mê Linh, Q Cầu Giấy, Q Tây Hồ. Bãi chứa phế thải xây dựng tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh rộng 3,2ha (công suất 300 tấn/ngày) tiếp nhận phế thải xây dựng cho khu vực huyện Đông Anh, Q Long Biên.

Bãi chứa phế thải xây dựng tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì rộng 7ha (công suất 400 tấn/ngày) tiếp nhận phế thải xây dựng cho huyện Thanh Trì, Q Hoàng Mai, Q Thanh Xuân. Bãi chứa phế thải tại hai xã Phú Thị, Kim Sơn, huyện Gia Lâm rộng 7ha (công suất 400 tấn/ngày) tiếp nhận phế thải xây dựng cho huyện Gia Lâm và khu vực lân cận. 

Tuy nhiên, có một thực tế hiện các bến bãi trên phần lớn đều nằm khá xa trung tâm và bắt đầu có dấu hiệu quá tải, trong khi đó nhu cầu “xả thải” của người dân vẫn rất cao, đặc biệt ở các khu vực đang phát triển hạ tầng mạnh như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm… 

Xoay quanh câu trả lời cho “bài toán” xử lý tận gốc nạn đổ trộm phế thải, có thể thấy hiện việc phát hiện, xử lý vi phạm trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao một phần do thủ đoạn đối phó tinh vi của các đối tượng vi phạm. Mặt khác, do lực lượng chức năng còn mỏng, địa bàn rộng, nhiều tuyến đường ít người qua lại nên việc đổ lén phế thải rất khó bắt quả tang.

Liên quan đến câu chuyện xử lý nạn “phế thải tặc”, khi tìm hiểu vấn đề trên địa bàn phường Mễ Trì (Q Nam Từ Liêm) người viết tình cờ biết được một phương cách tạm thời nhưng đang phát huy được hiệu quả nhất định ở địa phương này. Đó là việc mở một điểm tập kết phế thải xây dựng tạm thời. Theo Phó Chủ tịch phường Mễ Trì, do trên địa bàn phường có nhiều công trình xây dựng nên bên cạnh việc đốc thúc, mật phục, thường xuyên báo cáo các vi phạm nảy sinh cho công an quận xử lý thì nhiều tháng nay đơn vị này còn dành hẳn một khu đất để người dân có thể tạm thời tập kết phế thải xây dựng. 

Bãi tập kết này nằm ở khu đất trống, cách UBND phường 700m. Ông Hứa Đức Minh chia sẻ: “Với các dự án xây dựng trên địa bàn, phường đã bố trí 1 điểm tập kết để khi nhân dân có nhu cầu xây dựng, người ta có thể đổ ra đó. Sau khi tập kết ở điểm đó sẽ có đơn vị chuyên trách dọn đi”. 

Thiết nghĩ, mô hình tạo quỹ đất để cho dân đổ phế thải xây dựng ở Mễ Trì là một cách làm hay và hiệu quả để dẹp nạn phế thải tặc. Song về lâu dài, để xử lý triệt để nạn đổ trộm rác, phế thải xây dựng trên địa bàn Hà Nội, chính quyền các cấp cần quan tâm, tích cực chỉ đạo, đẩy mạnh phối hợp giữa các lực lượng chức năng. Ngoài ra, cần tăng cường tuần tra, tăng cường giáo dục nâng cao ý thức của người dân, có cơ chế khen, thưởng cho việc đấu tranh, tố giác đối với các hành vi vi phạm… 

Đọc thêm