Nguy cơ mất đất vì tin nhau khi nhận chuyển nhượng

(PLO) - Vì là hàng xóm với nhau, do tin tưởng nên lúc nhận chuyển nhượng đất đã không làm các thủ tục cần thiết, cũng như sử dụng ngay mảnh đất, vợ chồng ông bà Bùi Khác Nhâm, Nguyễn Thị Thanh Tuấn ở TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang có thể trắng tay.

Nguy cơ mất đất vì tin nhau khi nhận chuyển nhượng
Ông Nhâm, bà Tuấn trình bày: “Vợ chồng tôi mua của ông Nguyễn Việt Dũng 300m2  đất từ ngày 9/8/1987, giá 100.000 đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng, do chưa có nhu cầu xây dựng, gia đình tôi trồng rau màu và vài năm sau đến yêu cầu ông Dũng giao đất để làm nhà ở nhưng đều bị “khất lần”. 
Nhiều năm tiếp theo, vợ chồng tôi liên tục nhắc ông Dũng giao đất nhưng ông vẫn không chịu. Năm 2011 địa phương chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vợ chồng tôi tiếp tục yêu cầu trả lại đất nhưng không những không trả, ông Dũng còn tự ý xây nhà lên diện tích đất đã chuyển nhượng. Vợ chồng tôi khởi kiện yêu cầu bên chuyển nhượng thực hiện đúng hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi có thể mất trắng khối tài sản của mình nếu không được TANDTC “đèn trời” soi xét.
Tại Bản án sơ thẩm số 58/2013/DS-ST ngày 28/5/2013, TAND TP.Tuyên Quang chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng tôi: Tuyên bố giao dịch dân sự về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 9/8/1987 giữa vợ chồng tôi và ông Nguyễn Việt Dũng vô hiệu và buộc ông Dũng hoàn trả cho vợ chồng tôi số tiền đã nhận từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 100.000 đồng và bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá đất là 904 triệu 700 nghìn đồng, tổng cộng là 904 triệu 800 nghìn đồng.
Ông Dũng kháng cáo. Ngày 25/9/2013, TAND tỉnh Tuyên Quang xử phúc thẩm, ra Bản án số 21/2013/DS-PT tiếp tục tuyên bố giao dịch lập ngày 9/8/1987 vô hiệu. Nhưng, án phúc thẩm “công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”, lúc này ông Dũng chỉ phải trả cho vợ chồng tôi 200 triệu đồng (thay vì phải trả 904 triệu 800 nghìn đồng như án sơ thẩm)”.
Bà Tuấn cho biết, giá 300m2 đất thời điểm diễn ra 2 phiên tòa là khoảng 2 tỷ 550 triệu đồng; vợ chồng bà đồng ý nhận mức chi trả 904 triệu 800 nghìn đồng từ ông Dũng (theo án sơ thẩm) đã là rất thiệt thòi, nay mức chi trả này lại bị Tòa Phúc thẩm vin vào cái cớ “thỏa thuận giữa các bên…”, rút xuống chỉ còn 200 triệu đồng thì không thể nào chấp nhận được. Không những thế, ngày nghị án và tuyên án phúc thẩm, bà không có mặt tại tòa; rằng, nếu việc chồng bà “thỏa thuận” chỉ nhận 200 triệu đồng là có thật đi chăng nữa thì là do có sự xúi giục. Bà cho biết đã gửi đơn đến Chánh án TANDTC đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 21/2013/DSPT của TAND tỉnh Tuyên Quang. 
Băn khoăn của vợ chồng bà Tuấn, theo Luật gia Nguyễn Chấn: 1. Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trong thời điểm từ ngày 1/7/1980 đến trước ngày 15/10/1993, án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên bố vô hiệu đối với giao dịch về đất đai giữa ông Nhâm và ông Dũng (1987) là phù hợp quy định của pháp luật. “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền…” (Khoản 2 Điều 137 Bộ luật Dân sự).
2. Căn cứ Khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự, bà Tuấn - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được gọi là “đương sự trong vụ án dân sự”. Luật quy định trong xét xử phúc thẩm, đương sự “phải được triệu tập tham gia phiên tòa” (Khoản 1 Điều 264), nhưng bà Tuấn vắng mặt mà Tòa Phúc thẩm vẫn chấp nhận sự “thỏa thuận…” là trái quy định của pháp luật. 
Bộ luật này còn có những quy định khác rất chặt chẽ để tránh tùy tiện trong quá trình xét xử. Ví dụ: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ “được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa” (Khoản 2 Điều 266). 
3. Điều 270 Bộ luật Tố tụng Dân sự cho phép Tòa Phúc thẩm công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, nhưng thỏa thuận đó phải là “tự nguyện” và không được “trái pháp luật”, không được “trái đạo đức xã hội”. Trong khi đó, sự “thỏa thuận” tại phiên tòa phúc thẩm có những dấu hiệu không “tự nguyện”, “trái pháp luật”, “trái đạo đức xã hội”. (Trái pháp luật: phiên tòa diễn ra vắng mặt đương sự là vợ nguyên đơn; trái đạo đức xã hội: nguyên đơn phải “thỏa thuận” trong trường hợp bị “xúi giục”?) là không khách quan.
Hy vọng vụ việc của vợ chồng ông bà sẽ được TANDTC xem xét.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm