Xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vừa có văn bản phản hồi ý kiến của Sở VHTT&DL về việc “xin lại” đình Chợ Trổ (như PLVN đã phản ánh), dư luận càng “nóng” hơn.
“Bùi La Nhân bao đời nay vẫn lưu luyến ngôi đình”
PLVN đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 1996-2005), tác giả cuốn "Lịch sử Hà Tĩnh".
Ông Báu cho rằng thật đáng tiếc khi đình Chợ Trổ không còn giữ nguyên hiện trạng và mục đích sử dụng ban đầu, như hơn 50 năm trước cha ông cất công đưa từ xã Đức Nhân cũ (nay là Bùi La Nhân) về KLN Nguyễn Du. Lịch sử đã ghi nhận công lao của các nhà khoa học, chính quyền Hà Tĩnh và nhân dân các vùng đồng tâm hiệp lực, dồn tâm sức xây dựng nên khu di tích. Trong đó đình Chợ Trổ là một trong những di sản hiếm hoi còn nguyên vẹn tại đây.
Nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đều kế thừa nguyện vọng của cha anh và bảo tồn những giá trị tốt đẹp, tiếp tục xây dựng khu di tích phát triển nhưng vẫn gìn giữ các di sản.
Trải qua nhiều năm khó khăn, để KLN Nguyễn Du được công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia đặc biệt và được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phải nói đến nỗ lực của nhiều cán bộ văn hóa và ban ngành liên quan. Nhưng quá trình triển khai cụ thể đã nảy sinh tình huống: người dân Bùi La Nhân muốn đưa đình Chợ Trổ về quê hương.
“Người dân muốn đưa về cũng có cái lý. Trước đây cha ông họ đồng ý cho tỉnh đưa đình đến khu di tích là để làm nhà trưng bày các hiện vật liên quan đến Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn. Nay mục đích sử dụng ngôi đình thay đổi, không làm nhà trưng bày nữa, trong khi người dân Bùi La Nhân bao đời nay vẫn lưu luyến ngôi đình. Vậy họ muốn đưa về là nguyện vọng chính đáng. Tỉnh cần xem xét”, ông Báu nói.
Trước ý kiến của Sở VHTT&DL cho rằng việc trả đình Chợ Trổ lúc này là rắc rối do quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, Dự án tu bổ - tôn tạo các di tích gốc ở KLN đã được triển khai, ông Báu nói:
“Chính phủ phê duyệt là quy hoạch chung, chủ trương chung. Còn trong quá trình thực hiện cụ thể thấy chỗ nào chưa đúng thì “anh” phải có ý kiến. Làm sao lại “đổ” cho cấp trên đã ký rồi cứ thế làm? Người làm quản lý di tích địa phương là phải biết để lên tiếng kịp thời. Đặc biệt với trường hợp di tích cấp quốc gia đặc biệt như KLN Nguyễn Du”.
“Cần xử sự đúng với lịch sử, đúng với cha ông”
Trước cách giải thích “đình xã” là đình chung, không riêng của làng nào, xã nào và đình Chợ Trổ được trưng bày như một kiến trúc đình tiêu biểu của Hà Tĩnh, ông Báu nêu quan điểm: “Trưng bày kiến trúc cũng tốt, nhưng nếu trong trường hợp người dân Bùi La Nhân không lên tiếng. Đình Chợ Trổ là đình được dựng lên ở Bùi La Nhân, là sản phẩm của cộng đồng dân cư ở đây. Khi một cộng đồng dân cư đã lên tiếng thì chính quyền phải xem lại”.
Theo ông Báu, ngày xưa khó khăn như vậy tỉnh còn đưa bè chuyển đình từ Đức Nhân (cũ) về Tiên Điền được. Điều kiện ngày nay tỉnh đưa từ Tiên Điền trả về Đức Nhân cũng không phải không thể làm. Chợ Trổ cũng là nơi rất nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh. Đình Chợ Trổ về quê sẽ là di tích văn hóa của địa phương, là niềm tự hào của địa phương.
Với một số văn bản thể hiện việc tu bổ đình Chợ Trổ thành đình Tiên, ông Báu cho biết chính ông là người quê Tiên Điền và không đồng ý nếu đưa đình Chợ Trổ tôn tạo thành đình Tiên. Ông đã phát biểu ý kiến công khai tại một hội thảo về Nguyễn Du vào cuối năm 2019, có sự tham dự của lãnh đạo ngành văn hóa và một số đơn vị liên quan. Nhưng dự án vẫn triển khai, sau đó xã Bùi La Nhân gửi văn bản “xin lại” đình.
“Không phải “xin lại”, nói “lấy về” cũng có lý. Vì ngôi đình vốn của cộng đồng làng ở Bùi La Nhân, trước đây tỉnh đưa đi, không phải mua bán, không có chứng từ thể hiện. Nay tỉnh không sử dụng đúng mục đích ban đầu nữa thì họ muốn đưa về. Lịch sử có nhiều khúc quanh phức tạp, rất khó nói. Tỉnh Hà Tĩnh cần tìm hướng xử lý ổn thỏa để yên dân. Nếu không làm thấu đáo có thể tạo thành điểm nóng phức tạp ở địa phương”.
Đối với nhiều vấn đề được nêu như thủ tục, kinh phí, bảo tồn... nếu trả đình Chợ Trổ, ông Báu nêu hai phương án: Nếu để lại thì sử dụng đúng mục đích ban đầu cha ông đưa đình về, giữ nguyên hiện trạng, đảm bảo nguồn gốc di tích. Nếu không thì trả về cho cộng đồng, đưa đình về đúng nơi xuất xứ. Nay hạ giải xong rồi, mục đích sử dụng thay đổi thì trả đình về.
Trước đây lãnh đạo tỉnh đưa đi, nay lãnh đạo tỉnh phải kế tục việc làm của thế hệ trước, có trách nhiệm trả đình. “Cần xử sự đúng với lịch sử, đúng với cha ông, nay là đúng với người Bùi La Nhân. Lãnh đạo tỉnh phải thấy được trách nhiệm này”, ông Báu nói.
|
Đình Chợ Trổ khi bắt đầu hạ giải theo Dự án |
Huyện Đức Thọ: Đồng hành đưa đình “hồi hương”
Liên quan đến việc xã Bùi La Nhân vừa gửi phản hồi ý kiến của Sở VHTT&DL Hà Tĩnh (như PLVN đã phản ánh), ngày 10/4/2020, ông Trần Hoài Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Bùi La Nhân. Ông Đức cho biết huyện luôn đồng hành cùng xã và người dân Bùi La Nhân trong hành trình đưa đình Chợ Trổ “hồi hương”.
Năm 2016, ông Đức cũng được Sở mời tham dự cuộc họp trả đình cho xã Đức Nhân (cũ). Thời điểm đó đang lập dự án, đình Chợ Trổ không phải di tích gắn với cuộc đời và dòng họ Nguyễn Du nên Sở đồng ý chủ trương cho xã đưa về. Nhưng tỉnh không hỗ trợ kinh phí, ngân sách huyện không có, một mình xã không xoay được đành tạm để lại.
Nay người dân tha thiết muốn đưa đình về, huyện Đức Thọ đồng hành nhưng trước mắt chỉ ủng hộ được tinh thần, không có nguồn cho việc tu bổ, tôn tạo di tích. Ông đề nghị tỉnh có phương án hỗ trợ địa phương nếu đồng ý trả đình.
“Người Bùi Đức Nhân nói riêng và Đức Thọ nói chung không hẹp hòi, không ích kỷ. Trong chiến tranh, xe chưa qua thì nhà không tiếc, không những đình làng mà nhà dân cũng dỡ ra bắc cầu, bắc đường cho xe qua. Khi tỉnh còn thời kỳ xây dựng khó khăn, để phát triển khu di tích Nguyễn Du, người dân cũng đồng ý đưa đình Chợ Trổ đi vì sự phát triển văn hóa chung cả tỉnh, cả nước. Nay KLN Nguyễn Du đã có công trình thay thế làm nhà lưu niệm, người dân muốn đưa về là hợp lý”, ông Đức nói. Ông tin rằng với nguyện vọng phục hưng văn hóa của người dân Bùi La Nhân, sự hỗ trợ của tỉnh và cơ quan chuyên môn, cộng đồng sẽ bảo tồn tốt cho di tích đình Chợ Trổ.
Hiện câu chuyện đình Chợ Trổ phản ánh trên Báo Pháp luật Việt Nam đã được cộng đồng những người yêu đình làng Việt Nam quan tâm. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt với hơn 17.000 thành viên cho biết đây là tình huống hiếm gặp. Ông chưa biết có sự việc nào tương tự trong lịch sử. Thực tế có trường hợp mua cấu kiện đình ở nơi khác về dựng như đình Phong Cốc ở Quảng Yên (Quảng Ninh). Nhưng trường hợp này không giống như đình Chợ Trổ ở Hà Tĩnh.
Theo ông Bình, trong sự việc này Sở VHTT&DL cần theo sát và giữ vai trò quan trọng để đình Chợ Trổ được bảo quản và phát huy giá trị cũng như hợp với ý nguyện vọng của người dân địa phương. Sở VHTT&DL cần tham mưu cho tỉnh trả lại đình và lên phương án bảo quản, phát huy kiến trúc đình tại địa phương. Sở VHTT&DL, UBND huyện và xã có trách nhiệm quản lý theo phân cấp. Đối với dự án đang triển khai ở KLN Nguyễn Du thì có phương án phục hồi kiến trúc thay thế theo quy hoạch.
Theo tìm hiểu của PLVN, Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của BCH Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Tỉnh ủy Hà Tĩnh năm 2019 thể hiện: Từ năm 2014 – 2018, Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Trong đó có 40 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Dư luận và cộng đồng đều chờ đợi hướng giải quyết của tỉnh Hà Tĩnh.
Khi di sản được bảo tồn và phát huy giá trị đúng với chính nó, di sản mới là di sản và cộng đồng địa phương chính là nơi hưởng thụ. Bởi vậy cần hoàn chỉnh thể chế, nhất là hành lang pháp lý và nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ và các cơ quan quản lý có trách nhiệm về vấn đề này”.
TS Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh
Về tên gọi đình Chợ Trổ (người dân địa phương quen gọi Kẻ Trổ), “Kẻ” tức là “xứ”, Kẻ Trổ đã có khi Hà Tĩnh còn thuộc trấn Nghệ An. Đến đầu thế kỷ 19, chính quyền phong kiến bỏ trấn lập tỉnh, lấy hai phủ Đức Thọ và Hà Hoa lập ra tỉnh Hà Tĩnh.
Lúc bấy giờ phủ Đức Thọ có nhiều kẻ như kẻ Trổ, kẻ Hạ, kẻ thượng, kẻ Chạy... Gọi kẻ có vẻ hơi trần tục nên bỏ kẻ, gọi bằng xã. Sau thời gian thì kẻ Trổ trước đây nay thuộc xã Bùi La Nhân. Dù lịch sử có biến động nhưng có những tên gọi cũ vẫn ghi vào ký ức của người dân như kỷ vật lưu niệm truyền đời.
Đình kẻ Trổ được xây cuối thế kỷ 18, trong quần thể gồm nhà văn thánh, nhà thờ Thành hoàng và nhà đình. Hàng năm tổ chức dâng lễ Thành hoàng hoăc lễ vinh qui bái tổ đón rước các danh nhân, con em quê hương đậu đạt khóa bảng về quê đều tổ chức tại nhà đình. Nhà đình cũng là nơi xã tổ chức đón tết mừng xuân, lễ khai Hạ xuống đồng làm ăn.
Đình ở gần chợ Trổ. Những năm trước cách mạng, chợ Trổ là nơi mua bán sầm uất rất nhiều hàng hoá mà phần lớn là lều quán tranh tre nền đất chật chội nên các vị chức sắc cho sử dụng nhà đình làm chỗ bán những hàng khô ráo như đồ hàng mã, vải, quần áo... đồ hàng mã. Từ đó mới có thêm tên gọi đình Chợ Trổ. Và cách gọi này đã đi vào một số văn bản chính thức hiện nay.
Kiến trúc sư Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Tĩnh,
nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh