Theo cáo trạng, vào năm 2005, ông Lam được bổ nhiệm là Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đức Cơ.
Năm 2007, ông Lam được giao làm chủ tài khoản, ông Tứ là kế toán của Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Đức Cơ.
Đến tháng 10/2010, Hội đồng GPMB huyện Đức Cơ đã ngừng hoạt động, không được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án xây dựng mở rộng nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ mà chỉ được thực hiện các dự án trước đó chưa làm xong.
Đến năm 2012, UBND huyện Đức Cơ giao cho Phòng Tài chính-Kế hoạch thực hiện dự án mua sắm thiết bị cho Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ huyện này. Trong đó, có nội dung đi công tác đến tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng để xem chuông đồng, hạc đồng…
Thời điểm này, kinh phí hoạt động thường xuyên của Phòng này đã không còn. Để phục vụ cho chuyến công tác này cũng như mục đích tiêu xài của các cá nhân từ tiền ngân sách, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để tạm ứng tổng số tiền gần 525 triệu đồng. Số tiền này được rút ra từ ngân sách nhà nước thông qua Hội đồng GPMB huyện Đức Cơ dù thời điểm này Hội đồng GPMB huyện này đã ngừng hoạt động.
Để che giấu hành vi phạm tội của mình, các bị cáo đã lập thủ tục hoàn ứng trái quy định bằng cách cấp ngân sách bổ sung cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ để lập thủ tục hoàn ứng nhưng vì không có chứng từ kèm theo nên không quyết toán được và sau đó hành vi phạm tội bị phát hiện.
Đối với Tứ, khi đoàn Thanh tra tỉnh Gia Lai yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc tạm ứng trái quy định thì bị cáo này đã chỉ đạo cho nhân viên đánh máy lại bản photo QĐ số 42 sau đó bị nhờ 1 vị lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ ký nháy. Chưa dừng lại ở đó, Tứ còn chỉ đạo nhân viên photo chữ ký của Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thời điểm đó, rồi điền số, ngày, tháng và đóng dấu của UBND huyện Đức Cơ vào.
Ảnh: Bị cáo Nguyễn Hồng Lam (đứng) tại phiên tòa sơ thẩm |