Trước khi tự bào chữa, Kiên cho biết: “Bị cáo đã phân công từng luật sư trình bày về một nội dung pháp lý cụ thể. Còn về chuyên môn kinh tế, tài chính ngân hàng thì bị cáo sẽ tự bào chữa vì bị cáo chuyên sâu hơn các luật sư. Bị cáo sẽ cố gắng trình bày hết sức ngắn gọn vì nếu nói dài thì có lẽ phải hàng ngàn trang giấy…”.
Bị cáo Kiên phủ nhận kết tội của Tòa sơ thẩm
Bào chữa về tội “Kinh doanh trái phép”, Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc các Cty của bị cáo góp vốn, mua cổ phần là không sai vì hoạt động đầu tư tài chính không đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh. Việc quy kết bị cáo kinh doanh tài chính núp bóng đầu tư tài chính, mua cổ phần, cổ phiếu là sai lầm, gây thiệt hại cho bản thân bị cáo, cho gia đình bị cáo và cho cả nền kinh tế. Nếu xác định bị cáo có tội thì những người thực hiện hoạt động đầu tư như bị cáo trong 30 năm qua sẽ phải chịu rủi ro rất lớn. “Bị cáo có thể đưa ra hàng ngàn Cty đang có hoạt động đầu tư như vậy”- bị cáo Kiên nói.
Về cáo buộc kinh doanh vàng trái phép của Tòa cấp sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên nhắc lại việc mình không đồng ý với việc Giám đốc Cty Thiên Nam rút kháng cáo. Bào chữa trước việc Tòa sơ thẩm kết tội về việc thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho các nhân viên Ngân hàng ACB đem tiền đi gửi ở Ngân hàng Vietinbank, tạo điều kiện để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng, Kiên cho rằng mình chỉ là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, có vai trò tư vấn. Việc có thực hiện ý kiến hay không thuộc vào bản lĩnh của HĐQT Ngân hàng ACB; không ai có quyền điều hành Ngân hàng ACB theo ý kiến chủ quan của mình.
“Bị cáo có vị trí rất cao ở ACB, có ảnh hưởng ở ACB nhưng ở mỗi thời điểm khác nhau thì có giá trị khác nhau. 5 năm làm Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, bị cáo chỉ là chỗ dựa cho anh em chứ không tham gia vào quá trình ra các quyết định của ACB” - Nguyễn Đức Kiên bào chữa.
Nguyễn Đức Kiên còn cho rằng, 718 tỷ của Ngân hàng ACB chưa mất vì các nhân viên của Ngân hàng ACB sẽ thực hiện quyền đòi nợ của Vietinbank. Cùng quan điểm, bị cáo Lý Xuân Hải cũng cho rằng Ngân hàng ACB chưa thu hồi được tiền chứ không phải thất thoát.
Vietinbank không chịu trách nhiệm về “giao dịch ngầm”
Không đồng tình với nội dung bào chữa trên của Nguyễn Đức Kiên, trong phần tranh luận của mình, đại diện VKSNDTC cho rằng, việc Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên mang 718 tỷ đi gửi ở Vietinbank khi Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn, chưa cho phép là sai. Hậu quả của việc này là Ngân hàng ACB vẫn chưa thu hồi được 718 tỷ đã ủy thác cho nhân viên đi gửi ở Vietinbank này. Ngoài ra, nhiều lời khai cho thấy Kiên là người tham gia cuộc họp HĐQT, có vai trò trong việc HĐQT Ngân hàng ACB thống nhất ra chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi.
Đồng tình với lập luận của Kiểm sát viên trên đây, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của Vietinbank cũng khẳng định Vietinbank không có trách nhiệm phải trả cho Ngân hàng ACB 718 tỷ bị Huyền Như chiếm đoạt. Theo lời khai của Huyền Như thì bị án này đã thực hiện hành vi gian dối từ khi thỏa thuận với chị Bảo Ngọc về việc tiền gửi với lãi suất cao (gồm cả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng trả ngay khi tiền vào tài khoản).
Việc Huyền Như lừa đảo thành công là do lỗi tắc trách, thiếu trách nhiệm của nhân viên Ngân hàng ACB nên theo vị Luật sư của Vietinbank, Ngân hàng ACB phải chịu trách nhiệm về việc đưa tiền cho các nhân viên, gửi tiền bằng tài khoản cá nhân để che giấu một giao dịch bị cấm khác nhằm kiếm lời.
Còn Vietinbank không biết tiền gửi này là của Ngân hàng ACB để cá nhân đứng tên; không biết thỏa thuận ngầm giữa chị Bảo Ngọc và Huyền Như cũng như không biết việc Như tự ý trả lãi suất chênh lệch, lãi suất vượt trần…Vietinbank không thực hiện hợp đồng có lãi cao, không có lỗi trong vụ việc này nên không phải chịu trách nhiệm với các sai phạm của Ngân hàng ACB, tức là không có trách nhiệm trả 718 tỷ đồng cho Ngân hàng ACB. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về Huyền Như trong một vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khác./.