Nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn: Chưa xử xong sai phạm này, đã lộ sai phạm khác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đang bị xét xử về tội “tham ô tài sản", bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (SN 1961, nguyên GĐ Cty CP Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn - Cty số 2 Lạng Sơn) tiếp tục bị điều tra do liên quan đến việc Cty này được hỗ trợ giải phóng mặt bằng khống, rồi sử dụng tiền hỗ trợ để cho vay lòng vòng, nguy cơ thất thoát cả chục tỷ đồng.
Bị cáo Tuấn Anh và Hường bị đưa ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.
Bị cáo Tuấn Anh và Hường bị đưa ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Mua hóa đơn khống để tham ô

Cty số 2 Lạng Sơn do Tuấn Anh làm GĐ, người đại diện theo pháp luật từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2016. Hơn 80% CP Cty này thuộc về Cty CP Vận tải ô tô số 2 (Cty số 2, trụ sở quận Long Biên, Hà Nội), trực thuộc TCty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor - Bộ GTVT).

Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lạng Sơn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trong hai năm 2011 và 2012, Tuấn Anh nhờ một số đối tượng soạn thảo, ký kết 7 hợp đồng kinh tế và mua 7 hóa đơn GTGT khống có nội dung thuê thiết kế, cải tạo nội thất, mua sắm trang thiết bị… trị giá gần 4,4 tỷ đồng.

Tuấn Anh giao cho Hoàng Thu Hường (nguyên Kế toán trưởng Cty) làm thủ tục thanh toán rồi chuyển gần 4,4 tỷ của Cty vào tài khoản của các Cty khác, sau đó chiếm đoạt.

Ngày 06/7/2020, Tuấn Anh đã bị TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt 5 năm tù; Hường bị tuyên phạt 2 năm tù (cho hưởng án treo), cùng về tội “tham ô tài sản”.

Bản án bị VKSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị phúc thẩm vì cho rằng mức phạt trên chưa tương xứng với vai trò. tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm tăng hình phạt với Tuấn Anh.

Trong khi vụ án trên đang chờ xét xử phúc thẩm thì Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của vụ án do có dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nhằm xử lý triệt để vi phạm, thu hồi tiền thất thoát cho Nhà nước.

Lập khống hợp đồng nhằm lấy tiền hỗ trợ?

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, vào năm 2011, Cục Hải quan Lạng Sơn có nhu cầu mở rộng khuôn viên trụ sở nên đã đề xuất được sử dụng toàn bộ trụ sở tại số 52 Lê Đại Hành (TP Lạng Sơn) của Cty số 2 Lạng Sơn. Đồng thời, đơn vị này sẽ thanh toán cho Cty số 2 Lạng Sơn theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng của UBND TP.

Với các khoản hỗ trợ ổn định sản xuất, giải phóng mặt bằng, kinh phí san lấp mặt bằng, xây dựng một số hạng mục ở khu đất mới..., Hải quan Lạng Sơn đề nghị Cty cung cấp bản thiết kế, dự toán của những hạng mục trên để có cơ sở tính toán xem xét mức hỗ trợ, đề nghị UBND TP phê duyệt phương án hỗ trợ bồi thường GPMB.

Trên cơ sở thoả thuận của các bên, đầu năm 2012, UBND TP đã ra Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cho Cty số 2 Lạng Sơn 23,76 tỷ đồng, trong đó có kinh phi hỗ trợ thuê văn phòng làm việc (1,8 tỉ đồng) và thuê trung tâm sát hạch lái xe mô tô hạng A1 (2,16 tỉ đồng). Tuy nhiên, theo tố cáo thì hai khoản chi trên là không có thực, có dấu hiệu lập khống hợp đồng nhằm rút tiền nhà nước.

Sau khi nhận bồi thường, hỗ trợ 23,76 tỷ, Tuấn Anh đã không thông qua Hội đồng cổ đông mà lợi dụng chức vụ để ký hợp đồng cho Cty CP Thương mại & Đầu tư Hưng Phát vay 10 tỷ đồng với lãi suất 14,5%. Khoản nợ này hiện chưa đòi được. Hưng Phát đã cho Cty TNHH Vận tải & Du lịch Hoa Việt vay lại.

Liên quan khoản tiền cho vay này, tại phiên xử “Tham ô tài sản”, Tuấn Anh cho biết, mình và kế toán trưởng của Hưng Phát (cũng là người có góp vốn nhiều nhất) có quan hệ tình cảm nhau (hai người đã có con riêng). Còn người đại diện theo pháp luật của Hoa Việt là mẹ đẻ của Tuấn Anh.

Như vậy, đích cuối của số tiền 10 tỷ mà Cty số 2 Lạng Sơn cho vay vẫn về Cty người nhà của Tuấn Anh và đang có dấu hiệu bị “mất trắng”.

Tiền Nhà nước có bị thất thoát qua việc thoái vốn?

Vào tháng 5/2015, Vinamotor thực hiện thoái toàn bộ vốn (hơn 73% CP) tại Cty số 2. Lúc này, Cty CP số 2 đang sở hữu 94,71 % CP tại Cty số 2 Lạng Sơn. Sau đó, Hoa Việt đã trúng đấu giá toàn bộ cổ phần của Vinamotor tại Cty số 2 với giá trên 58 tỷ đồng

Bất thường ở chỗ, Cty trúng đấu giá số CP của Vinamotor nêu trên lại chính là Cty của mẹ Tuấn Anh, còn đang nợ Hưng Phát cả chục tỷ đồng (thực chất là tiền của Cty số 2 Lạng Sơn).

Ông Nguyễn Thanh Thái, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty số 2 và Cty số 2 Lạng Sơn cho rằng, quá trình thoái vốn của Vinamotor như trên là bất thường bởi Cty đang nợ tiền lại mua được hết CP tại chính Cty có nguồn tiền cho vay. Đồng thời, nhiều dấu hiệu cho thấy việc định giá CP của Cty số 2 là không chính xác (thấp hơn thực tế).

Báo cáo thẩm định giá vào tháng 3/2015 để phục vụ Vinamotor thoái vốn chỉ ghi nhận số vốn của Cty số 2 đầu tư vào Cty số 2 Lạng Sơn là 22,8 tỷ đồng mà không xác định giá thực tế (giá thị trường) của 94,71 % CP. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính năm 2015 của Cty số 2 Lạng Sơn (phát hành ngày 26/3/2016) thì giá trị tài sản của Cty này tại thời điểm đầu 2015 là 42,1 tỷ. Như vậy, 94,71 % CP của Cty số 2 cũng có giá trị khoảng 40 tỷ chứ không thể chỉ là 22,8 tỷ như đánh giá phục vụ việc thoái vốn?

Đến 2020, để thi hành bản án tranh chấp CP tại Cty số 2, Cục THADS TP Hà Nội đã thuê đơn vị thẩm định giá để xác định giá trị tài sản của Cty số 2. Kết quả cho thấy, giá trị thị trường của Cty số 2 Lạng Sơn là 93 tỷ đồng và giá trị phần vốn của Cty số 2 tại Cty số 2 Lạng Sơn là 51,56 tỷ.

Như vậy, kết quả định giá Cty số 2 Lạng Sơn khi Vinamotor thoái vốn năm 2015 đều thấp hơn rất nhiều so với báo cáo tài chính cùng thời điểm cũng như kết quả định giá năm 2020 (trong khi từ 2015-2020, Cty không có nhiều lợi nhuận). Liệu việc này có gây thất thoát cho Ngân sách nhà nước khi Vinamotor thoái vốn khỏi Cty số 2?

Đáng nói, thời điểm Vinamotor thoái vốn trên, khoản cho vay 10 tỷ đồng (cả lãi là 12 tỷ) của Cty số 2 Lạng Sơn đã không được đưa vào để tính giá trị của DN. Vì vậy, giá trị vốn góp của Vinamotor tại Cty số 2 cũng đã bị giảm tương ứng cả chục tỷ. Còn con nợ (Hưng Phát và tiếp sau là Hoa Việt) dường như đã “thoát” được món nợ với Cty số 2 Lạng Sơn. Đây phải chăng cũng là một khoản thất thoát nữa của Nhà nước trong vụ việc này?

Đọc thêm