Nguyên PGĐ Sở TN-MT Lạng Sơn bị khởi tố oan, đổi tội danh chưa thuyết phục

(PLVN) - Ông Nguyễn Đình Duyệt, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn đã bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng kết quả, CQĐT đã xác định không có căn cứ buộc tội đối với ông. Tuy nhiên, ông Duyệt lại bị kết án về tội khác với những căn cứ thiếu thuyết phục.

Bị “vu” chỉ đạo nâng khống dự toán

Theo hồ sơ vụ án, năm 2012 và 2014, Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành khảo sát, lập dự toán hai dự án xử lý, cải tạo môi trường và phục hồi điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại TP Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng trình UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt. Do chưa có kinh phí nên chưa triển khai nên hai dự án này chưa thực hiện.

Năm 2016, hai dự án được trung ương cấp kinh phí thực hiện. Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Chi Cục bảo vệ môi trường và các phòng chức năng thực hiện quy trình khảo sát, lập dự toán và báo cáo kinh tế kỹ thuật để thực hiện hai dự án này.

Lãnh đạo Sở TN-MT đã phân công ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở phụ trách lĩnh vực này làm Giám đốc Ban quản lý dự án để thay mặt chủ đầu tư thực hiện quản lý dự án và đó là lý do mà sau này ông Nguyễn Đình Duyệt vướng vòng lao lý do đơn tố cáo ông có “tư lợi” trong việc triển khai các dự án này.

Theo nội dung tố cáo mà sau này được thể hiện trong bản cáo trạng, khi biết Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn có kinh phí để triển khai các dự án xử lý, phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại TP Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng, Đào Công Thảo và Vũ Đình Trọng là người của Công ty cổ phần Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường đã đến gặp ông Duyệt để “xin” thực hiện dự án.

Những người tố cáo khai rằng, ông Duyệt cho biết đã được trung ương cấp kinh phí là 6 tỷ đồng để thực hiện dự án và Đào Công Thảo cho biết với số kinh phí nêu trên đã đủ để thực hiện 2 dự án này. Tuy nhiên, ông Duyệt yêu cầu “nâng” dự toán thêm 1,5 tỷ đồng và sau đó “rút” số tiền nêu trên để chuyển lại cho ông Duyệt.

Những lời tố cáo này trở thành cơ sở để sau đó dẫn đến việc ông Nguyễn Đình Duyệt bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với cáo buộc “tư lợi cá nhân”.

Tuy nhiên, kết quả điều tra lại hoàn toàn không có căn cứ chứng minh ông Nguyễn Đình Duyệt yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường nâng khống dự toán, rút ruột để chuyển cho ông Duyệt. Bản thân ông Nguyễn Đình Duyệt cũng khẳng định hoàn toàn không có việc bàn bạc với đại diện của doanh nghiệp để nâng giá trị dự toán nhằm “rút ruột” công trình như nội dung tố cáo.

Ngay trong bản kết luận điều tra vụ án số 51 ngày 7/9/2020 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, quá trình điều tra không có đủ tài liệu chứng minh yếu tố vụ lợi của ông Nguyễn Đình Duyệt. Do vậy, Cơ quan điều tra đã thống nhất với VKS tỉnh Lạng Sơn đổi tội danh đối với ông Nguyễn Đình Duyệt sang tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, việc khởi tố đối với ông Nguyễn Đình Duyệt về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã được chính cơ quan điều tra xác định là “oan”.

Đổi tội danh nhưng vẫn thiếu thuyết phục

Khi không có căn cứ buộc tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cơ quan điều tra và VKS đã đổi tội danh đối với ông Duyệt sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cáo trạng của VKS tỉnh Lạng Sơn cho rằng, ông Nguyễn Đình Duyệt thiếu trách nhiệm trong quá trình lập báo cáo kinh tế kỹ thuật khi để đơn vị tư vấn ghi sai mã hiệu dự án; thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát không đủ năng lực chuyên môn và thiếu trách nhiệm trong việc nghiệm thu hoàn thành dự án dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước.

Song, ông Duyệt cho rằng, tội danh này cũng không thuyết phục, không đủ căn cứ. Theo hồ sơ thể hiện, khi có kinh phí thực hiện dự án, Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Chi Cục bảo vệ môi trường cùng đơn vị tư vấn xây dựng đề cương nhiệm vụ khảo sát bổ sung và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hai dự án xử lý, phục hồi môi trường tại TP Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng.

Sau khi được giao nhiệm vụ, Chi Cục bảo vệ môi trường đã có tờ trình lãnh đạo Sở TN-MT phê duyệt đề cương nhiệm vụ gói thầu tư vấn khảo sát bổ sung và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hai dự án này, đồng thời Chi Cục bảo vệ môi trường có tờ trình về việc chỉ định đơn vị khảo sát bổ sung và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hai dự án. Theo đó, Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ môi trường là đơn vị được chỉ định để thực hiện khảo sát và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Sau khi lựa chọn được nhà thầu thực hiện tư vấn, khảo sát và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ môi trường. Công ty này cũng đã hoàn thành báo cáo tổng dự toán trình Sở Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo kinh tế kỹ thuật và tổng dự toán cũng đã được chuyển cho Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn để thẩm định theo quy định.

Sở Xây dựng đã có văn bản lấy ý kiến Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và thực hiện thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật hai dự án nêu trên.

Sau khi có văn bản thẩm định của các ngành, ngày 19/9/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trình UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xử lý môi trường tại TP Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng. Ngày 22 và 23/9/2016, UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xử lý môi trường tại TP Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng.

Quy trình thực hiện các bước để đi đến triển khai dự án được Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn thực hiện đầy đủ trước khi trình UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt. Do vậy, ông Duyệt cho biết việc Cơ quan điều tra và VKS kết luận ông đã “thiếu trách nhiệm” khi thực hiện việc lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; để cho đơn vị tư vấn lập dự toán sai (áp mã hiệu sai) là chưa thỏa đáng.

Không chỉ ông Nguyễn Đình Duyệt không đồng ý với các cáo buộc của VKSND tỉnh Lạng Sơn mà các cáo buộc này cũng bị TAND tỉnh không chấp nhận.

Tại bản án sơ thẩm ngày 4/1/2021, Tòa án nhận định những lỗi mà VKS quy kết đối với ông Duyệt chỉ là lỗi hành chính, không gây hậu quả nên không có căn cứ quy kết ông Nguyễn Đình Duyệt thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình lập dự toán, báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Cụ thể, theo nhận định của Tòa án, ông Nguyễn Đình Duyệt tham mưu cho Giám đốc Sở TNMT trong quá trình khảo sát, lập dự toán; chọn đơn vị giám sát không đủ năng lực, không sâu sát, thiếu kiểm tra nhưng các hành vi này không trực tiếp gây thiệt hại cho Nhà nước.

Tuy nhiên, Tòa chấp nhận quan điểm của VKS cho rằng, việc nghiệm thu không đúng thực tế của chủ đầu tư đối với một số hạng mục mà nhà thầu là Công ty cổ phần Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường thực hiện và khoản tiền thanh toán cho đơn vị tư vấn sát sát là hơn 593 triệu đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước nên quy kết trách nhiệm cho ông Nguyễn Đình Duyệt.

Về nhận định của Tòa án, theo Luật sư Trần Văn Toàn, ĐLS TP Hà Nội, trong vụ việc này cần làm rõ hơn vấn đề “thiệt hại của Nhà nước” khi quy kết trách nhiệm đối với bị can, bị cáo.

Cụ thể, đối với khoản tiền thuê đơn vị tư vấn giám sát thực hiện giám sát quá trình thi công của nhà thầu, VKS cho rằng đơn vị tư vấn giám sát không đủ năng lực nên khoản tiền chi trả cho đơn vị tư vấn giám sát là “thiệt hại” là không có căn cứ vững chắc vì pháp luật không quy định tiêu chuẩn năng lực của đơn vị tư vấn lĩnh vực này. Ngay tại văn bản gửi Cơ quan điều tra ngày 19/12/2019, Tổng Cục môi trường cũng nêu rõ, pháp luật không quy định tiêu chuẩn, điều kiện đối với đơn vị thực hiện giám sát thi công lĩnh vực xử lý hóa chất bảo vệ thực vật.

Đơn vị tư vấn giám sát thực tế đã thực hiện công việc theo hợp đồng tư vấn giám sát nên khoản tiền thanh toán cho đơn vị tư vấn giám sát là có căn cứ và không thể quy kết đây là khoản thiệt hại đối với Nhà nước. Điều đáng nói, việc lựa chọn đơn vị tư vấn và ký hợp đồng cũng không do ông Nguyễn Đình Duyệt thực hiện mà do Giám đốc Sở TN-MT Lạng Sơn thực hiện. Do vậy, xác định khoản tiền trả cho doanh nghiệp tư vấn giám sát theo hợp đồng là "thiệt hại", từ đó quy kết trách nhiệm cho lãnh đạo Sở TN-MT rõ ràng là không phù hợp.

Luật sư Lê Văn Kiên, VLPS Ánh sáng Công lý cũng cho rằng, bản án sơ thẩm đã chỉ ra nhiều nội dung bất hợp lý trong cáo trạng của VKS tỉnh Lạng Sơn khi buộc tội bị can. Song, nhiều nhận định về vụ án này của Tòa án cũng cho thấy, bản án buộc tội đối với ông Nguyễn Đình Duyệt còn nhiều điểm chưa có căn cứ.

“Trước hết, bản án nhận định các dự án trên là đảm bảo chất lượng được đưa vào sử dụng hiệu quả cho thấy, việc thực hiện dự án này của nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát là không vi phạm về chất lượng. Hai hợp đồng mà Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn là các hợp đồng xây dựng trọn gói, giá trị hợp đồng không thay đổi đơn giá trong suốt thời gian thi công. Khi các công việc theo hợp đồng đã thực hiện đầy đủ và đảm bảo chất lượng thì có thể thấy Nhà nước không bị thiệt hại do việc thực hiện hợp đồng này”, Luật sư Lê Văn Kiên nhận xét.

Luật sư Lê Văn Kiên cũng cho biết, đối với công việc hạch toán nội bộ và phân công công việc trong nội bộ nhà thầu, dẫn đến bản thân nhà thầu bị thiệt hại về tài sản thì không phải là thiệt hại tài sản nhà nước. Công việc theo hợp đồng với Sở TN-MT đã được nhà thầu thực hiện xong và việc chủ đầu tư thanh toán theo hợp đồng là phù hợp, không thể coi là thiệt hại. Còn việc doanh nghiệp hạch toán chi phí liên quan đến biện pháp thi công, cần xem xét lại đó không phải là thiệt hại của nhà nước.

Trong hồ sơ vụ án thể hiện, nhà thầu thay đổi biện pháp thi công nhưng không làm thay đổi kết quả thực hiện dự án và không làm ảnh hưởng tới đơn giá đã được phê duyệt đối với dự án này. Trong văn bản gửi Cơ quan điều tra, Sở Xây dựng cũng khẳng định, không đủ cơ sở để xác định giá trị chênh lệch do thay đổi biện pháp thi công từ thuê máy xúc sang sử dụng 8 nhân công để thực hiện công việc theo hợp đồng.

“Do đó, việc cho rằng nghiệm thu không đúng thực tế thi công dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước cũng không có cơ sở và việc Nhà thầu thay đổi biện pháp thi công không làm thiệt hại cho Nhà nước và không phải là căn cứ quy kết ông Nguyễn Đình Duyệt thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Luật sư Lê Văn Kiên nói.

Từ việc Cơ quan điều tra thừa nhận tội danh khởi tố đối với ông Nguyễn Đình Duyệt là không có căn cứ đến việc Tòa án sơ thẩm bác gần hết những cáo buộc của cáo trạng đối với ông Nguyễn Đình Duyệt cho thấy, vụ án này rõ ràng có dấu hiệu oan sai và Tòa án cấp phúc thẩm cần xem xét lại những quy kết chưa đủ căn cứ để tránh gây oan sai cho bị cáo.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm