Nguyên Phó Giám đốc Sở TNMT Lạng Sơn đề nghị xử lý người tố cáo sai sự thật khiến ông bị oan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Nguyễn Đình Duyệt bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng kết quả điều tra cho thấy, nội dung tố cáo này là không có căn cứ. Công an Tỉnh Lạng Sơn cũng xác nhận, không có căn cứ buộc ông về tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ theo nội dung tố cáo, nhưng từ chối xử lý người tố cáo sai.

Xác định tố cáo sai, Công an Lạng Sơn vẫn từ chối xử lý người tố cáo

Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, ông Nguyễn Đình Duyệt, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn đã bị khởi tố oan về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do tố cáo của ông Đào Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chuyển giao công nghệ môi trường, nhà thầu thi công dự án cải tạo, phục hồi điểm tồn dư hóa chất.

Việc xác định ông Nguyễn Đình Duyệt không Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã được làm rõ trong kết luận điều tra vụ án này. Tuy nhiên, việc xử lý hậu quả của các quyết định khởi tố sai được cho là chưa công bằng do người tố cáo sai sự thật không bị xử lý trước pháp luật còn ông Nguyễn Đình Duyệt lại bị gán cho một tội danh khác thiếu thuyết phục.

Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Lạng Sơn, năm 2016, ông Đào Công Thảo cùng cộng sự là Vũ Đình Trọng lên Lạng Sơn và gặp ông Duyệt để xin thi công 2 dự án cải tạo, phục hồi điểm tồn dư hóa chất do Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Ông Thảo trình bày với Cơ quan điều tra, khi gặp ông Nguyễn Đình Duyệt và được biết, 2 dự án được trung ương cấp kinh phí 6 tỷ đồng để thực hiện. Theo nội dung tố cáo của ông Đào Công Thảo và lời khai tại Cơ quan điều tra, ông Thảo cho rằng ông Nguyễn Đình Duyệt yêu cầu nâng dự toán thêm 1,5 tỷ đồng và sau đó phía nhà thầu phải rút khoản tiền này để đưa lại cho ông Duyệt.

Với nội dung tố cáo như trên, Cơ quan điều tra đã khởi tố ông Nguyễn Đình Duyệt về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Duyệt bị bắt tạm giam 79 ngày.

Tuy nhiên, quá trình điều tra đã không có bất cứ tài liệu nào chứng minh việc ông Duyệt nhận tiền của ông Đào Công Thảo. Hơn nữa, dự toán được phê duyệt của các dự án do đơn vị tư vấn lập từ năm 2012 đến năm 2016 không có căn cứ xác định bị nâng khống. Do đó, trong kết luận điều tra và cáo trạng, Cơ quan điều tra, VKS tỉnh Lạng Sơn đã phải xác định, ông Nguyễn Đình Duyệt không phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ như nội dung tố cáo mà Cơ quan đã sử dụng để khởi tố đối với ông Duyệt.

Sau khi các cơ quan tố tụng tỉnh Lạng Sơn xác định nội dung tố cáo của ông Đào Công Thảo không có căn cứ, ông Nguyễn Đình Duyệt đã làm đơn tố cáo, đề nghị xử lý đối với ông Đào Công Thảo vì đã có hành vi vu khống đối với ông Duyệt.

Trong đơn tố cáo ông Đào Công Thảo, ông Nguyễn Đình Duyệt nêu rõ: “Việc ông Đào Công Thảo cung cấp thông tin bịa đặt cho cơ quan điều tra, vu khống tôi hai lần nhận tiền của ông Thảo đã gây thiệt hại về vật chất và tinh thần. Căn cứ vào thông tin này, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam đối với tôi về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau này, chính cơ quan điều tra, VKS kết luận lời khai của ông Đào Công Thảo là không có căn cứ. Do đó, việc tố cáo của ông Thảo là vu khống đối với tôi”.

Theo tài liệu phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi điểm tồn dư hóa chất tại xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn được phê duyệt dự toán năm 2012 là 6,65 tỷ đồng; điều chỉnh dự toán và phê duyệt năm 2016 là 6,89 tỷ đồng; dự án được triển khai tại xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng được phê duyệt năm 2012 là 7,29 tỷ đồng và điều chỉnh năm 2016 là 8,3 tỷ đồng. Lý do điều chỉnh sau 4 năm chủ yếu do giá thành các yếu tố đầu vào của dự án thay đổi.

Trong văn bản trả lời đơn tố cáo của ông Duyệt, Công an tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc khởi tố đối với ông Duyệt dựa vào các tài liệu chứng cứ khác nhau chứ không chỉ căn cứ lời khai của Đào Công Thảo. Do đó, Công an tỉnh Lạng Sơn không có căn cứ xem xét xử lý Đào Công Thảo về tội vu khống.

Về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh Sáng Công Lý cho rằng, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định ông Nguyễn Đình Duyệt không phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như nhận định của cơ quan điều tra khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can là một trong các căn cứ xác định việc tố cáo là đúng hay sai. Rõ ràng, với kết quả điều tra như trên, việc tố cáo của ông Đào Công Thảo là hoàn toàn không có căn cứ và có dấu hiệu vu khống.

“Hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền là có dấu hiệu của tội Vu khống theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 156 Bộ luật hình sự. Việc ông Đào Công Thảo tố cáo ông Nguyễn Đình Duyệt 2 nhận tiền của ông Thảo và yêu cầu nâng khống dự toán đã được cơ quan điều tra xác định là không có thật nên tố cáo của ông Duyệt đối với ông Đào Công Thảo là có căn cứ, cần được giải quyết đúng pháp luật”, Luật sư Lê Văn Kiên nhận xét.

Việc đổi tội danh thiếu thuyết phục, ông Duyệt tiếp tục kêu oan

Không chỉ đề nghị xử lý hành vi của ông Đào Công Thảo về tội vu khống, ông Nguyễn Đình Duyệt còn kháng cáo bản án của TAND tỉnh Lạng Sơn khi tòa chấp nhận việc Cơ quan điều tra và VKS đổi tội danh đối với ông mà không đình chỉ điều tra, sau khi đã xác định ông không phạm tội như quyết định khởi tố bị can.

Cụ thể, bản án sơ thẩm tuyên phạt ông Nguyễn Đình Duyệt 2 năm tù cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cho rằng, ông Duyệt đã không làm tròn trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu tư vấn giám sát dẫn đến thiệt hại hơn 139 triệu đồng; không sâu sát, tin tưởng cấp dưới trong khâu lập dự toán để nhà thầu tự khảo sát, lập dự toán, áp dụng mã hiệu không đúng dẫn đến thiệt hại cho nhà nước hơn 454 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đình Duyệt và ý kiến của các luật sư bào chữa cho ông Duyệt đã chỉ ra nhiều bất hợp lý khi quy kết trách nhiệm ông Nguyễn Đình Duyệt đối với các khoản được cho là “thiệt hại” nêu trên.

Cụ thể, Luật sư Trần Hồng Phúc, Công ty Luật thực hành Nguyễn Chiến cho biết, các dự toán của 2 dự án được phê duyệt từ năm 2012 đến năm 2016 đều do Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ môi trường lập, có điều chỉnh nhưng không nhiều. Ngay từ năm 2012 thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn đã lựa chọn đơn vị này làm đơn vị tư vấn lập dự toán chứ không phải do ông Nguyễn Đình Duyệt bố trí, lựa chọn như quy kết.

Một vấn đề cốt lõi nữa là, những vấn đề liên quan đến nhà thầu tư vấn của hai dự án đã hình thành từ năm 2012. Ông Nguyễn Đình Duyệt không phải là người quyết định lựa chọn Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ môi trường làm nhà thầu tư vấn dự án mà do Giám đốc Sở quyết định. Do đó, việc quy kết ông Nguyễn Đình Duyệt phải chịu trách nhiệm đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn “không có năng lực”. Hơn nữa, cũng không có căn cứ xác định nhà thầu tư vấn là không có năng lực, Luật sư nhấn mạnh.

Đối với trách nhiệm trong việc ký hồ sơ nghiệm thu, thanh toán các hợp đồng, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công đã kê khống khối lượng thực hiện dẫn đến nghiệm thu không đúng và thanh toán không đúng, gây thiệt hại cho nhà nước.

Cơ quan điều tra cho rằng, ông Nguyễn Đình Duyệt và ông Bế Chí Bằng, Chi Cục phó Chỉ cục bảo vệ môi trường (đã mất) được giao thực hiện công việc của chủ đầu tư dự án đã không phát hiện nên phải bị xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bản án sơ thẩm cũng nhận định, hành vi nghiệm thu không đúng dẫn đến thanh toán không đúng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước nên phải xử lý hình sự.

Nhận định về quan điểm này của cơ quan điều tra và tòa án, Luật sư Trần Văn Toàn, ĐLS TP Hà Nội cho rằng, cần hết sức khách quan trong việc xác định trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến nghiệm thu khống, nghiệm thu sai dẫn đến thanh toán sai. Nhiều trường hợp, đại diện chủ đầu tư không phải chịu trách nhiệm do vi phạm từ phía nhà thầu.

“Nếu việc nghiệm thu khống là cố ý của nhà thầu thi công và tư vấn giám sát; cố ý che dấu mà chủ đầu tư không thể biết, dẫn đến thanh toán không đúng khối lượng, thì trường hợp này, nhà thầu thi công bị truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đại diện chủ đầu tư không biết việc lập hồ sơ khống nên việc quy kết tội cho các cá nhân này là chưa đủ cơ sở”, Luật sư Trần Văn Toàn cho biết.

Trong vụ việc này, việc thực hiện các hoạt động quản lý dự án do các cán bộ của Chi Cục bảo vệ môi trường thuộc Sở TNMT tỉnh Lạng Sơn thực hiện. Ông Nguyễn Đình Duyệt không phải là cán bộ kỹ thuật, chuyên môn nên không trực tiếp tham gia công tác nghiệm thu khối lượng. Do đó, việc không xem xét trách nhiệm công chức trực tiếp thực hiện công tác nghiệm thu và trình ký hồ sơ nghiệm thu mà xử lý người ký sau cùng là chưa thỏa đáng, Luật sư Trần Hồng Phúc, người bào chữa cho ông Nguyễn Đình Duyệt kiến nghị.

Việc ông Nguyễn Đình Duyệt kêu oan cho dù chỉ bị xử phạt 2 năm án treo cho thấy, vụ án còn nhiều vấn đề cần được làm rõ. Đặc biệt, việc khởi tố ông Duyệt theo nội dung tố cáo sai sự thật là khởi tố oan và việc chuyển tội danh đối với ông Nguyễn Đình Duyệt có phải là cách mà các cơ quan tố tụng tỉnh Lạng Sơn thực hiện để tránh phải bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Đình Duyệt hay không?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin ý kiến của các chuyên gia pháp luật về vụ việc này.

Đọc thêm