Cáo trạng truy tố các bị can Lê Quang Trí, nguyên Tổng Giám đốc Navibank cùng 3 nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank gồm: Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn. 6 bị can còn lại gồm: Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Trần Thanh Bình, Đinh Thị Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Oanh, Phạm Thị Thu Hiền là nguyên Trưởng các phòng ban thuộc Navibank. Cả 10 bị can thuộc Navibank bị truy tố về cùng tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, tại các phiên tòa xét xử, 9/10 bị cáo kêu oan bởi cho rằng, việc giải ngân cho các nhân viên Navibank số tiền hơn 1.500 tỷ đồng đem sang gửi tại Vietinbank là hoạt động bình thường của ngân hàng, nên hành vi này không cấu thành tội phạm.
Cũng theo các bị cáo, họ làm việc vì muốn cứu ngân hàng, muốn cho ngân hàng ngày càng phát triển, chứ hoàn toàn không được tư lợi và không có ý định tư lợi một đồng nào của Navibank cả. Các bị cáo kêu oan cũng cho rằng, số tiền 200 tỷ đồng không phải là tiền thiệt hại của vụ án, bởi số tiền này đang nằm tại Vietinbank. Và nếu đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt của Vietinbank chứ không phải của Navibank.
Các luật sư bào chữa cho 9/10 bị cáo cũng đưa ra nhiều lập luận, chứng cứ chứng minh 9/10 bị cáo không phạm tội và đề nghị tuyên các bị cáo có tội. Chỉ có duy nhất 1 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng cho rằng việc làm sai trái của mình là do có nguyên nhân đặc biệt, và xin pháp luật khoan hồng, bởi đang phải nuôi con nhỏ.
Tuy nhiên, đại diện Viện KSND TP HCM thực hành quyền công tố tại tòa đã cho rằng, việc các bị cáo không gửi tiền liên ngân hàng, mà cho nhân viên đem tiền qua ngân hàng khác, giả cách bằng các hợp đồng tiền gửi để hưởng lãi trong, lãi ngoài đã cấu thành tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả của vụ án mặc nhiên đã được xác định trong bản án xét xử Huyền Như trước đó, bản án đã có hiệu lực pháp luật nên không cần phải bàn cãi thêm.
Từ các lập luận trên, đại diện VKS bảo lưu quan điểm truy tố, đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo có tội, với các mức án cụ thể như sau: Bị cáo Trí từ 14 – 15 năm tù về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng tội danh đó, các bị cáo Luật, Nam, Phát, Bình bị đề nghị cùng mức án từ 12 – 13 năm tù. Hai bị cáo Cương và Sơn bị đề nghị 10 - 11 năm tù. Bị cáo Trang bị đề nghị mức án 9 – 10 năm tù. Hai bị cáo còn lại là Oanh và Hiền bị đề nghị mức án từ 8 – 9 năm tù.
Sau thời gian nghị án, HĐXX cho rằng, các bị cáo đã bất chấp lập các hợp đồng giả cách nhằm hưởng lãi suất cao và bị Huyền Như lừa. Navibank đã hưởng lợi số tiền hơn 24,3 tỷ đồng nhờ lãi suất ngoài. Điều đó thể hiện rõ các bị cáo đã cố ý làm trái.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là có, do đó, quan điểm của các bị cáo, cũng như của các luật sư về việc không phạm tội là không có căn cứ. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội nên cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để có tác dụng giáo dục riêng và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội.
Trong quá trình nghị án, HĐXX cũng cân nhắc, xem xét cho các bị cáo một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Sau khi cân nhắc, xem xét toàn diện vụ án, HĐXX quyết định tuyên phạt nguyên Tổng Giám đốc Navibank Lê Quang Trí 13 năm tù, Đoàn Đăng Luật 11 năm tù, Huỳnh Vĩnh Phát 11 năm, Cao Kim Sơn Cương 12 năm, Nguyễn Hùng Sơn 12 năm, Nguyễn Giang Nam 12 năm, Trần Thanh Bình 10 năm, ĐinhThị Đoan Trang 7 năm, Nguyễn Ngọc Oanh 7 năm và Phạm thị Thu Hiền 7 năm.
Về dân sự, HĐXX tuyên buộc Navibank phải nộp lại 24,3 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước vì cho rằng đáy là khoản tiền thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay trái quy định. Đặc biệt, HĐXX kiến nghị cơ quan CSĐT tiếp tục làm rõ nhân viên VietinBank có hay không giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank.