Nguyễn Vĩnh Nguyên “xúi” trẻ con “Đi tìm hoang dã”

 Viết sách thiếu nhi từ xưa đến nay vẫn được coi là lãnh địa “khó” đối với nhiều cây viết trong nước. Điểm đi điểm lại trong vòng hai năm qua, những quyển sách thiếu nhi được đánh giá cao về chất lượng và được đón nhận chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, và hầu hết là của những tác giả quen thuộc

Viết sách thiếu nhi từ xưa đến nay vẫn được coi là lãnh địa “khó” đối với nhiều cây viết trong nước. Điểm đi điểm lại trong vòng hai năm qua, những quyển sách thiếu nhi được đánh giá cao về chất lượng và được đón nhận chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, và hầu hết là của những tác giả quen thuộc: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Đảo Mộng mơ” (Nguyễn Nhật Ánh), “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần)...

"Đi tìm hoang dã"

Vừa qua, nhà văn trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên cho ra mắt quyển sách thiếu nhi đầu tay “Đi tìm hoang dã” đã thu hút sự chú ý của không chỉ độc giả từng yêu thích tác phẩm của anh. Với “Đi tìm hoang dã”, Nguyễn Vinh Nguyên lần đầu tiên bước vào lãnh địa của sách thiếu nhi, và mày mò cho mình một con đường lạ với nhiều thủ pháp mới, mà anh cắt nghĩa là “cắt dán” và “đưa kịch bản phân cảnh vào hình ảnh”.

Với thủ pháp trên, Nguyễn Vĩnh Nguyên cho ra đời một quyển sách hình thức khá đặc biệt so với tác phẩm cho thiếu nhi hiện nay: Tư liệu lồng trong truyện, đồng thời truyện được kết hợp giữa văn viết và những hình ảnh minh họa hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm...

Câu chuyện xoay quanh cuộc phiêu lưu của hai anh em Bò Văn Đốm và Bê Thị Út, một cuộc phiêu lưu cả trong đời sống và trong tâm tưởng của hai chú bò nhằm từ bỏ cuộc sống gò bó, bị chăn dắt, hành hạ, để đến với một thế giới hoàn toàn hoang dã, nơi muôn sinh vật được tự do sinh sống hòa bình và sáng tạo. 

Nhà văn trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên

Kết hợp giữa giữa văn phong vui nhộn kiểu trẻ con (hình ảnh Bê Út hồn nhiên có tật hay... đánh rắm mỗi khi xúc động hay những bài hát nhại lời nghêu ngao kiểu như “Đời bò vẫn đẹp sao/ Tình bò vẫn đẹp sao/ Dù hàm răng không còn chiếc nào...”) và nhiều ẩn dụ, hàm nghĩa (sự giằng co giữa “Có bầy đàn và được chăn dắt là hạnh phúc” với “Đi tìm hoang dã” của hai chú bò), quyển sách thu hút sự chú ý của độc giả ở nhiều lứa tuổi, đó cũng là lý do của câu giới thiệu “Cuốn sách dành cho thiếu nhi từ 8 đến 88,8 tuổi” in ở bìa sau tác phẩm.

Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ: “Với cảm nhận của riêng mình, tôi thấy sách thiếu nhi hiện nay bị “gò” vào “khung” rất nhiều, rằng sách dành cho thiếu nhi thì phải dễ hiểu, hồn nhiên, ngây thơ, văn phong giản dị... Trong khi đó, các tác phẩm văn chương thiếu nhi kinh điển của thể giới như Truyện cổ Andecxen, Hoàng tử bé.. đều chứa đựng nhiều tầng nghĩa, thách thức cả độc giả người lớn mà ở mỗi lứa tuổi người ta đều có thể giải mã thêm những ẩn nghĩa trong đó. Hãy để thiếu nhi tự lựa chọn và yêu thích văn chương dành cho mình, chứ không nên có bất cứ sự áp đặt nào”.

Không cắt nghĩa, không áp đặt, không đưa vào bài học nào, đó là cách thức mà Nguyễn Vĩnh Nguyên đưa truyện thiếu nhi của mình tiếp cận với người đọc, anh bộc bạch: “Tôi đưa người đọc vào một thế giới hoang dã, ở trong đó họ tự xoay sở, tự đặt câu hỏi và trả lời cho mình”.

Ngọc Mai

Đọc thêm