Theo phản ánh của bà Trần Thị Nam Dung (ngụ phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội), năm 2011, thông qua bà Trương Thị Hải Yến (khi đó là Phó hiệu trưởng trường THPT dân lập Phương Nam, Hà Nội), bà đã góp trên 36 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Trường THPT dân lập Phương Nam.
Cùng với bà Dung còn có nhiều nhà đầu tư khác, với tổng số tiền mà bà Yến vay của các cá nhân lên tới trên 300 tỉ đồng.
Tất cả mọi giấy tờ, hợp đồng vay tiền giữa bà Yến với những người cho vay đều đóng dấu treo xác nhận của Trường THPT dân lập Phương Nam và bà Yến ký nhận với tư cách Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Hợp đồng cho vay được kí kết vào ngày 30/10/2011 và biên bản xác nhận công nợ kiêm phương án thanh toán ngày 30/10/2012 ghi rõ, bên cho vay tiền là bà Trần Thị Nam Dung, bên vay là bà Trương Thị Hải Yến.
Theo hợp đồng này, bà Yến được Hội đồng quản trị trường THPT dân lập Phương Nam cử đại diện thay mặt nhà trường ký hợp đồng với khoản vay 36,882 tỷ đồng và ký kết biên bản xác nhận công nợ kiêm phương án thanh toán.
Biên bản xác nhận công nợ kiêm phương án thanh toán cũng nêu rõ, Trường THPT dân lập Phương Nam cam kết trong vòng 2 tháng (từ ngày 30/10/2012 đến ngày 30/12/2012) sẽ thanh toán cho bà Trần Thị Nam Dung số tiền là 36,882 tỷ đồng.
Trong các Hợp đồng cho vay, bên vay là trường THPT Dân lập Phương Nam, bà Trương Thị Hải Yến ký nhận với tư cách Phó hiệu trưởng, có đóng dấu nhà trường |
Hai bên cũng ký cam kết, trong trường hợp hết thời hạn trên mà bên Trường không thanh toán được cho bà Dung số tiền trên thì người đại diện của Trường cam kết nhượng lại cho bà Dung số cổ phần tương ứng với số tiền còn nợ.
Tuy nhiên, trong khi công nợ giữa 2 bên chưa được giải quyết thì bà Trương Thị Hải Yến bị bắt vì nhiều tội danh khác nhau. Cùng với bà Trần Thị Nam Dung, rất nhiều người dân liên quan đến vụ việc đã gửi đơn đến cơ quan chức năng của TP Hà Nội và quận Hoàng Mai để đề nghị thụ lý giải quyết việc vay vốn của bà Trương Thị Hải Yến và trường Phương Nam. Ngôi trường này vì vậy cũng bị dừng hoạt động một thời gian.
Tuy nhiên, trong lúc việc tranh chấp đầu tư góp vốn xây dựng trường chưa được giải quyết thì sau đó trường THPT dân lập Phương Nam đã làm thủ tục đổi tên thành trường THPT Phương Nam.
Đáng nói, ngày 3/7/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có quyết định công nhận HĐQT Trường THPT Phương Nam trong khi vụ việc vẫn đang được Tòa án thụ lý. Việc làm này của Sở GD&ĐT Hà Nội khiến cho những người đã cho bà Yến vay tiền để góp vốn vào trường Phương Nam vô cùng lo lắng, bức xúc.
Ông Nguyễn Thịnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Phương Nam cho rằng, việc bà Yến vay nợ các khoản tiền của các cá nhân, tổ chức, sử dụng con dấu và danh nghĩa của trường THPT Phương Nam nhưng không đầu tư vào nhà trường là quan hệ dân sự của cá nhân bà Yến, không liên quan đến trường Phương Nam.
Như vậy, đại diện Trường THPT Phương Nam đã phủ nhận toàn bộ giao dịch mà bà Yến ký kết, phủ nhận trách nhiệm trả lại tài sản cho bà Dung.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.