Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp của nước ngoài của Việt Nam tính từ đầu năm 2015 đến thời điểm 20/11/2015 đã thu hút được 1.855 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,55 tỷ USD, như vậy tăng 30% về số dự án và tăng 1,1% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, có 692 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 6,67 tỷ USD.
Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 20,22 tỷ USD, tức tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng năm 2015 ước tính đạt 13,20 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 17,9%.
Cụ thể, trong 11 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 12,93 tỷ USD, tương đương 64% tổng vốn đăng ký.
Đứng thứ hai là ngành sản xuất và phân phối khí đốt, điện, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,78 tỷ USD, tương đương 13,7%.
Tiếp đó là ngành kinh doanh BĐS đạt 2,33 tỷ USD, tương đương 11,5%; còn các ngành khác đạt 2,18 tỷ USD, tương đương 10,8%.
Cả nước có 47 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 11 tháng năm 2015.
Trong đó, có số vốn đăng ký lớn nhất là Tp.HCM với 2.546,8 triệu USD, tương đương 18,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Trà Vinh 2.526,8 triệu USD, tương đương 18,6%; Đồng Nai 1.461,9 triệu USD, tương đương 10,8%; Bình Dương 1.187,7 triệu USD, tương đương 8,8%; TP. Hà Nội là 813,1 triệu USD, tương đương 6%; TP. Hải Phòng 491,1 triệu USD, tương đương 3,6%; Tây Ninh 425,8 triệu USD, tương đương 3,1%; Vĩnh Phúc 371,2 triệu USD, tương đương 2,7%.
Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng thì nhà đầu tư lớn nhất là Hàn Quốc với 2.515,6 triệu USD, tương đương 18,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Đứng thứ hai là Malaysia với 2.445,3 triệu USD, tương đương 18%; Anh 1.269,2 triệu USD, tương đương 9,4%; Nhật Bản 1.267,5 triệu USD, tương đương 9,4%; Đài Loan 910,7 triệu USD, tương đương 6,7%; Singapore 852,8 triệu USD, tương đương 6,3%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 682,4 triệu USD, tương đương 5%; Thổ Nhĩ Kỳ 660,3 triệu USD, tương đương 4,9%; cuối cùng là Trung Quốc với 566,2 triệu USD, tương đương 4,2%.