Nhà giàn DK1 - Cột mốc chủ quyền trên biển Đông

(PLO) - Ở “bể dầu” khu vực thềm lục địa phía Nam của nước ta, các nhà giàn hiện lên sừng sững, chân cắm sâu vào lòng biển như những cột mốc chủ quyền, như những “mắt thần” canh giữ biển Đông. Bà con ngư dân các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam mỗi khi gặp sóng to, gió lớn hay hoạn nạn trên biển thường tìm đến các nhà giàn để trú ẩn và nhờ sự giúp đỡ. 
Nhà giàn - Những cột mốc chủ quyền trên biển Đông
Nhà giàn - Những cột mốc chủ quyền trên biển Đông
“Mắt thần” canh giữ biển Đông
Khu vực thềm lục địa phía Nam nằm ở phía Đông Nam bờ biển Việt Nam, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu. Phía Đông Bắc và Đông khu vực DK1 là quần đảo Trường Sa, phía Nam là vùng biển của Việt Nam và vùng biển của các nước Malaysia, Indonesia, phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Đảo của Việt Nam. 
Khu vực vùng biển DK1 nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng, từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và tuyến đường hàng hải chính qua biển Đông. Đây là khu vực biển có nguồn hải sản phong phú, với trữ lượng lớn, trong đó có nhiều loài thuộc dòng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đây cũng là khu vực có nhiều mỏ dầu và khí tự nhiên với trữ lượng lớn, Việt Nam đã và đang khai thác phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
Năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam ra Chỉ thị tuyên bố thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học – Dịch vụ thuộc sự quản lý hành chính của Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Thực hiện Chỉ thị này, Quân chủng Hải quân phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Dầu khí triển khai xây dựng 3 nhà giàn đầu tiên tại các bãi ngầm Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè. Tiếp đó, các nhà giàn được xây dựng trên các bãi ngầm Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường.
Hiện nay, có 15 nhà giàn hiện diện vững chắc trên các bãi ngầm khu vực DK1. Nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ các quyền chủ quyền ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên ở thềm lục địa của Việt Nam. 
Thường trực tại đây có các lực lượng bộ đội Hải quân cùng cán bộ, nhân viên các ngành bảo đảm hàng hải, khí tượng thủy văn, dầu khí ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ quốc kế dân sinh. Những ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu… vẫn thường gọi các nhà giàn là những “mắt thần” canh giữ biển Đông. 
Trao quà động viên cán bộ chiến sỹ Nhà giàn DK1
Trao quà động viên cán bộ chiến sỹ Nhà giàn DK1
Cuộc thử sức ở… chân cầu thang Nhà giàn!
Chúng tôi đến Nhà giàn DK1 trên bãi ngầm Quế Đường vào đúng ngày sóng cả. Những đợt sóng cao khiến cho việc lên Nhà giàn DK1 của Đoàn công tác trở nên vô cùng khó khăn. Một trong những chiếc xuồng đầu tiên chở Đoàn Văn công tỉnh Đồng Tháp lên Nhà giàn DK1 đã phải quay trở lại tàu. Chiếc xuồng còn lại chở cánh phóng viên báo chí cũng phải rất vất vả mới có thể đưa các thành viên an toàn lên tới Nhà giàn. 
Nhìn những thủy thủ căng thẳng cao độ quan sát từng động tác ngập ngừng của các thành viên đoàn công tác, những tiếng hô “Không được”, “Khẩn trương lên”, “Bước nhanh”… vang lên giữa tiếng sóng ầm ào, không ai không khỏi lo lắng. Chiếc xuồng chở đoàn công tác cứ dập dềnh mãi ở chân cái thang sắt dựng thẳng đứng từ mép nước dẫn lên Nhà giàn. Chỉ cần một tích tắc sơ sảy, hậu quả sẽ vô cùng khó lường, chí ít thì cũng bị xuồng dập cho gãy chân, nặng thì mất mạng như chơi. Nhiều người, phần vì chưa có kinh nghiệm, phần vì quá sợ, không sao tìm được thời điểm xuồng được sóng đẩy lên cao nhất để leo lên Nhà giàn. 
Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết, có lần vào mùa biển động, Đoàn công tác không tài nào tiếp cận được Nhà giàn, những Bằng khen định mang ra trao tặng cho tập thể cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1 lại phải gửi quay ngược vào bờ. Còn việc phải dùng đường “hàng không”, tức là dùng ròng rọc kéo khách lên Nhà giàn, là chuyện bình thường. 
Tuy nhiên, sóng to gió lớn chỉ là một trong vô vàn khó khăn đối với các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1. Nước ngọt dự trữ trên Nhà giàn được hứng từ nước mưa chảy xuống các mái lợp bằng sắt thép phun sơn nên để dùng được, cán bộ, chiến sỹ phải dẫn nước qua các bể lọc để hạn chế bớt mùi sơn, gỉ sắt và các tạp chất khác. Bên cạnh đó, còn có những mất mát vô hình mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu. 
Trong điều kiện khó khăn ấy, suốt 25 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, đã gác lại những tình cảm, hoài bão riêng tư để có mặt làm nhiệm vụ trên các Nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1 đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, bảo vệ an toàn các nhà giàn, đồng thời làm tốt công tác hướng dẫn ngư dân tránh, trú bão, khám sức khỏe và phát thuốc cho ngư dân. 
Kéo khách lên Nhà giàn
Kéo khách lên Nhà giàn 
“Những cái chết hóa thành bất tử”
Những chiến sỹ Hải quân đã lâu năm gắn bó với các Nhà giàn DK1 cho biết, không bao giờ các anh quên được những cái chết đã hóa thành bất tử của những người đồng đội ở nơi này. 
Đầu tháng 12/1990, cơn bão số 10 tràn qua khu vực DK1 với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11. Đêm 4/12/1990, nhà giàn Phúc Tần bị sóng dâng cao 14–15m đánh nghiêng 15o, phá vỡ các sàn gi tầng dưới và đến hơn 2h ngày 5/12, toàn bộ khối nhà bị đổ xuống biển. Lúc này, Trạm trưởng Nhà giàn là Trung úy Bùi Xuân Bổng, Trạm phó Chính trị là Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội sử dụng các phao, xuồng cứu sinh rời nhà giàn và thường xuyên điện báo về Sở chỉ huy. 
Sau khi nhận được điện báo Nhà giàn Phúc Tần bị đổ, Quân chủng Hải quân đã lệnh cho các tàu trực trên khu vực khẩn trương đến cứu bộ đội và cứu được 5 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng. Những ngày tiếp theo, Quân chủng Hải quân tiếp tục đưa các tàu đi tìm kiếm 3 đồng chí còn lại, nhưng do sóng to, gió lớn, việc cứu nạn rất khó khăn, các tàu đã không tìm thấy các đồng đội của mình bị sóng đánh trôi dạt. Ba cán bộ, chiến sỹ của Nhà giàn Phúc Tần đã mãi mãi ở lại với biển cả. 
Rồi cơn bão số 8 tháng 12/1998 tràn qua vùng biển DK1. Trong tình thế hiểm nghèo, Đại úy Vũ Quang Chương - Trạm trưởng Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên cùng với 8 cán bộ, chiến sỹ đã kiên trì bám trụ và báo cáo chính xác mọi diễn biến về Sở Chỉ huy. Giữa biển khơi mênh mông, đêm tối mịt mù, những đợt sóng cao 14 – 15m trùm qua, cùng với sức giật của gió làm cho nhà giàn bị rung chấn dữ dội. Đến 3h ngày 14/12/1998, thời điểm mà sự tàn phá của cơn bão số 8 lên đến đỉnh điểm, cũng là lúc Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sỹ nhà giàn bị hất tung xuống biển. Sau 3 ngày đêm nỗ lực tìm kiếm, lực lượng Hải quân phát hiện, cấp cứu được 6 đồng chí, 3 người còn lại mãi mãi hóa thân vào sóng nước….
Ngày nay, theo tập tục của những người lính biển, mỗi khi đi qua khu vực Nhà giàn DK1, các đoàn công tác đều dừng lại thả hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên khu vực thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải động viên cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên Nhà giàn DK1
Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải động viên cán bộ, chiến sỹ
đang công tác trên Nhà giàn DK1

Đọc thêm