Nỗi niềm tân binh trước biển
Chiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng lên đường nhận nhiệm vụ công tác tại đảo Sinh Tồn Đông chỉ 10 ngày sau khi ba em qua đời. Hùng đã ra đảo được 8 tháng nay, chỉ 3 tháng nữa là em hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Quê Hùng ở Ninh Thuận nên em không mấy bỡ ngỡ với cái nắng, cái gió của biển dù cuộc sống của người lính nơi đảo xa vất vả hơn nhiều so với ngày em còn ngồi trên ghế nhà trường. Vất vả bao nhiêu Hùng cũng chịu được, song ban đầu, điều mà em không sao “quen” được là nỗi nhớ nhà, thương mẹ cứ cồn lên mỗi khi đứng trước biển bao la. Hùng kể: “Trên em có hai anh, một chị. Em là con út trong gia đình nên được mẹ thương lắm. Ba mất rồi nên em thương mẹ nhất. Thỉnh thoảng em chỉ dám gọi điện về nhà xíu thôi, sợ mẹ lo”.
Nhưng trái với nỗi lo của Hùng, mẹ em thường xuyên gọi điện động viên con trai giữ gìn sức khỏe, yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Mẹ còn bảo rằng gia đình mình tự hào nhất xóm vì có con trai đang ở Trường Sa”. Các anh sỹ quan ở đảo cũng quan tâm, dìu dắt Hùng như em út trong nhà. Chính vì thế, chỉ sau 8 tháng ở đảo Sinh Tồn Đông, Hùng đã trở nên rắn rỏi, tự tin hơn hẳn. Hùng bảo: “3 tháng nữa em sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhưng chắc chắn em không bao giờ quên được thời gian được rèn luyện ở Trường Sa”.
Tin con sẽ trưởng thành hơn nhờ nắng gió Trường Sa
Nếu không có gì thay đổi thì tháng 7 này hai chiến sỹ Lê Văn Bắc và Nguyễn Văn Hòa đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Đảo Đá Lớn B cũng sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về nhà. Lê Văn Bắc quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, còn Nguyễn Văn Hòa ở Yên Khánh, Ninh Bình. Hai tân binh ở hai miền quê khác nhau đã trở nên thân thiết, cùng động viên nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Chiến sỹ Lê Văn Bắc và chiến sỹ Nguyễn Văn Hòa đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Đảo Đá Lớn B |
Bắc bảo: “Nhà em làm nông nghiệp, tuy ở Quảng Bình nhưng nhà em xa biển, trước đây em cũng không biết thế nào là đảo nổi, đảo chìm, nay thì em biết rồi. Bố mẹ em rất tự hào vì có con đi nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa nên em tự thấy mình phải luôn cố gắng để không phụ lòng tin tưởng của bố mẹ”.
Còn Hòa thì cho biết: “Nhà em có 6 anh chị em, em là con út nên ban đầu bố mẹ cứ lo là em ra đảo không biết có chịu đựng được không. Cuộc sống ở đảo khác nhiều so với tưởng tượng ban đầu của em nhưng chúng em chịu đựng được. Bố mẹ em ban đầu còn lo lắng nhưng giờ thì đã yên tâm vì thấy em trưởng thành hơn. Em cũng đã có người yêu ở nhà, bạn gái em rất tin tưởng ở em”.
Trong rất nhiều tân binh tôi gặp ở Trường Sa, chỉ duy nhất chiến sỹ Nguyễn Văn Hải ở đảo Sinh Tồn Đông vẫn giữ được làn da trắng trẻo, thư sinh. Thấy tôi lấy làm lạ trước nước da của mình, Hải ra sức thanh minh: “Em ra đảo được 9 tháng rồi, da trắng không phải vì em lười luyện tập đâu nhé, mà vì da em không bắt nắng đấy thôi. Được thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa là vinh hạnh lớn đối với mỗi thanh niên như chúng em nên không ai nhắc thì chúng em vẫn tự giác phấn đấu”. Hải cũng tâm sự bố mẹ em tin tưởng vào con trai lắm, “bố mẹ em thường bảo rất tin là con sẽ trưởng thành hơn, sống tốt hơn sau những ngày được rèn luyện trong Quân đội”.
Ở Trường Sa, có câu nói của một tướng lừng danh thế giới được các sỹ quan hải quân dạy cho tân binh của mình: “Người lính mà không ước mơ trở thành tướng là một người lính tồi”. Những người lính đi trước không chỉ giúp các em hoàn thành nghĩa vụ quân sự của một thanh niên đối với đất nước mà còn hướng các em biết ước mơ để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Nhớ những lời động viên ấy, những thanh niên lần đầu đến với Trường Sa đang ngày đêm phấn đấu để trở thành “người lính tốt” nơi tuyến đầu Tổ quốc.