Nhà máy bê tông không phép tại Lạng Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chưa được cấp phép xây dựng nhưng Cty CP Bê tông Lạng Sơn đã xây dựng hàng loạt các hạng mục công trình của dự án “Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, sản xuất bê tông thương phẩm và các vật liệu xây dựng bằng bê tông” tại huyện Chi Lăng.
Bê tông Lạng Sơn xây dựng hoàn thiện hàng loạt hạng mục khi chưa được cấp giấy phép tại dự án ở huyện Chi Lăng.
Bê tông Lạng Sơn xây dựng hoàn thiện hàng loạt hạng mục khi chưa được cấp giấy phép tại dự án ở huyện Chi Lăng.

Đã bị chỉ đạo dừng, vẫn tiếp tục thi công

Ngày 23/1/2018, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định 164/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, sản xuất bê tông thương phẩm và các vật liệu xây dựng bằng bê tông” do Bê tông Lạng Sơn là nhà đầu tư tại thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng. Diện tích đất sử dụng 13.000m2. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 56 tỷ đồng.

Khi chưa được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) theo quy định, Cty này đã xây dựng hàng loạt hạng mục. Trong quá trình này, ngày 17/11/2020, BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (BQL Đồng Đăng-Lạng Sơn) chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án, đã đề nghị Bê tông Lạng Sơn dừng thi công xây dựng các hạng mục công trình khi chưa có GPXD.

Thế nhưng Bê tông Lạng Sơn vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hạng mục. Theo kết quả khảo sát thực địa ngày 30/7/2021 của cơ quan chức năng, nhà đầu tư đã hoàn thành móng nhà văn phòng làm việc 350m2; nhà để xe công nhân 110m2; nhà tập thể cho cán bộ công nhân viên 100m2; xưởng gia công cốt thép 864m2; xưởng chế tạo cống tròn 1.550m2; trạm trộn bê tông thương phẩm…

Với phần đất được cấp GCNQSDĐ gồm 3 lô đất có diện tích 11.057m2 chạy dọc theo gần giữa các thửa đất này có hệ thống cống ngầm thoát nước cho khu vực thị trấn Chi Lăng (cống ngầm này là công trình công cộng, Sở TN&MT không giao nhà đầu tư quản lý diện tích này và không nằm trong diện tích 11.057m2 đã giao nhà đầu tư). Tuy nhiên, nhà đầu tư đã đổ sân bãi bê tông lên trên phần mặt cống và xây dựng trạm trộn bê tông thương phẩm (silo trộn bê tông) trên bề mặt sân bãi, đồng thời xây tường rào bao quanh (gồm cả hệ thống cống ngầm thoát nước).

Quy mô xây dựng thực tế các hạng mục của dự án đều lớn hơn và không đúng với các hạng mục theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp.

Tại Báo cáo 197/BC-BQLKKTCK ngày 6/8/2021, BQL Đồng Đăng – Lạng Sơn chỉ rõ: Các công trình dự án thuộc trường hợp phải có phải có GPXD do cơ quan thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư, theo quy định tại Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (nay được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020).

“Tuy nhiên, nhà đầu tư đã triển khai xây dựng công trình khi chưa được cấp GPXD, do đó vi phạm quy định về trật tự xây dựng và cần xử phạt VPHC theo khoản 5 Điều 15 và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP”, BQL Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết.

BQL Đồng Đăng - Lạng Sơn kiến nghị Chủ tịch tỉnh giao UBND huyện Chi Lăng chủ trì, thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra cụ thể tình hình triển khai đầu tư xây dựng của dự án, xem xét mức độ vi phạm trật tự xây dựng và các vi phạm khác, đề xuất các biện pháp xử lý.

Động thái bất thường của Bê tông Lạng Sơn

Liên quan vấn đề này, tại Văn bản 3349/VP-KT ngày 13/8/2021 của Văn phòng UBND tỉnh, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch tỉnh giao UBND huyện Chi Lăng, Sở Xây dựng, TN&MT và cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát cụ thể và tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm tại dự án trên theo đúng quy định, hoàn thành trước 15/9/2021 và báo cáo kết quả thực hiện.

Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch huyện Hữu Lũng báo cáo kết quả thực hiện di chuyển cơ sở sản xuất (trạm trộn bê tông) của Bê tông Lạng Sơn theo chỉ đạo, báo cáo UBND tỉnh trước 27/8/2021.

BQL Đồng Đăng - Lạng Sơn và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp huyện kiểm tra, xử lý cụ thể các hành vi vi phạm tại dự án; căn cứ kết quả, đề xuất UBND tỉnh về chủ trương điều chỉnh dự án theo đúng quy định.

Được biết, sau khi xây dựng hoàn thiện các hạng mục không phép với quy mô xây dựng thực tế lớn hơn và không đúng với các hạng mục theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp 2018, Bê tông Lạng Sơn lại có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án, tăng tổng vốn đầu tư lên hơn 91 tỷ đồng, tăng diện tích đất dự kiến sử dụng lên 31.840m2.

Đọc thêm