Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh về tình trạng Công ty TNHH sản xuất gạch ngói Ngọc Lý có dấu hiệu khai thác và vận chuyển trái phép tài nguyên khoáng sản (đất), từ mỏ đất thuộc xã Cao Xá đến nhà máy gạch Cotto Mikado (Hiệp Hòa) để làm nguyên liệu sản xuất gạch.
Theo quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 11/3/2020 của UBND tỉnh Bắc Giang, Công ty TNHH sản xuất gạch ngói Ngọc Lý được khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp, bằng phương pháp lộ thiên tại núi Am, thôn Ngọc Yên trong, thôn Ngọc Yên ngoài xã Cao Xá, huyện Tân Yên để thi công san nền dự án đường Vành đai IV (Hà Nội), địa phận tỉnh Bắc Giang và các công trình dự án khác trên địa bàn huyện Tân Yên, huyện Việt Yên.
|
Khu vực khai thác trong mỏ đất tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên |
Quyết định trên cũng quy định rất rõ, Công ty TNHH sản xuất gạch ngói Ngọc Lý phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày được cấp phép khai thác; lắp đặt camera giám sát tại khu vực khai thác để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan và không được sử dụng phương tiện cơi nới thành thùng, không vận chuyển quá khổ quá trọng tải cho phép.
Thực tế, Công ty TNHH sản xuất gạch ngói Ngọc Lý đang bất chấp các quy định nêu trên. Theo quan sát tại khu vực lối vào của mỏ đất không có lắp đặt trạm cân, không lắp đặt camera giám sát và lưu trữ thông tin, trong quá trình vận chuyển đất những chiêc xe tải ben (loại 4 chân) đã được cơi nới thành thùng và chở vượt quá trọng tải nhiều lần so với quy định.
Trong vai một người đi buôn đất, phóng viên được ông Nguyễn Văn Đỗ, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất gạch ngói Ngọc Lý cho biết; hiện tại trong mỏ có nhiều loại đất, nếu mua đất để san gạt thì giá sẽ là 32 ngàn đồng/khối phải trả tiền trước. Nếu mua đất để làm gạch thường thì giá khoảng 40 ngàn/ tấn. Riêng đất đang bán cho nhà máy gạch Cotto Mikado là loại đất đẹp giá 70 ngàn/tấn.
|
Khu vực trạm cân của nhà máy gạch Cotto Mikado Bắc Giang |
Sau khi các xe được xúc đầy đất từ mỏ đất xã Cao Xá, huyện Tân Yên, với động tác che chắn sơ sài các xe chạy thẳng về nhà máy gạch Cotto Mikado có địa chỉ xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa. Qua cổng chính của nhà máy những chiếc xe này được một nam công nhân của nhà máy tưới, rửa lốp qua loa, sau đó xe được đưa lên trạm cân.
Sau khi cân trọng tải, đất được chuyển đến bãi tập kết nằm phía sau của nhà máy. Tại đây đã có 4 công nhân chờ sẵn với một chiếc máy ủi, một máy xúc hỗ trợ san gạt để đưa đất vào máy nghiền.
Đổ đất xong, lái xe nhanh chóng cho xe quay lại trạm cân để lấy phiếu cân mang ra phòng bảo vệ phía ngoài cổng chính xin chữ ký và quay lại mỏ đất tiếp tục hành trình. Hoạt động trên diễn ra thường xuyên từ khoảng 8h sáng đến 21h đêm.
|
Sổ ghi chép những xe chở nguyên liệu và khối lượng chở tới nhà máy gạch Cotto Mikado (Bắc Giang) |
Theo phiếu cân thực tế những chiếc xe tải ben này thường chở trên 40 tấn/chuyến. Một lái xe cho biết; để chở được như vậy đều phải đóng “luật” thì mới vào được địa phận huyện Hiệp Hòa, Mỗi một xe để chạy được phải cắt lại "5 giá", phía nhà máy gạch chịu cho 3 giá, chủ xe chịu 2 giá. Cước vận chuyển từ mỏ đất đến nhà máy gạch là 36 ngàn/tấn sau khi trừ tiền “luật” và các chi phí khác mỗi xe nhận được khoảng 29 ngàn/tấn.
|
Xe chở đất qua khu vực cầu Chớp, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa |
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại thị trấn Thắng huyện Hiệp Hòa những chiếc xe chở đất nói trên vô tư chạy qua nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng CSGT xử lý. Phóng viên cũng đã phản ánh tới Đội trưởng của Đội CSGT huyện Hiệp Hòa nhưng không hiểu sao tình trạng trên không có dấu hiệu suy giảm.
Việc nhà máy gạch Cotto Mikado đang sử dụng nguồn nguyên liệu từ mỏ đất nói trên có được coi là hành động tiếp tay cho nạn khai thác khoáng sản trái phép. Sự việc trên diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị xử lý phần nào cho thấy công tác quản lý cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của chính quyền địa phương hai huyện Tân Yên và Hiệp Hòa đã bị buông lỏng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.