|
Người dân sống xung quanh rất khổ sở vì nước thải cũng như khi thải của nhà máy |
Anh Nguyễn Hữu Đoàn một người dân sống gần nhà máy giấy An Hòa bức xúc cho biết:" từ ngày nhà máy hoạt động, người dân sống xung quanh rất khổ sở vì nước thải cũng như khi thải của nhà máy. Nhiều đêm nhà em phải đeo khẩu trang để đi ngủ. Gần như nhà nào cũng phải dự trữ thuốc đau đầu và liên tục bị đau đầu phải dùng thuốc".
Chị Trần Thị Lý (SN 1967, trú tại địa phương) cho biết thêm: "Từ ngày nhà máy giấy An Hòa đóng trên địa bàn, cứ nghĩ cuộc sống sẽ khấm khá hơn, ai ngờ lại như thế này, thử nghĩ mà xem hàng ngày hàng ngàn khối nước thải xả xuống lòng sông, trâu bò thì liên tục bị bệnh đường ruột, chậm lớn, hoa màu bụ ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn nước tưới bị ô nhiễm mà người dân chúng tôi vẫn dùng nước giếng bắt nguồn từ mạch sông, không chết do đói thì chúng tôi cũng chết vì bệnh tật".
|
Toàn bộ khu vực xả thải bốc mùi hôi thối, bọt sủi trắng xóa |
Theo ghi nhận của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam tại dọc theo bờ sông Lô, ngay ở phía thượng lưu là trạm bơm nước của Công ty An Hòa với những đường ống dẫn chằng chịt, vươn dài phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, Công ty An Hòa lại đặt miệng cống xả nước thải về phía hạ lưu cách đó đến 300m, hệ thống cống xả được thiết kế dạng tràn xả lũ, nằm sau những tảng đá lớn. Toàn bộ khu vực xả thải bốc mùi hôi thối, bọt sủi trắng xóa, nước có màu vàng đục đóng cục cao hơn một mét và lớp váng phủ kín cả một đoạn sông
|
Công ty cổ phần Giấy An Hòa số tiền 227 triệu đồng vì hành vi xả trộm nước thải chưa qua xử lý |
Trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam, ông Phan Đức Chính – Phó chủ tịch UBND xã Cấp Tiến khẳng định, việc phản ánh của người dân là có cơ sở, chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh lên UBND huyện Sơn Dương. Đồng thời, UBND xã cũng đề nghị nhà máy giấy An Hòa khắc phục, có chế độ hỗ trợ người dân nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trước đó, vào tháng 07/2013, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phạt hành chính Công ty cổ phần Giấy An Hòa số tiền 227 triệu đồng vì hành vi xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra cống thoát nước mưa, rồi xả thẳng ra sông Lô.
Cụ thể, gần trưa 10/7/2013, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bắt quả tang Công ty cổ phần Giấy An Hòa(Tập đoàn Geleximco), đặt tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra cống thoát nước mưa, rồi xả thẳng ra sông Lô với khối lượng khoảng 1.500 m3/ngày.
Nước có màu nâu đỏ đậm, bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, công ty này còn vi phạm về chất thải nguy hại, vi phạm về không thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; chưa được xác định đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Công ty cổ phần Giấy An Hòa sản xuất với quy mô lớn, nước thải của công ty là 7.500 m3/ngày. Nhà máy có hệ thống xử lý nhưng hệ thống này hiện xử lý nước vẫn chưa đạt chuẩn quy định, nước này khi chảy ra môi trường vẫn còn ô nhiễm.
Cuộc sống của người dân xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhà máy sản xuất Bột giấy và Giấy An Hòa. Họ đang ngày đêm chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang, cũng như những giải pháp đồng bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.