5 năm chưa có dự án nào
Những năm qua, nhằm tạo điệu kiện cho cán bộ, chiến sĩ khó khăn về nhà ở, các đơn vị đã cho các hộ gia đình thuê nhà công vụ với giá rẻ, triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp khó khăn về nhà ở.
Ví dụ, tại Binh chủng Thông tin liên lạc, tính đến nay, 258 cán bộ, nhân viên được tham gia dự án nhà ở; 28 cán bộ, nhân viên được mua căn hộ chung cư; toàn binh chủng xây dựng mới 325 căn hộ nhà công vụ và 358 lượt cán bộ, nhân viên được thuê nhà công vụ.
Đối với dự án NƠXH được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, pháp luật về nhà ở không quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án mà phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở 2014 và khoản 3 Điều 8 Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Hiện LLVT có mức lương khá cao, trong khi đó, theo quy định, để được mua, thuê mua NƠXH thì đối tượng phải có mức thu nhập thấp (không phải đóng thuế thu nhập cá nhân).
Do vậy, điều kiện này cần phải được điều chỉnh trong Thông tư hướng dẫn Nghị định 100 để cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc LLVT tiếp cận được với các chính sách về NƠXH.
Trong khi số lượng cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc LLVT hiện đang khó khăn về nhà ở vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, do thiếu những cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển loại hình nhà ở này mà NƠXH cho cán bộ, chiến sĩ LLVT vẫn đang còn trống.
Nghị định 100 về phát triển NƠXH có hiệu lực từ ngày 15/12/2015 đã quy định về việc phát triển NƠXH cho cán bộ, chiến sĩ LLVT đã mở ra một hành lang pháp lý. Theo khoản 9 Điều 19 Nghị định 100, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ban hành quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện được mua, thuê mua nhà ở xã hội đối với các dự án NƠXH do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an triển khai thực hiện sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng bằng văn bản.
5 năm qua, vẫn chưa có dự án NƠXH cho quân đội nào chính thức được khởi công, mặc dù theo đánh giá của Bộ Xây dựng, những năm qua phát triển NƠXH là một “điểm sáng” trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, không chỉ ở các đô thị lớn, hiện cũng có nhiều đối tượng trong LLVT không ở khu vực đô thị cũng cần có sự hỗ trợ về nhà ở, trong khi Nghị định 100 không phủ kín hết được, do quá nhiều đặc thù cần phải quy định (các địa phương tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể giao đất, hoặc hỗ trợ tài chính để cải thiện nhà ở đã có, hoặc hỗ trợ tài chính theo năm phục vụ...).
Bên cạnh đó, cần phải có quy định cụ thể chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ trong lực lượng vũ trang khi hoàn thành nhiệm vụ (xuất ngũ, về hưu...) mà chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ nhưng có khó khăn về nhà ở, để cải thiện nhà ở; bổ sung quy định về chính sách tạo lập nguồn tài chính..., để cải thiện nhà ở trong lực lượng vũ trang. Việc hỗ trợ thực hiện theo nguyên tắc mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân chỉ được hưởng một lần.
Khởi động NƠXH cho quân nhân
Từ chủ trương phát triển nhà ở dành cho cán bộ quân đội trên các khu đất quốc phòng đã được cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở theo loại hình NƠXH, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tháng 12/2019, Bộ Quốc phòng có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị có ý kiến về việc thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội với nội dung: “Hiện nay Bộ Quốc phòng có chủ trương phát triển nhà ở dành cho cán bộ quân đội trên các khu đất quốc phòng đã được cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở theo loại hình NƠXH, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Để việc triển khai tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo cán bộ quân đội được trực tiếp thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội, Bộ Quốc phòng đề nghị có ý kiến về đề xuất thực hiện theo phương án đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý khu đất được phép làm việc với doanh nghiệp có đủ pháp lý, năng lực theo quy định để thỏa thuận, thống nhất các nội dung, quy mô đầu tư xây dựng, hiệu quả đầu tư, báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, điều kiện đặc thù của quân đội, Bộ Quốc phòng có văn bản giới thiệu doanh nghiệp tham gia để cơ quan chuyên môn và ủy ban nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu theo các quy định của pháp luật để lựa chọn chủ đầu tư xây dựng dự án NƠXH cho cán bộ quân đội”.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có Công văn 182/BXD-QLN ngày 14/01/2020 trả lời Bộ Quốc phòng:
Về lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án NƠXH từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Đề nghị Bộ Quốc phòng thực hiện theo đúng quy định của Luật Nhà ở hiện hành. Cụ thể là tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở 2014 đã quy định: đối với trường hợp Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng NƠXH thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư hoặc chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư và có nhu cầu xây dựng NƠXH thì doanh nghiệp, hợp tác xã đó được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH.
Về việc giới thiệu doanh nghiệp quốc phòng tham gia đấu thầu các dự án NƠXH: Pháp luật về nhà ở không có quy định cấm giới thiệu doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án phát triển NƠXH, do vậy trường hợp Bộ Quốc phòng có các doanh nghiệp đủ năng lực, có kinh nghiệm trong đầu tư các dự án nhà ở và có nhu cầu tham gia triển khai các dự án NƠXH thì Bộ Quốc phòng có thể giới thiệu các doanh nghiệp đó cho các địa phương nơi có dự án để xem xét, lựa chọn theo đúng quy định của pháp luật nêu trên.
Đến nay, trong số 22 dự án NƠXH đến năm 2020 của TP Hà Nội, quân đội có 1 dự án là Dự án Phát triển NƠXH cho các cán bộ, sĩ quan quân đội khó khăn về nhà ở tại Khu đô thị mới Đồng Mai, Hà Động do Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư.
Đây là một trong hai dự án thí điểm về nhà ở cho cán bộ, sỹ quan quân đội, công an có khó khăn về nhà ở theo phương thức phát triển NƠXH trên địa bàn Hà Nội do Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội làm tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép xây dựng từ năm 2013.
Tuy nhiên, tại văn bản quy hoạch phân khu khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2000 ngày 4/10/2019 của UBND TP Hà Nội lại không xuất hiện cụm từ “Khu nhà ở xã hội cho cán bộ, sĩ quan quân đội khó khăn về nhà ở” mà thay vào đó phân bổ thành 6 ô quy hoạch ký hiệu A, B, C, D, E, F và đường giao thông.