Nhà thơ Tạ Hùng Việt mang một nỗi buồn riêng với 'Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2024) là tập thơ thứ 10 trong hành trình sáng tạo của nhà thơ Tạ Hùng Việt. Tập thơ được đánh giá có nhiều sự đổi mới cả trong cách thể hiện lẫn nội dung mà chủ thể trữ tình muốn chuyển tải với 100 bài được viết theo thể thơ 1-2-3.

Được biết, 1-2-3 là một thể loại thơ trữ tình được sáng tác theo một hình thức mới bao gồm 3 đoạn, 6 câu. Trong đó, đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lặp tên những bài thơ đã xuất hiện. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn và đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Có thể nói, trong các tập thơ viết theo thể 1-2-3 đã trình làng trong thời gian gần đây thì tập Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay của Tạ Hùng Việt là một trong những tập sách đầy đặn, có chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức biểu hiện. Đây là tập thơ đáng để đọc và nhất là những ai quan tâm, yêu thích thể loại thơ mới 1-2-3 này.

Nhà thơ Tạ Hùng Việt (đứng ngoài cùng bên tay phải).

Nhà thơ Tạ Hùng Việt (đứng ngoài cùng bên tay phải).

Xin được dẫn ra đây bài Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay, tên một bài thơ cùng tên với thi tập để bạn đọc có sự cảm nhận bước đầu về thể loại thơ 1-2-3.

Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay

Mưa từ biển, cuốn sách mơ ước của em đã trôi đi

Lũ từ phía núi, bài văn của em không có cây rừng

Cánh đồng làng trắng nước, ngôi trường chết đuối bên sông

Lại đắp đổi buồn thương những tháng năm sinh tồn nghiệt ngã

Cha lại ra khơi và mẹ lại chắp tay trước biển nguyện cầu.

Tạ Hùng Việt vốn là nhà thơ kiệm lời, thơ anh với ngôn ngữ dồn nén và lúc nào anh cũng muốn ký thác vào đó những cung bậc cảm xúc của lòng mình một cách tận cùng nhất. Và đây chính là tập thơ thể hiện rõ nhất, đầy đủ nhất tất cả những điều vừa nói ở trên.

Ai đã từng đọc và theo dõi hành trình thơ Tạ Hùng Việt cũng đều nhận ra, thơ anh có nét buồn, nhiều ngẫm ngợi, suy tư và dường như lúc nào cũng tỉnh táo, bản lĩnh, không hề bi lụy, ảo não hay có những suy nghĩ tiêu cực nào. Thơ anh là những minh triết về đời, về người bằng cái nhìn biện chứng, thấu đáo của một người có vốn tri thức sâu sắc về đời sống. Đọc bài thơ Hành trình lỗi của những giấc mơ giông bão, chắc chắc sẽ gợi ra cho bạn đọc những suy ngẫm và liên tưởng sâu sắc về đời, về người trong các mối quan hệ liên thông, xâu chuỗi giữa hiện tại, quá khứ và tương lai…

Tôi cầu cạnh ông lão đánh cá, mênh mông biển xanh lặng im

Nông nổi tầm vọng bước ngắn, bao giờ hết những chông chênh

Con người từng dành nghìn năm mơ vượt biển vượt sông

Từng khư khư những trăm năm để ngạo nghễ cung son điện ngọc

Cá vàng thăm thẳm khơi xa, cổ tích buồn lấm lem máng gỗ.

Nhà thơ khao khát biểu hiện cái tôi trước cuộc đời, cái tôi mang tính khác biệt, tạo sự độc đáo riêng trong lối tư duy, diễn đạt và hình ảnh.

Tiếng chuông rơi trong đêm nguyện cầu mùa cứu rỗi

Hoảng hốt chạm buồn thương nỗi xa vắng của ngày giãn cách

Lo âu những vô thường trong mất – còn ngơ ngác nhân gian

Ngày vội vã bước mưu sinh từ góc làng dại khôn phận mọn

Mẹ dặn đường xa – lúc tận cùng trắc trở đắng cay khốn khó

Hãy giữ khát vọng làm người và quay về nương tựa quê hương.

Đó là việc nhà thơ mở rộng trường liên tưởng với các biện pháp hư cấu theo kiểu ảo giác nhằm lạ hóa hình tượng thơ với hàm lượng nghĩa tối đa.

Lấp lánh vầng trăng trôi dạt dưới chân cầu, đây là một bài thơ hay của nhà thơ Tạ Hùng Việt. Đọc bài thơ, tôi có cảm giác nhà thơ đang trải lòng mình trước cảnh thiên nhiên, thế sự. Những hình ảnh đối lập trong bài thơ đã làm tăng thêm sức ám ảnh, bộc lộ bao nỗi niềm trắc ẩn của nhà thơ trước cuộc đời. Ngay nhan đề bài thơ đã tạo nên ấn tượng, giàu chất thơ với hình ảnh đẹp, trong trẻo nhưng cũng dự báo trước điều bất bình thường sẽ xảy ra. Vầng trăng đẹp, lung linh ấy lại “trôi dạt” dưới chân cầu. Tạ Hùng Việt dùng từ trôi dạt ở chỗ này rất độc đáo. Để từ đấy nhà thơ có cơ sở để nói đến những sự việc diễn tiến sau đó. Thủ pháp nhân hóa, ẩn dụ góp phần làm cho câu thơ trở nên sinh động, có hồn, tạo nên những dư ba.

Rơi bóng xuống dòng sông mê mải đục – trong con nước

Tròng trành những gương mặt người trong hạnh ngộ cơn say

Những cặp phạm trù đối lập: đục - trong, cao - thấp, vui - buồn, cũ - mới; cùng với việc dùng những từ ngữ tạo ấn tượng: mê mải, tròng trành, hạnh ngộ cơn say, vô thức, sinh tồn, tàn khốc, phũ phàng, chiếm hữu, vô tâm. Mỗi câu chữ là một nốt nhạc trầm, vừa gợi mở vừa lắng sâu, nỗi buồn man mác, giăng mắc và tạo nên những xốn xang, rung cảm. Lời thơ nhẹ nhàng, êm trôi như dòng chảy của cảm xúc. Đó là sự lắng lòng mình để dõi theo từng nhịp đập của cuộc sống.

Tạ Hùng Việt phác họa ra bức tranh đời sống muôn mặt với nhiều ẩn khuất lắm nỗi tỏ tường. Cái hay là nhà thơ không đi sâu vào bình luận, lý giải, phân tích những khía cạnh nội tại mà bản thân những câu chữ anh viết tự nó đã có sức lan tỏa và mở ra trong chiều sâu liên tưởng của bạn đọc.

Những cung bậc thảo nguyên, vô thức sự sinh tồn tàn khốc

Thế gian những tầng cao thấp, phũ phàng sự chiếm hữu vô tâm

Chỉ 69 chữ, trong 6 dòng thơ mà nhà thơ đã chuyển tải nhiều thông điệp, giãi bày những dòng cảm xúc phức hợp, đa chiều trước những bản thể hữu hình của đời sống. Sự vô ý thức, sự tàn khốc, phũ phàng, vô tâm… của con người, của những tầng lớp thấp cao sẽ gây nên những hệ quả xấu, những cảnh tượng đau lòng, buốt nhói con tim.

Tập thơ “Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay” của Tạ Hùng Việt

Tập thơ “Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay” của Tạ Hùng Việt

Ở bài thơ này, điều đặc biệt là Tạ Hùng Việt không dùng từ ngữ nào trực tiếp để nói về nỗi buồn nhưng ẩn đằng sau những lời thơ có vẻ tự nhiên đó là sự dằn vặt, xa xót. Nhà thơ bàng bạc những nỗi lo âu khi nhìn thấy những điều không hay đang hiện hữu trước mắt. Ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa niềm vui và nỗi buồn có vẻ mong manh. Và nỗi buồn bao giờ cũng chiếm ưu thế.

Câu kết của bài thơ là một chiêm nghiệm, tổng kết khá chí lý: Tất cả mọi niềm vui đều cũ, chỉ nỗi buồn là mới nguyên. Sau mỗi cuộc vui, con người ta ngẫm ngợi, nhìn nhận lại thì thấy thấm thía nỗi buồn và dường như cuộc đời này niềm vui chỉ là thoáng chốc, nỗi đau là bất tận triền miên.

Với lối quan sát tinh tế, sự suy tưởng sâu sắc, Tạ Hùng Việt đã đem đến cho người đọc triết lý chân thực, thấm đẫm chất trí tuệ.

Theo dấu tích người trong những hang đá cổ

Bỏ lại thói quen hú hét, còng cúi, trật tự, vâng lời

Con người có đớn đau trong lần đầu tiên đứng thẳng

Đi qua những nghiệt ngã triệu năm trong mơ hồ thần thánh

Đi qua những sợ hãi, quyền uy, lòng tham và trừng phạt

Con người sẽ tiếp tục khóc cười trong cuộc tồn vong.

Ngôn từ trong thơ Tạ Hùng Việt có một sức sống riêng, một bản sắc khó nhầm lẫn với bất cứ một nhà thơ nào khác. Đó là những lời trần tình, là khát khao, là sự thôi thúc phải cất lên tiếng nói từ những góc khuất, những điều ở đáy sâu tâm hồn mà nhà thơ muốn lần lượt được giãi bày.

Người nơi miền mây trắng, tôi cuối bờ sông xa

Xin nắng ngừng trôi trong thăm thẳm mạch mùa phía bão

Cơn bấc tràn đồng lạnh lẽo, tím tái mặt người trông mong

Đem tháng Mười phơi trong heo may mùa đông sầm sập gió

Cuộc tình phơi trong ngày cũ mây giăng kín khung trời xưa

Tôi rất sợ chạm vào nỗi nhớ, biết sao quên được hỡi người.

Hình ảnh Đem tháng Mười phơi trong heo may mùa đông sầm sập gió là một hình ảnh độc đáo có sự đối sánh với Cuộc tình phơi trong ngày cũ mây giăng kín khung trời xưa. Phải chăng nhà thơ nhận ra có sự tương đồng nào đó?

Tạ Hùng Việt đã có những tìm tòi, thể nghiệm mới trong thơ, nhất là ở thể thơ mới 1-2-3. Nhà thơ đã tiếp cận tinh thần hậu hiện đại, sáng tạo những cấu trúc thơ lạ, độc đáo chảy theo dòng tiềm thức và vô thức với nhiều ẩn dụ, liên tưởng thú vị, bất ngờ.

Đọc bài thơ Những vui buồn trong ngày môi đắng mắt cay, bạn đọc sẽ thấy rõ điều vừa nói ở trên.

Những vui buồn trong ngày môi đắng mắt cay

Khi mất cắp tin yêu tôi đã đau tận cùng gan ruột

Xin người cứ lặng im, đừng có thêm điều gì nữa nhé

Ngày sương mù tràn phố, tôi nhận ra kẻ trộm đời mình

Lếch thếch nỗi người sáng tối, sân si phận mọn khóc cười

Khi ánh sáng gãy đôi, tinh hoa ngả nghiêng lởm khởm.

Rất nhiều bài thơ khác trong tập này cũng có cách diễn đạt và liên tưởng kiểu như vậy. Chẳng hạn bài:

Những dòng trôi qua phúc phận con người

Xót những chiếc lá tật nguyền trong ma mị cộng sinh

Đăng đắng giọt mồ hôi phía hình hài cơn mơ no ấm

Nâng niu những đồng tiền cũ từ niềm vui rau đắng chợ nghèo

Lại thương mảnh vườn gầy của mẹ âm thầm năm tháng gieo neo

Khuyết hao một đời đất khát vẫn tin yêu hoa trái nghịch mùa.

Nét độc đáo trong tập thơ này của Tạ Hùng Việt là cách anh đặt nhan đề các bài thơ. Nhan đề nào cũng thấm đẫm chất thơ và rất gợi, tạo nên sự tò mò của bạn đọc: Những dòng trôi qua phúc phận con người; Núi không chọn chỗ mình đứng để cao lên; Đã héo hắt cái ngày tôi đợi người cuối dốc; Bình minh mưa và những giây phút tình cờ; Trăng khuyết nóc rừng hoang vu sương lạnh; Người còn nhặt nắng chiều trên cánh đồng mây; Không giữ được người, tôi ngồi xuống cạnh mùa thu; Ngày em lấy chồng – tôi ngược gió đầu đông; Nắng lụa mong manh trôi qua mùa hoa đỏ; Những cánh phượng còn nguyên màu nâu lạnh; Trong tăm tối đáy sâu có một tường minh khác; Trong cơn mưa sao băng tôi tin lời cay đắng…

Mỗi nhà thơ muốn khẳng định chỗ đứng của mình trong dòng chảy của nền văn học thì bản thân họ phải làm thế nào đó để tạo cho mình một phong cách riêng, không lẫn với bất cứ người nào khác. Điều này không hề đơn giản. Mới, lạ, hiện đại, độc đáo là những điều mà Tạ Hùng Việt đã làm được. Chính điều này anh đã tạo ra được “tạng” thơ của riêng anh mang phong cách Tạ Hùng Việt.

Cái tôi trong thơ Tạ Hùng Việt là cái tôi luôn đi tìm những chân lý, nghiệm sinh trước hiện thực đầy ngổn ngang, bộn bề, phức tạp.

Mảnh trăng rơi cuối thác vỡ tan tành chiều sương

Sau những hân hoan, cánh bay nào không quay trở lại

Sau cuộc săn, người có nghe tiếng kêu ai oán phía rừng

Có những khoảnh khắc bình yên trong nỗi sợ khôn cùng

Giữa mênh mông riêng chung, ngơ ngác những sinh tồn cạm bẫy

Nỗi đau của loài này rất vô tình là hạnh phúc loài kia.

Vì thế, khi đọc tập thơ Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay của Tạ Hùng Việt, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đã có nhận xét khá xác đáng: “Thơ Tạ Hùng Việt gieo một ấn tượng khác thường từ bầu không khí khác thường của nó: Không khí của một mối nghi ngợi u sầu lạ lùng, đầy kìm nén, mối nghi bao trùm và xuyên suốt tất cả những nỗi riêng chung được trình hiện trong thơ.

Đấy là một mối u sầu với tầm nhìn rõ ràng – dẫu hầu hết được biểu đạt thông qua các thủ pháp tượng trưng – được biểu thị rất tập trung về phương diện cảm xúc; và miền mục tiêu của tầm nhìn đặc trưng ấy thể hiện rõ ngay trong từng cấu tứ, từng ngữ điệu, giống như một lời tuyên ngôn nhưng bằng giọng hoàn toàn chia sẻ”.