Nhà thuốc “ngại” GPP

TP. Hồ Chí Minh đến nay mới chỉ có 467 trên tổng số 3577 nhà thuốc (chiếm tỷ lệ 13%) được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy chứng nhận GPP.

TP. Hồ Chí Minh đến nay mới chỉ có 467 trên tổng số 3577 nhà thuốc (chiếm tỷ lệ 13%) được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy chứng nhận GPP.

nhathuoc
Người bệnh vẫn còn tâm lý ngại đến mua thuốc tại các nhà thuốc GPP vì sợ bị mua giá đắt

Khó để trọn vẹn “đôi đường”

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, đến hết tháng 12/2010, tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc phải đạt tiêu chuẩn nhà thuốc thực hành tốt GPP. Trên thực tế, mục tiêu này không dễ thực hiện, vì chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh việc triển khai xây dựng hệ thống nhà thuốc GPP vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp, khó khăn...

Một trong những vấn đề gây cản trở chính trong tiến trình xây dựng hệ thống nhà thuốc đạt chuẩn GPP hiện nay chính là việc các nhà thuốc phải đầu tư tốn kém hơn nhiều so với các nhà thuốc trước đây.
Chủ nhà thuốc Cúc, địa chỉ 106 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện nhà thuốc GPP, dù vậy cũng không dễ dàng chút nào vì chi phí quá tốn kém, chỉ riêng việc sửa sang, bổ sung trang thiết bị, gắn máy điều hòa, cửa kính…cũng đã hơn 50 triệu đồng. Đó là chưa kể các nhà thuốc khác phải thuê dược sĩ trực tiếp đứng quầy, chi phí cao mà tìm người cũng khó.”

Do đầu tư tốn kém nên nhiều nhà thuốc đạt chuẩn GPP phải bù lỗ trong thời gian đầu hoạt động. Bên cạnh đó, người bệnh vẫn còn tâm lý ngại đến mua thuốc tại các nhà thuốc GPP vì sợ bị mua giá đắt. Bệnh nhân Nguyễn Hồng Thắm cho biết: “ Trước kia tôi là khách hàng quen thuộc của nhà thuốc Minh Châu trên đường Cộng Hòa, nhưng sau thấy nhà thuốc sửa sang khang trang, có máy điều hòa, cửa kính kín mít nên tôi chuyển sang mua hiệu thuốc kế bên. Vì tôi nghĩ họ đã đầu tư vào nhiều thì chắc chắn phải nâng giá thuốc lên để lấy lại vốn. Nhưng sau đó, tôi tình cờ biết được về kế hoạch GPP và cảm thấy rất an toàn khi mua thuốc ở những nhà thuốc này.”

Mỏi mòn chờ nhà thuốc GPP…

Không chỉ vậy, nhiều DN cũng đau đầu và lo ngại nhà thuốc mình sẽ bị đóng cửa, mặc dù có đủ nguồn nhân lực, đủ kinh phí nhưng việc tìm mặt bằng lớn hơn cũng quá khó, nhất là những địa điểm gần các bệnh viện lớn. Dược sĩ Nguyễn Thị Ấm, chủ DN gần bệnh viện Đại học Y Dược (quận 5) chia sẻ: “Mở tiệm gần 10 năm, khách hàng rất quen thuộc, giờ mà dời đi chỗ khác thì xem như mất hết. Dù vậy, hơn hai năm nay tôi cố tìm mặt bằng lớn hơn để triển khai GPP nhưng đến nay vẫn chưa tìm được.”

BS Trương Thế Dũng, người tư vấn thuốc cho bệnh nhân tại nhà thuốc Cúc cho biết: “Thời tiết nắng nóng như hiện nay là dịp để các chủ DN suy ngẫm và mau chóng triển khai GPP. Vì theo quy định điều kiện bảo quản thuốc phải dưới 30 OC , nhưng những ngày vừa qua mức đo của đồng hồ lúc nào cũng từ 33 – 39 OC độ, chưa kể đến việc nắng trực tiếp chiếu vào làm chuyển đổi màu thuốc, thuốc kém chất lượng dẫn đến tình trạng người bệnh uống thuốc hoài vẫn không khỏi, còn có một số tác dụng ngược…”

Theo thống kê của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, cho đến thời điểm giữa tháng 5/2010, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chỉ có 467 trên tổng số 3577 nhà thuốc (chiếm tỷ lệ 13%) được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy chứng nhận GPP. Trong đó: nhà thuốc bệnh viện: 89; nhà thuốc doanh nghiệp: 79; nhà thuốc tư nhân : 299.

GPP nhằm mục tiêu chấn chỉnh hệ thống bán lẻ, khắc phục các tồn tại, để phục vụ tốt hơn cho người bệnh, cụ thể là để người bệnh được mua thuốc chất lượng, giá hợp lý và được tư vấn dùng thuốc an toàn hiệu quả. Nhưng với tình hình như hiện nay, người bệnh sẽ tiếp tục chịu đựng sự thiệt hại và vẫn với tâm trạng phân vân khi đi mua thuốc.

Huỳnh Kiều

Đọc thêm